Tại Khánh Hòa hiện tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có 17 ban chuyên môn, 3 công đoàn ngành cùng 5 đơn vị sự nghiệp. Tổng số biên chế của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh là 117, cấp huyện là 156.
Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về việc sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh và cấp xã.
Trụ sở Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Khánh Hòa (tại số 1 Trần Phú) dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025. Ảnh: Trung Nhân
Theo Đề án, bộ máy cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh sẽ được tổ chức lại theo nguyên tắc thống nhất đầu mối lãnh đạo, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ giữ vai trò lãnh đạo, điều phối toàn diện. Các cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách được tổ chức lại thành 10 ban, đơn vị trực thuộc Mặt trận, đồng thời sáp nhập các ban chuyên môn của các tổ chức thành viên về hoạt động chung trong Mặt trận, nhưng vẫn giữ tư cách pháp nhân độc lập.
Ở cấp tỉnh, các ban chuyên môn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh được thu gọn từ 3-5 đầu mối xuống còn 1 ban chuyên trách mỗi tổ chức. Một số đơn vị sự nghiệp như Trung tâm hỗ trợ nông dân hay Nhà thiếu nhi được chuyển về trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hoặc thực hiện tổ chức lại. Đặc biệt, 2 hội quần chúng có tính chất tương đồng được hợp nhất, giảm từ 18 xuống còn 16 đầu mối cấp tỉnh.
Theo đó, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn 3 đầu mối (giảm 2 đầu mối) gồm Văn phòng, Ban Phong trào, Ban Dân chủ - Pháp luật.
Bộ máy cơ quan Tỉnh đoàn gồm 4 đầu mối gồm 3 ban, đơn vị chuyên môn là Văn phòng, Ban Tuyên giáo, Ban Phong trào và đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Nhà Thiếu nhi tỉnh.
Bộ máy cơ quan chuyên trách Hội Nông dân tỉnh giảm 1 đầu mối còn 4 đầu mối gồm Văn phòng, Ban Xây dựng Hội, Ban Kinh tế - Xã hội và Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh (đơn vị sự nghiệp trực thuộc).
Nhà Thiếu nhi tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan tỉnh Đoàn. Ảnh: Trung Nhân
Bộ máy cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh gồm 9 đầu mối. Trong đó, 3 ban, đơn vị chuyên môn gồm Văn phòng, Ban Nghiệp vụ, Ban Tổ chức - Kiểm tra; 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu Tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma, Nhà khách Liên đoàn Lao động tỉnh; có tổ chức bộ máy, không được giao biên chế; cán bộ, công chức của cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh hoạt động kiêm nhiệm và hợp đồng lao động. Cùng với đó là 3 công đoàn ngành gồm công đoàn các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh, công đoàn ngành Y tế, công đoàn khối Đảng và Chính quyền tỉnh.
Bộ máy cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh gồm 3 đầu mối (đã giảm 2 đầu mối) gồm Ban Xây dựng tổ chức hội - Văn phòng, Ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Ban Gia đình xã hội - Kinh tế.
Bộ máy cơ quan chuyên trách Hội Cựu chiến binh tỉnh gồm 2 đầu mối (đã giảm 2 đầu mối) gồm Ban Phong trào - Văn phòng, Ban Tổ chức - Kiểm tra.
Sau sắp xếp, các hội quần chúng tỉnh do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức hội; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Tại cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội được giải thể, chức năng được chuyển về cấp tỉnh và cấp xã; biên chế cũng điều chuyển phù hợp. Ở cấp xã, tổ chức bộ máy được củng cố theo hướng "gần dân, sát dân", đội ngũ cán bộ dao động từ 8-10 người, trực tiếp triển khai công tác vận động, giám sát và phản biện tại cơ sở. Thời gian triển khai từ quý III/2025.
Trung Nhân