Hệ thống kênh Chà Là của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được dự án đầu tư đã giải quyết dứt điểm tình trạnh ô nhiễm môi trường. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đây là dự án nhóm A, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ có tổng mức đầu tư 97,9 triệu USD, tương đương hơn 2.253 tỷ đồng.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được triển khai thủ tục đầu tư từ năm 2016 và kết thúc Hiệp định ngày 30/6/2024, kết thúc giải ngân vào ngày 31/10/2024.
Dự án được thực hiện với mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương; cải thiện điều kiện giao thông nội đô và phát triển hạ tầng hệ thống thoát nước; cải thiện khả năng tiêu thoát nước mưa và giảm số điểm bị ngập úng thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo quan cảnh đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý dự án và cải cách thể chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Dự án được triển khai với quy mô đầu tư trải dài trên địa bàn 16 xã/phường của thành phố, tập trung đầu tư vào các tuyến kênh mương, giao thông đô thị, hệ thống thu gom xử lý nước thải, vệ sinh hộ gia đình, công cộng, đấu nối nước thải sinh hoạt.
Tuy dự án triển khai trong điều kiện khó khăn, nhưng với quyết tâm của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, đặc biệt là sự quan tâm đốc thúc của lãnh đạo tỉnh, của thành phố và sự đồng thuận của người dân, đến nay, dự án đã được triển khai thi công hoàn thành đúng thời gian, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ.
Cụ thể, dự án đã hoàn thành khu tái định cư Phan Đăng Lưu có diện tích 5,63 ha, với 275 lô đất phục vụ mục đích tái định cư; 16,2 km các tuyến kè và kênh được xây mới, cải tạo; 82,5 km hệ thống thoát nước và nước thải cấp 1, 2, 3; trên 20 km tuyến đường đô thị, đường trên kênh, đường nội bộ khu vực hồ trung tâm, hồ Đông Hải; 7 nhà vệ sinh trường học và công cộng; cải tạo nâng công suất nhà máy xử lý nước thải của thành phố từ 5.000 m3/ngày/đêm lên 7.500 m3/ngày/đêm; 2 hồ điều hòa Trung tâm và Đông Hải có diện tích lần lượt là 22,7 ha và 5,2 ha...
Chủ đầu tư dự án cho hay, theo các chỉ số mục tiêu dự án, đến nay, dự án đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra ban đầu, một số chỉ tiêu vượt mức đặt ra từ đầu dự án. Đặc biệt số lượng người hưởng lợi tăng gấp 1,4 lần so với kế hoạch; số người được tiếp cận với vệ sinh môi trường tăng gấp 1,1 lần so với kế hoạch. Đồng thời, các hệ thống thoát nước đã phát huy hiệu quả đầu tư, nhanh chóng giải quyết tình trạng ngập trên các tuyến đường nội đô, thành phố trở nên khang trang, sạch đẹp, hướng đến phát triển đô thị thông minh hiện đại trong tương lai.
Nhiều hệ thống kênh mương thoát nước trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được dự án đầu tư bài bản, làm trong sạch môi trường sống của thành phố. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Bà Elif Ayhan, Quản lý chương trình Phát triển bền vững, Văn phòng WB tại Hà Nội chia sẻ, dự án đã có một hành trình ấn tượng để đạt được thành tựu ngày hôm nay. Tỉnh Ninh Thuận đã thể hiện khả năng thích ứng vượt bậc, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, bao gồm việc đáp ứng và tuân thủ các quy trình của WB, ứng phó với đại dịch COVID-19 và giải quyết tốt các yêu cầu phức tạp về giải phóng mặt bằng.
Mặc dù, dự án gặp khó khăn, chậm trễ ban đầu nhưng với nỗ lực không ngừng, chủ đầu tư dự án đã thực hiện và hoàn thành vượt mức tất cả các hạng mục xây dựng, bàn giao các công trình hạ tầng đô thị thiết yếu trước ngày dự án đóng, giúp cải thiện đáng kể về vệ sinh môi trường và tăng cường kết nối đô thị cho người dân.
Bà Elif Ayhan nêu rõ, tác động mà dự án mang lại đã vượt xa mục tiêu kỳ vọng ban đầu của WB. Dự án đã hoàn thành mục tiêu cải thiện điều kiện sống cho 69.000 người dân của thành phố, vượt mục tiêu ban đầu của dự án là 44.900 người. Việc triển khai các hệ thống vận hành bền vững, bao gồm xây dựng biểu giá nước thải sẽ đảm bảo duy trì lợi ích của dự án cho nhiều thế hệ mai sau.
Tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã biểu dương các kết quả mà dự án đã đạt được trong thời gian qua, mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên phạm vi rộng với 1.584 hộ dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm cao của tỉnh, của chủ đầu tư và sự đồng thuận từ người dân, dự án đã đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Dự án hoàn thành không chỉ giải quyết cơ bản các vấn đề thoát nước, xử lý nước thải, môi trường của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị sinh thái, bền vững, thông minh, xanh - sạch - đẹp, mà còn góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.
Để đảm bảo dự án được phát huy hiệu quả đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm phối hợp với chủ đầu tư, các sở, ngành và các nhà thầu quan tâm thực hiện công tác bảo trì, bảo hành công trình theo đúng quy định; đồng thời, xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác vận hành sử dụng các hạng mục công trình đã đầu tư bảo đảm đạt hiệu quả; tiếp tục đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đấu nối thoát nước; thu gom nước thải; tăng cường tuyên truyền vận động người dân tiếp tục đấu nối nước thải, giữ gìn vệ sinh môi trường chung thành phố.
Công Thử/TTXVN