Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) bàn giao nhà cho người nghèo tại phường Cam Phúc Bắc.
Với quan điểm “an cư mới lạc nghiệp”, tỉnh Khánh Hòa đã và đang thực hiện thành công chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, mang lại chốn ở an toàn, kiên cố cho hàng nghìn người dân nghèo. Đây không chỉ là giải pháp mang tính nhân đạo nhất thời, mà là bước đi chiến lược nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bao trùm.
Vì vậy, tính đến cuối tháng 4/2025, Khánh Hòa đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.326 hộ dân. Trong đó, 462 căn được xây mới, 864 căn được sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 65,3 tỷ đồng. Trong đó mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/căn, sửa chữa 30 triệu đồng/căn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, huy động tổng lực cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, nhiều hộ dân ở các địa bàn vùng sâu như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh... đã được bàn giao nhà mới. Có gia đình trước đây sống trong căn chòi lá tạm bợ, mùa mưa phải lấy thau hứng nước, nay đã có nơi ở kiên cố, đủ điều kiện sinh sống lâu dài.
Ông Cao Thành ở xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) có hoàn cảnh khó khăn. Vợ ông bị bệnh kinh niên, không thể phụ giúp gia đình, còn ông đi làm thuê ở đầm tôm với thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào lợi nhuận của chủ đầm. Mỗi tháng, ông chỉ kiếm được khoảng 5 – 6 triệu đồng, không đủ trang trải sinh hoạt và nuôi hai con ăn học. Căn nhà họ đang ở được dựng tạm bằng vách ván gỗ, mái tôn mục nát, nền xi măng bong tróc.
Bày tỏ sự xúc động khi được nhận nhà, ông Thành chia sẻ, “tôi không nghĩ lại có ngày được ở trong căn nhà khang trang, kiên cố. Mùa mưa tới, gia đình tôi không còn lo gió lùa, mái dột nữa. Tôi biết ơn chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn”.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nằm trong kế hoạch tổng thể về giảm nghèo đa chiều và xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021–2025. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Các huyện nghèo như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và xã đặc biệt khó khăn như Vạn Thạnh sẽ thoát khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. Trong thành công chung của tỉnh, MTTQ các cấp đóng vai trò trung tâm kết nối, tổ chức thực hiện và giám sát hiệu quả chương trình.
Theo bà Trần Thu Mai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là giải pháp an sinh, mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Do đó, MTTQ tỉnh đã xác định rõ vai trò kết nối, huy động nguồn lực và giám sát chặt chẽ quá trình triển khai để đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng tiến độ. Mỗi ngôi nhà hoàn thành không chỉ là thành quả vật chất, mà còn là biểu hiện của niềm tin giữa chính quyền và nhân dân.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Khánh Hòa không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, mà còn là hình mẫu về sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của hệ thống Mặt trận và sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đó chính là hiện thân sống động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.
Tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Khánh Hòa được tiến hành nhanh hơn 6 tháng so với mục tiêu Chính phủ đặt ra. Trong suốt quá trình triển khai, các cấp, ngành, địa phương bám sát tiến độ, kiểm tra chất lượng, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, các công trình đều đảm bảo diện tích tối thiểu 30m2, tuổi thọ hơn 20 năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản cho người dân.
Phương Nguyên