Toàn cảnh di tích Mán Bạc
Mán Bạc - Di chỉ khảo cổ học tiêu biểu giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí
Mán Bạc là tên một ngọn núi đá nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng, có thế uốn cong hình cánh cung tạo thành thung lũng khép kín gọi là Thung Vụng, thuộc thôn Bạch Liên, xã Đồng Thái, tỉnh Ninh Bình. Dưới chân núi là khu đất cao ráo, bằng phẳng – điều kiện cư trú lý tưởng cho cư dân thời tiền sử. Chính tại nơi này, vào tháng 3 năm 1998, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích cư trú cổ, khởi đầu cho những cuộc khai quật dài hơi và liên tục từ năm 1999 đến 2007, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Australia, Nhật Bản, Việt Nam,... Tổng diện tích khai quật đến nay là gần 150m², mang lại những phát hiện khảo cổ học đặc biệt quan trọng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Mán Bạc là một di tích cư trú - mộ táng với mật độ cao: 105 mộ táng với 107 cá thể, cùng hệ thống di vật đặc sắc. Đây là bằng chứng sống động cho một cộng đồng tiền sử cư trú lâu dài, có trình độ tổ chức xã hội và kỹ năng khai thác tài nguyên tự nhiên cao, phản ánh giai đoạn chuyển tiếp từ hậu kỳ đá mới sang sơ kỳ đồng thau ở Việt Nam.
Năm 2025, các nhà khoa học tiếp tục mở rộng khai quật với diện tích 196m², tập trung phía Đông cột mốc khảo cổ, nhằm: Xác định rõ hơn tính chất cư trú và mối liên hệ giữa khu ở và khu mộ táng. Làm rõ địa tầng văn hóa, ghi nhận trắc diện - bình diện đa chiều. Tạo cơ sở cơ sở dữ liệu liên ngành, phục vụ nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn lâu dài.
Phương pháp khai quật hiện đại được áp dụng, chú trọng phân lớp theo tầng vị (contextual excavation), tách biệt di tích – di vật theo các lớp đất, màu sắc, kết cấu... bảo đảm không trộn lẫn bối cảnh và phục vụ tốt cho việc chỉnh lý hậu khai quật.
Cuộc khai quật năm 2025 làm lộ rõ 3 tầng văn hóa, phản ánh 2 giai đoạn phát triển liên tục: Giai đoạn sớm: Gắn với môi trường cận biển, cư dân chủ yếu khai thác nguồn lợi từ sông biển. Giai đoạn muộn: Tăng cường sử dụng tài nguyên đất liền, nhưng vẫn duy trì sự kết nối với biển. Đáng chú ý là phát hiện 2 mộ táng có di cốt, cùng dấu vết một mộ trẻ em, các dấu tích bếp, đống tro bếp lớn, hố cột và hố đất đen. Phân bố di tích không đồng đều – phía Bắc có mật độ di tích cao hơn phía Nam, hé lộ phân bố cư trú có tổ chức của cư dân Mán Bạc.
Qua phân tích sơ bộ, nhóm nghiên cứu ghi nhận 12 loài nhuyễn thể thuộc nhóm hai mảnh vỏ và chân bụng, cùng xương các loài cá lớn như cá đuối, cá voi, cũng như các động vật trên cạn: lợn, nai, khỉ, hươu, bò sát... Điều này phản ánh hệ sinh thái đa dạng, đồng thời minh chứng cho khả năng thích nghi linh hoạt và khai thác tổng hợp nguồn tài nguyên nước - rừng - đất của cư dân cổ.
Cách thức tổ chức bữa ăn, công cụ chế biến, và lựa chọn loài cho thấy một hiểu biết sâu sắc về hệ sinh thái địa phương, cùng kinh nghiệm cư trú lâu dài và ổn định tại khu vực.
Các đại biểu thăm quan những hiện vật tiêu biểu trong cuộc khai quật
Kho tàng di vật: Gốm, đá, xương và trang sức tinh xảo
Số lượng di vật phong phú thu được phản ánh một cộng đồng có đời sống vật chất - tinh thần phát triển: Đồ đá: Gồm rìu, bàn mài, đục, dao, lưỡi cưa, chì lưới, thanh mài nhẵn… với chất liệu đa dạng: đá cát, basalt, chert, spilite… Đồ gốm: Chiếm số lượng lớn nhất, gồm nhiều mảnh miệng, thân nồi có hoa văn đa dạng; hiện vật nguyên vẹn tiêu biểu như bàn đập gốm, chân chạc. Đồ xương: Mũi lao, mũi nhọn, đồ trang sức làm từ xương cá và thú. Đồ vỏ nhuyễn thể: Đặc sắc nhất là các loại bích làm bằng vỏ điệp giấy, mô phỏng “bích ngọc”, được khoét tròn chính giữa – vừa là công cụ, vừa là vật phẩm mang ý nghĩa nghi lễ hoặc biểu trưng xã hội. Những phát hiện này không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật chế tác mà còn cho thấy hệ giá trị tinh thần, tín ngưỡng bước đầu hình thành trong cộng đồng cư dân Mán Bạc.
Với những giá trị nổi bật, Mán Bạc cần sớm được lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Tuy nhiên, bảo tồn Mán Bạc không dừng ở việc khoanh vùng phần đất có tầng văn hóa, mà cần mở rộng sang bảo tồn cảnh quan nguyên trạng, bao gồm cả dải núi Mán Bạc, Thung Vụng và khu cư trú liên kết địa sinh thái.
Từ đó, tiến tới xây dựng Công viên khảo cổ Mán Bạc - một thiết chế văn hóa - giáo dục - du lịch gắn với nghiên cứu học thuật, phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh công bố khoa học, xuất bản chuyên khảo, làm cơ sở khoa học cho bảo tồn, quản lý và truyền thông di sản trong tương lai.
Mán Bạc - di sản lặng lẽ đánh thức ký ức văn hóa tiền sử
Trong dòng chảy khảo cổ học Việt Nam, Mán Bạc là một trong những mắt xích quan trọng giúp nối kết tiến trình định cư - chuyển đổi sinh kế hình thành cộng đồng cổ xưa tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những phát hiện mới năm 2025 không chỉ bổ sung lớp thông tin địa tầng, mà còn thổi luồng sinh khí mới cho hành trình hiểu sâu hơn về con người tiền sử Việt Nam.
Giữa bối cảnh hiện đại hóa, việc gìn giữ ký ức của đất không chỉ là nghĩa vụ với quá khứ, mà còn là trách nhiệm đối với tương lai.
Vũ Mai Anh