Khánh Hòa mở hướng thu hút các 'Sếu đầu đàn' đến đầu tư phát triển

Khánh Hòa mở hướng thu hút các 'Sếu đầu đàn' đến đầu tư phát triển
19 giờ trướcBài gốc
Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Tổng lãnh sự; Tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp các nước trong khu vực; các chuyên gia, nhà khoa học cùng hơn 350 doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.
Sớm phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Hội nghị là cơ hội lớn để UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội đầu tư, vận hội, cơ chế chính sách đặc thù và một số định hướng phát triển, các vấn đề trọng tâm, đột phá chiến lược của tỉnh sau sáp nhập; đồng thời thông tin về một số Đề án lớn hiện đang trình Trung ương và các nội dung đã triển khai để hiện thực hóa Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trực tiếp trao đổi, lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp; qua đó để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất-kinh doanh, thể hiện cam kết đồng hành xuyên suốt của tỉnh vì sự phát triển của doanh nghiệp, của tỉnh, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, hiện đại, năng động và bền vững.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa mới trên bước đường phát triển mới. Đặc biệt tỉnh đã sớm tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, tạo cơ hội để tỉnh và các nhà đầu tư cùng chia sẻ cơ hội, tư duy, tầm nhìn và cùng đưa ra ý tưởng tốt để tỉnh phát triển tăng trưởng đạt 2 con số nhanh hơn, góp phần sớm đưa tỉnh trổ thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Trước bối cảnh phức tạp của tình hình hình thế giới, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức khác, tỉnh Khánh Hòa cần tháo gỡ các điểm nghẽn, tận dụng các cơ hội mới, huy động các nguồn lực mới để đầu tư phát triển bài bản, hiệu quả. Tỉnh cần bám sát và triển khai hiệu quả "bộ tứ trụ cột" mà Trung ương đề ra để phát triển bài bản, thực chất.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Trước khi sáp nhập, hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa cũ đều có tăng trưởng GRDP rất tốt. Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới hội tụ nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, nhất là về cảng biển, đường hàng không, giao thông đường bộ, đường sắt, cơ hội phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG, thủy điện tích năng, điện hạt nhân…). Do đó, tập thể lãnh đạo tỉnh phải đoàn kết, sáng tạo; đảm bảo hành chính thông suốt bộ máy theo mô hình hai cấp đồng bộ và hiệu quả; phát huy tiềm năng lợi thế và tiếp tục có bước đi mang tính đột phá nhưng đảm bảo vững chắc để phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cần mở rộng không gian phát triển; có ý tưởng thu hút đầu tư mới; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng môi trường đầu tư kinh doanh; phát huy cơ chế đối thoại, phản hồi tốt cho các doanh nghiệp; phát triển kinh tế song song với phát triển môi trường sống, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Phó Thủ tướng tin tưởng: Với tư duy mới, cách làm mới và ý tưởng đột phá mới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục đứng đầu khu vực và cả nước về phát triển các lĩnh vực có lợi thế, sớm phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số đến năm 2030
Tại hội nghi, các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế mà tỉnh Khánh Hòa hiện có sau khi hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận. Mặc dù vậy tỉnh còn rất nhiều việc cần nhanh chóng bắt tay thực hiện. Bởi lẽ hiện nay việc liên kết vùng, liên kết nội tỉnh chưa được khai thác, chưa được tích hợp bài bản mang tính liên kết cao; việc quy hoạch phát triển chưa đạt quy mô và tầm nhìn; hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, chưa có sự tương thích hoàn toàn; việc chuyển quy hoạch truyền thống sang quy hoạch số còn chậm…, gây kìm hãm không nhỏ tới sự phát triển chung của tỉnh trên bước đường mới.
Ngân hàng thương mại trao hợp đồng tín dụng cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ: Khánh Hòa từ lâu được xem là "viên ngọc xanh" của các tỉnh, thành trong khu vực; hội tụ đủ điều kiện phát triển hàng đầu cả nước. Tại đây, VinGroup đã đầu tư, định hình phát triển nhiều loại hình du lịch, khu đô thị quy mô lớn mang tầm quốc tế; là địa chỉ du lịch hàng đầu của cả nước, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch của Việt Nam trên bản bản đồ du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Quang cho rằng, để phát triển bền vững, tỉnh Khánh Hòa cần định hướng rõ ràng chiến lược phát triển; khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch xanh ; xem xét chính sách công nhận các loại hình du lịch; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển du lịch xanh, công nghệ sạch, giao thông xanh. VinGroup sẵn sàng đồng hành cùng với tỉnh để xây dựng mô hình thí điểm phát triển xanh mang đẳng cấp quốc tế.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng gởi mở và hiến kế để tỉnh Khánh Hòa tiếp tục định hình đường hướng phát triển mới. Ông Nguyễn Văn Khoa nêu rõ: Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Khánh Hòa cần ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo nền tảng phát triển trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lượng mới; phát triển công nghệ số, kinh tế số; phát triển logistic; cảng biển; tạo điểm đến tốt và bền vững cho các nhà đầu tư chiến lược; sớm trở thành "mắt thần" quốc gia về dữ liệu biển và năng lượng tái tạo. Với vai trò Nhà nước dẵn dắt, tỉnh cần tận dụng phát triển khoa học - công nghệ, tạo điều kiện hơn nữa để phát triển kinh tế tư nhân, sớm đưa tỉnh trở thành địa phương phát triển và đáng sống của cả nước.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin: Thực hiện các kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Khánh Hòa mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ địa giới và dân số của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng GRDP của tỉnh rất khả quan, tăng 7,33%; thương mại, dịch vụ tăng từ khoảng 10%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 42.000 tỷ đồng; thu hút 61 dự án với gần 389.000 tỷ đồng vốn đăng ký. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng gần 16%; doanh thu du lịch đạt hơn 34.000 tỷ đồng, tăng hơn 20%; giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 41%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Quốc Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, tăng trưởng GRDP chưa đủ mạnh để tạo bứt phá; một số lĩnh vực như công nghiệp, đô thị, du lịch chưa phát huy hết tiềm năng; chuyển đổi số còn chậm. Ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 14/7/2025 về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số đến năm 2030.
Đây là định hướng chiến lược thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh, với 6 mục tiêu chủ đạo: Sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương – một cực tăng trưởng của cả nước, nơi người dân sống hiền hòa, hạnh phúc; duy trì tăng trưởng GRDP hằng năm ở mức hai con số; phấn đấu vào nhóm 10 địa phương có thu ngân sách nội địa và thu nhập bình quân đầu người cao nhất; nằm trong top 10 về PCI, PAR INDEX, SIPAS; dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo (PII) và chuyển đổi số (DTI); kinh tế số đóng góp 35% GRDP.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra 4 mục tiêu cụ thể, đó là: Phát triển mạnh bốn trụ cột, gồm: Công nghiệp - năng lượng; du lịch - dịch vụ; đô thị xây dựng; đột phá về khoa học - công nghệ và chuyển đổi số; khơi thông ba điểm nghẽn là hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực; xử lý dự án tồn đọng; đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, riêng đối với tỉnh sau sáp nhập, đang đồng thời được áp dụng 2 Nghị quyết đặc thù (Nghị quyết số 55/2022/QH15; Nghị quyết số 189/2025/QH15 của Quốc hội), tỉnh đã thiết kế một số mô hình ưu đãi đầu tư cụ thể, minh họa bằng ba nhóm điển hình, đó là: Ưu đãi tại Khu kinh tế Vân Phong bằng việc thực hiện thủ tục khảo sát, đo đạc từ sớm, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cho doanh nghiệp, được bố trí hạ tầng kết nối thuận lợi đường bộ - đường sắt - cảng biển nước sâu, được hưởng chính sách một cửa trong xử lý thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp biển và công nghệ cao được miễn, giảm tiền thuê mặt biển theo mức ưu đãi cao nhất, được tiếp cận mặt bằng sạch trong các khu công nghệ cao do tỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển, được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tỉnh sẽ tái cấu trúc hệ thống hành chính theo hướng tinh gọn - hiệu quả - rõ trách nhiệm, chuyển từ mô hình "quản lý - kiểm tra" sang "hỗ trợ - phục vụ", tăng cường xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, liên thông giữa các sở ngành theo quy trình phối hợp cụ thể, minh bạch và giảm thời gian chờ đợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh: Mỗi doanh nghiệp đều có nhiều lựa chọn điểm đến đầu tư. Nhưng Khánh Hòa hôm nay, với thể chế đặc thù, chính quyền hành động và không gian phát triển mới, đang mở ra một "cánh cửa vàng" cho nhà đầu tư hợp tác lâu dài và phát triển bền vững.
Công Thử/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/khanh-hoa-mo-huong-thu-hut-cac-seu-dau-dan-den-dau-tu-phat-trien/381744.html