Thác Tà Gụ, xã Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) là ngọn thác cao hơn 40 mét, nước chảy quanh năm mát lạnh giữa rừng già, thu hút du khách đến tắm suối, dã ngoại, thư giãn. Gần đó, làng Hòn Dung, trước đây thuộc xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, nay là xã Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai với nhà dài truyền thống, cồng chiêng, đàn đá, đàn chapi, cơm lam, gà nướng ống lồ ô và các nghi lễ đặc trưng như Tạ ơn, Mừng lúa mới.
Được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng du lịch cộng đồng tiềm năng vào tháng 6/2025, Hòn Dung đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí để đón khách, tạo sinh kế và giữ gìn bản sắc địa phương. Du khách đến đây thường kết hợp hành trình: tham quan vườn trái cây, trải nghiệm văn hóa bản địa tại Hòn Dung và kết thúc bằng buổi chiều tắm mát tại thác Tà Gụ.
Đồng bào Raglay bên thác Tà Gụ
Du khách Nguyễn Thị Khánh Trang (đến từ tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ cảm nhận: "Thời tiết ở đây mát mẻ, trái cây thì đang vào mùa, nào là chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... Giá cả rẻ hơn năm ngoái, lại dễ mua. Cảnh quan trên thác rất đẹp, cây cối xanh tươi, rau cỏ nhiều và có cả suối, thác Tà Gụ nữa. Người dân ở đây phục vụ rất chu đáo" - chị Khánh Trang chia sẻ.
Thác Tà Gụ không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nguồn sống của người dân bản địa. Hàng trăm hộ dân tại các khu vực lân cận đang sử dụng nước từ thác theo hình thức dẫn tự chảy về nhà để sinh hoạt, ăn uống và sản xuất.
Việc gắn bó mật thiết với nguồn nước khiến bài toán bảo vệ hệ sinh thái quanh thác trở nên cấp thiết. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nếu không được kiểm soát tốt có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng và làm suy giảm đa dạng sinh học. Thời gian gần đây, một số hộ dân đã chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng phân hữu cơ, hạn chế hóa chất.
Vùng cao tỉnh Khánh Hòa phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, xây dựng vùng sản xuất an toàn, góp phần phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững.
Bà Mấu Thị Minh Nguyệt, dân tộc Raglay, ở xã Khánh Sơn, tính Khánh Hòa cho biết: "Thác Tà Gụ là điểm du lịch đẹp, nhiều khách từ xa tới, phải giữ cho môi trường sạch, vì đây cũng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con. Cần chú trọng giữ gìn vệ sinh, bảo đảm môi trường sạch sẽ, vì đây là nguồn nước chung của cả làng".
Tà Gụ là thác nước đẹp tại miền núi tỉnh Khánh Hòa
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ xã Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2025-2030 đã xác định rõ hướng đi: Bảo tồn tài nguyên, giữ gìn bản sắc người Raglai, gìn giữ nguồn nước và cảnh quan là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch lâu dài. Một số giải pháp trọng tâm được đưa ra như: giảm lượng phân, thuốc hóa học; tăng diện tích sản xuất VietGAP; giữ độ che phủ rừng; nâng tỷ lệ cơ sở du lịch có hạ tầng xử lý rác và nước thải. Đồng thời, xã phấn đấu đưa du lịch xanh và nông sản sạch trở thành hai trụ cột kinh tế chính.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi mô hình sinh kế tại miền núi Khánh Sơn đang diễn ra từng bước. Các tour theo nhóm nhỏ kết nối điểm đến: vườn trái cây – làng văn hóa Hòn Dung – thác Tà Gụ – Nhà dài Raglai đang được doanh nghiệp lữ hành khai thác hiệu quả. Hệ thống homestay, không gian văn hóa cũng phát triển theo tiêu chí xanh, sử dụng vật liệu thân thiện, hạn chế nhựa dùng một lần. Các đặc sản như sầu riêng, măng cụt, rượu cần, gà nướng ống lồ ô… được đóng gói có thương hiệu, phục vụ tại chỗ và đưa ra thị trường.
Đồng bào dân tộc Raglay ở tỉnh Khánh Hòa có văn hóa đa dạng, độc đáo
Ông Bùi Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết sắp tới địa phương sẽ điều chỉnh quy hoạch sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, chú trọng bảo tồn và khai thác các điểm du lịch sinh thái như thác Tà Gụ: "Cần gắn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Raglay. Từng người dân sẽ trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch. Từ đó, hình thành các mô hình hấp dẫn, thu hút khách trải nghiệm sản vật địa phương và các lễ hội truyền thống của đồng bào Raglay" - ông Bùi Hoài Nam nói.
Mùa quả chín năm nay, Khánh Sơn không chỉ níu chân du khách bằng trái cây tươi mà còn thể hiện rõ bước chuyển mình theo hướng bền vững. Thác Tà Gụ, một biểu tượng của sự sống vùng cao nhắc nhở rằng phát triển chỉ có ý nghĩa khi hài hòa với bảo tồn, từ những hành động nhỏ mỗi ngày.
Thái Bình/VOV-Miền Trung