Ngày 9/1, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến hết tháng 12/2024, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 80.569 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Trong đó, khu vực Nhà nước đạt 25.246 tỷ đồng (chiếm 31,3%); khu vực ngoài Nhà nước đạt 50.802 tỷ đồng (chiếm 63,1%); khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.521 tỷ đồng (chiếm 5,6%).
Khánh Hòa phấn đấu đến 31/1/2025 giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch. Ảnh: Trung Nhân
Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 so với kế hoạch vốn đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực tế đạt 84,7%.
Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 80,6% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (vốn trong nước) giải ngân đạt 91,6% kế hoạch; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (cấp phát từ ngân sách Trung ương) giải ngân đạt 100% kế hoạch; nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi (nguồn vốn này là vay lại Chính phủ để thực hiện các dự án ODA) giải ngân đạt 99,7%.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm còn chậm chủ yếu do nguồn vốn bội chi ngân sách địa phương chưa phân bổ là 855,6 tỷ đồng do tỉnh đề xuất không phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Cùng với đó là nguồn nhân lực cấp huyện bố trí thực hiện công tác bồi thường còn ít, không đảm bảo so với nhu cầu giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án ngày càng tăng.
Ngoài ra, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu còn chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực thi hành, một số quy định hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm định của cấp tỉnh ban hành chưa kịp thời nên cấp huyện chưa có cơ sở triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.
UBND tỉnh Khánh Hòa dự kiến đến ngày 31/1/2025, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 được UBND tỉnh giao thực tế đạt 95,1%.
Trung Nhân