Chiều 25/7, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025 với chủ đề “Khánh Hòa - Hội tụ giá trị, đầu tư bền vững”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự hội nghị.
Khánh Hòa công bố 3 nhóm ưu đãi cho nhà đầu tư
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông tin đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp về diện mạo tỉnh Khánh Hòa mới là sự cộng hưởng của trung tâm kinh tế biển, du lịch và dịch vụ.
Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025 với chủ đề “Khánh Hòa - Hội tụ giá trị, đầu tư bền vững”
Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Khánh Hòa duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, GRDP tăng 7,33%; thu ngân sách hơn 15.300 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng hơn 20%.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tập trung giới thiệu tiềm năng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực: kinh tế biển, năng lượng, du lịch chất lượng cao, công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số…
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa có lợi thế về vị trí và hạ tầng rất rõ rệt với cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống cao tốc và đường sắt kết nối vùng, tạo điều kiện để Khánh Hòa trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa và năng lượng của khu vực.
Các đại biểu chủ trì hội nghị
Đặc biệt, việc triển khai dự án điện hạt nhân, thủy điện tích năng và tổ hợp năng lượng LNG sẽ mở ra cơ hội để Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng điện quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cũng vạch ra những ưu đãi hiện nay mà Khánh Hòa đang có là 2 nghị quyết đặc thù, tạo cơ hội thu hút đầu tư gồm: Nghị quyết số 55/2022/QH15, cho phép tỉnh mở rộng quyền tự chủ trong đầu tư, tài chính, đất đai, tổ chức bộ máy…. Qua đó, giúp rút ngắn quy trình và nâng cao tính linh hoạt trong xử lý hồ sơ đầu tư.
Nghị quyết số 189/2025/QH15, tạo không gian pháp lý riêng cho vùng triển khai điện hạt nhân trước đây, nay thuộc tỉnh Khánh Hòa - nơi đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics, năng lượng và các ngành công nghiệp quy mô lớn.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị
Trên cơ sở đó, tỉnh đã thiết kế một số mô hình ưu đãi đầu tư, với ba nhóm điển hình. Đó là ưu đãi tại Khu kinh tế Vân Phong. Đây là khu vực trọng điểm quốc gia, nơi tỉnh đang nghiên cứu mô hình khu thương mại tự do Khánh Hòa.
Các nhà đầu tư chiến lược vào đây sẽ được ưu tiên thực hiện thủ tục khảo sát, đo đạc từ sớm, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; được bố trí hạ tầng kết nối thuận lợi đường bộ – đường sắt – cảng biển nước sâu; hưởng chính sách một cửa trong xử lý thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, xuất nhập khẩu.
Ưu đãi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp biển và công nghệ cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được miễn, giảm tiền thuê mặt biển theo mức ưu đãi cao nhất; tiếp cận mặt bằng sạch trong các khu công nghệ cao do tỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển; hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra còn ưu đãi về môi trường đầu tư minh bạch, chính quyền đồng hành.
Lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, đô thị, giáo dục, đại diện doanh nghiệp tham dự hội nghị
Lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, đô thị, giáo dục, đại diện doanh nghiệp tham dự hội nghị
Tỉnh Khánh Hòa đã tái cấu trúc hệ thống hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, rõ trách nhiệm, chuyển từ mô hình “quản lý, kiểm tra” sang “hỗ trợ, phục vụ”. "Với thế mạnh về vị trí, hạ tầng, cơ chế và sự sẵn sàng từ chính quyền, Khánh Hòa đang bước vào giai đoạn hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Nam nhấn mạnh.
Khánh Hòa với tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương
Theo Phó Thủ tướng, đứng trước thời khắc lịch sử mới, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Qua đó, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tận dụng các cơ hội, xu hướng mới của thế giới để “bắt kịp”, “tiến cùng” và “vươn lên”, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, giàu mạnh và thịnh vượng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Việt Nam không chỉ phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống mà phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là xu hướng “chuyển đổi kép” về phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Không chỉ tiếp tục phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải tập trung nguồn lực tạo đột phá trong các ngành công nghiệp tiên phong, các ngành công nghệ chiến lược.
Vừa qua, đất nước đã thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy các Cơ quan Trung ương, sáp nhập các tỉnh, thành phố, bỏ cấp huyện và chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp để mở ra không gian, cơ hội phát triển mới cho đất nước. Cùng với đó, Bộ Chính trị đã ban hành “Bộ tứ trụ cột” và sắp tới sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết về kinh tế nhà nước; giáo dục; y tế và FDI.
Tỉnh Khánh Hòa mới được sáp nhập trên cơ sở Ninh Thuận và Khánh Hòa là hai địa phương đang có những đà tăng trưởng tốt trong giai đoạn vừa qua. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng gợi ý một số nội dung cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, đối với tỉnh, lãnh đạo phải thực sự là một tập thể đoàn kết, tiên phong trong đổi mới, cán bộ cần nêu gương, bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, loại bỏ tư tưởng cục bộ, đặt lợi ích chung lên trên hết.
Thứ hai, đảm bảo hành chính thông suốt khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, kịp thời điều chỉnh, xử lý vướng mắc, khó khăn phát sinh và hoàn thiện các điều kiện về tổ chức, nhân lực, kỹ thuật để bảo đảm vận hành thông suốt, không gián đoạn, hiệu quả, đồng bộ.
Thứ ba, tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bản tỉnh mới, chủ động nắm bắt xu thế phát triển, phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh khi hai tỉnh được hợp nhất, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Trong đó, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của việc mở rộng không gian phát triển sau khi sáp nhập tỉnh; xác định rõ vai trò của từng khu vực, khai thác tối đa tiềm năng và tạo ra một hệ sinh thái kinh tế liên kết chặt chẽ; tiếp tục đầu tư vào hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian phát triển; chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chínhh; phát huy các cơ chế đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, duy trì các kênh tiếp nhận, phản hồi và kịp thời xử lý vướng mắc của các doanh nghiệp; nghiên cứu thiết lập và vận hành “Cổng đầu tư” của tỉnh.
Thứ tư, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách cho người có công; nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo vật chất, tinh thần của Nhân dân để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa phía Tây của tỉnh. Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần chủ động nắm bắt các xu hướng phát triển mới, các định hướng lớn của tỉnh trong quy hoạch để nắm bắt cơ hội đầu tư trong các lĩnh lực năng lượng sạch, logistic, du lịch, nông nghiệp sạch, hữu cơ…; các trung tâm dữ liệu lớn hay công nghiệp AI trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nêu cao trách nhiệm xã hội; quan tâm đầu tư các thiết chế cho người lao động; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý việc tiên phong thúc đẩy hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các khu vực kinh tế và giữa các thành phần doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại hội nghị
Các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư đã có dự án cần phát huy vai trò dẫn dắt trong những việc lớn, việc khó, việc mới; chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng và của cả nước. Bên cạnh đó là thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI, tạo cơ hội đưa các doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
"Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự đoàn kết thống nhất, bản lĩnh và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng hành, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu trong và ngoài nước, tỉnh Khánh Hòa sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Qua đó, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới, chắc chắn Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tỉnh Khánh Hòa có diện tích trên 8.555 km2, quy mô dân số hơn 2,2 triệu người, với 65 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 01 đặc khu Trường Sa. Khánh Hòa là tỉnh có đường bờ biển dài nhất cả nước với trên 490 km đã tạo ra không gian phát triển mới cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi, thời cơ mới đưa tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Thùy Linh-Lê Sơn