Những năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Bước đầu, một số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đang dần phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với lợi thế phát triển nông nghiệp.
Nhiều tiềm năng
Có dịp đến với vùng đất Khánh Sơn vào mùa thu hoạch trái cây vừa qua, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã bày tỏ thích thú khi được thỏa thích khám phá vẻ đẹp của những vườn cây trái đang độ trĩu cành; tìm mua để thưởng thức những đặc sản trái cây ngon nức tiếng của Khánh Sơn như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh, mía tím… “Thiên nhiên Khánh Sơn còn hoang sơ, trong lành, cây trái rất ngon. Đây cũng là vùng đất có nhiều nét văn hóa, lễ hội truyền thống của người Raglai rất cuốn hút du khách. Trong mùa trái cây vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến Khánh Sơn, nghỉ đêm trong homestay ngay trong vườn sầu riêng. Buổi sáng thức dậy trong những biển mây rất đẹp, được thưởng thức ngay tại vườn những múi sầu riêng thơm nồng… Các thành viên trong đoàn chúng tôi đều rất thích chuyến đi này”, ông Nguyễn Hữu Nguyên - du khách đến từ Bình Dương chia sẻ.
Du khách check-in lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024.
Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được tỉnh xác định là một trong năm dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được tập trung triển khai. Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Với lợi thế 3.308ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao, gồm: 2.600ha sầu riêng (1.700ha cho thu hoạch), 349ha bưởi da xanh, 38ha quýt, 51ha chôm chôm và nhiều diện tích cây ăn quả khác, Khánh Sơn đã bắt đầu khai thác tiềm năng, thế mạnh này để từng bước thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn. Bước đầu trên địa bàn đã có một số nhà vườn trồng cây ăn quả đầu tư các homestay để khai thác, phục vụ du lịch, với tổng số phòng lưu trú hiện nay là 60 phòng.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, tuy có nhiều tiềm năng, nhất là thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp, nông thôn…, nhưng mức độ phát triển du lịch của Khánh Sơn vẫn chưa tương xứng. Hạn chế trong phát triển du lịch của Khánh Sơn có thể kể đến như: Tỷ trọng khách du lịch đến với huyện còn hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù; thiếu các tour du lịch sinh thái gắn với núi rừng, nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, giao thông đến với Khánh Sơn còn hạn chế; hệ thống cơ sở lưu trú, thông tin, quảng bá về du lịch Khánh Sơn chưa bao phủ rộng; nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và hạn chế về nghiệp vụ…
Thúc đẩy phát triển
Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay, địa phương đang đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch với định hướng đưa du lịch phát triển ngang tầm với ngành Nông nghiệp. Để phát triển du lịch bền vững, địa phương xác định phát triển theo hướng xanh, gắn kết với nông nghiệp hữu cơ, phát huy lợi thế thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của huyện, trong đó có lợi thế về nông nghiệp để mang lại nhiều giá trị mới, đưa ngành Du lịch Khánh Sơn phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, UBND huyện Khánh Sơn đã mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đầu tư phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Các chủ thể này đã được tập huấn về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó nắm bắt thêm kiến thức, kỹ năng về phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn... Bên cạnh đó, UBND huyện Khánh Sơn đã có những định hướng về phát triển du lịch nông thôn như: Xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp); duy trì và phát huy các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như: Đan lát, làm gùi, nỏ, làm nhạc cụ (đàn chapi, khèn bầu) phục vụ nhu cầu mua sắm, làm quà lưu niệm cho khách; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tiêu biểu của dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch; xây dựng điểm du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Sơn Bình; liên kết các nhà vườn tạo điều kiện cho du khách tham quan vườn trái cây. Đồng thời, tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong đó có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP như: Sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông, kem sầu riêng, chuối sấy, măng khô, gà gác bếp Raglai... Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền của Khánh Sơn.
Bên cạnh đó, địa phương còn tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng đang được tỉnh triển khai như: Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đến khu du lịch cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình, người dân trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch; xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng… nhằm thu hút các tổ chức, nhà vườn, cá nhân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, Khánh Sơn đã xác định cụ thể các điểm quy hoạch phát triển du lịch để thu hút nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch địa phương.
HẢI LĂNG