Khánh Hòa tìm được nhà đầu tư đầu tiên dự thầu dự án điện khí LNG Cà Ná

Khánh Hòa tìm được nhà đầu tư đầu tiên dự thầu dự án điện khí LNG Cà Ná
8 giờ trướcBài gốc
Giải quyết mặt bằng khu vực được chọn xây dựng Trung tâm điện khí LNG Cà Nà (xã Cà Ná, tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Sau gần 3 tháng, từ ngày 29/4 phát hành hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Tài chính), đến nay dự án điện khí LNG Cà Ná (tỉnh Khánh Hòa) có tổng mức đầu tư hơn 57.000 tỷ đồng đã tìm được nhà đầu tư là Liên danh Trung Nam - Sideros River nộp hồ sơ dự thầu, với giá chào thầu 3.294,22 đồng/kWh (tương đương 12,83 cent/kWh điện).
Ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, cho biết dự án điện khí LNG Cà Ná được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận (tỉnh cũ) chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 14/4/2025 (cấp lần đầu); đồng thời khởi động quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Đến nay, dự án đã có đầu tư là Liên danh Trung Nam - Sideros River (trụ sở tại phường Diên Hồng, Thành phố Hồ Chí Minh) nộp hồ sơ dự thầu.
Dự án điện khí LNG Cà Ná có tổng công suất 6.000 MW, được xây dựng tại xã Cà Ná; trong đó giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.
Quy mô đầu tư dự án có 4 hạng mục chính, gồm xây dựng 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; xây dựng hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu gồm xây dựng cảng nhập LNG; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1; thi công hệ thống truyền tải điện đảm bảo truyền tải, xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật...
Để đầu tư phát triển dự án điện khí LNG Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận trước đây đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án của giai đoạn 1, công suất 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025-2026.
Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Sau điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển dự án năng lượng, năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời; việc tỉnh Ninh Thuận cũ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án điện khí LNG vào mục tiêu thu hút đầu tư phát triển là cơ hội lớn để tiếp bước phát triển, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển mạnh mẽ vùng động lực phía Nam của tỉnh theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ.
Theo Quyết định số 1775/QĐ-UBND ngày 13/9/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũ, dự án cũng đã điều chỉnh tiến độ, dự kiến tiến độ đầu tư, hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án (giai đoạn 1) trong quý II/2022; hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong Quý II/2026. Tuy nhiên, đến nay dự án đã rất chậm trễ, bởi nhiều nguyên nhân khách quan.
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, dự án điện khí LNG Cà Ná là một dự án lớn và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan và tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt.
Việc đấu thầu quốc tế rộng rãi đặt ra các yêu cầu cao về quy trình, thủ tục và tính minh bạch, làm tăng thêm sự phức tạp cho quá trình mời thầu.
Các quy định pháp luật liên quan đến dự án điện khí LNG, đặc biệt là các quy định về môi trường và an toàn, cần được xem xét và tuân thủ một cách cẩn thận, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình mời thầu.
Hơn nữa, Việt Nam có ít kinh nghiệm triển khai các dự án LNG tương tự, điều này cũng gây khó khăn trong việc xác định các tiêu chuẩn và yêu cầu phù hợp cho quá trình đấu thầu.
Việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cho dự án điện khí LNG cũng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các dự án LNG khác trên thế giới và trong khu vực. Vì lẽ đó dự án việc mời thầu dự án gặp không ít khó khăn.
Trước đây, dự án điện khí LNG Cà Ná cũng đã có 5 nhà đầu tư là: Liên danh Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc; Công ty Gulf MP Company Limited; Tập đoàn Jera Company Inc; Liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty Siemens Energy AG - Công ty cổ phần Zarubezhneft; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam dự thầu, cơ bản đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Tuy nhiên, do dự án còn gặp vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), chưa thống nhất được các điều khoản về giá điện, nguồn cung và các yếu tố khác… đã dẫn đến chủ đầu tư chưa thể thu xếp đủ vốn để triển khai dự án.
Ngoài ra, lực cản về các quy định pháp lý liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, và các thủ tục khác… cũng đã gây ra sự chậm trễ cho dự án./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/khanh-hoa-tim-duoc-nha-dau-tu-dau-tien-du-thau-du-an-dien-khi-lng-ca-na-post1051039.vnp