Khảo sát vị trí xây nhà ga đường sắt tốc độ cao ở sân bay Long Thành

Khảo sát vị trí xây nhà ga đường sắt tốc độ cao ở sân bay Long Thành
3 giờ trướcBài gốc
Sân bay Long Thành tiến độ tốt ở tất cả hạng mục
Ngày 2/11, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng nhiều đơn vị liên quan đã khảo sát thực tế dự án sân bay Long Thành và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác kiểm tra thực địa vị trí xây nhà ga đường sắt ở sân bay Long Thành.
Báo cáo trước đoàn công tác, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết tiến độ xây dựng sân bay Long Thành đang rất tốt.
Trong đó, gói thầu 5.10 - nhà ga hành khách với khối lượng hoàn thành gần 31%. Các nhà thầu đã xây dựng xong phần bê tông cốt thép cho cột, dầm, sàn của bốn tầng và đang lắp đặt kết cấu mái thép.
Dự kiến, phần xây dựng cơ bản sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025, toàn bộ gói thầu này sẽ kết thúc vào ngày 31/8/2026.
Đường cất hạ cánh số 1 và nhà ga hành khách sân bay Long Thành tiến độ rất tốt.
Tiến độ gói thầu 4.6 - đường cất hạ cánh và sân đỗ cũng đạt gần 43%. Công tác đào đắp, san lấp, bê tông xi măng đang được đẩy mạnh. Riêng phần đường cất hạ cánh đã hoàn thành lớp nền, móng và cơ bản hoàn thành lớp bê tông xi măng M150/25, đang thi công lớp mặt bê tông xi măng M350/45. Dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật trước 30/4/2025.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc ACV cho biết tiến độ sân bay Long Thành đang rất tốt.
Về hạ tầng giao thông kết nối, gói thầu 6.12 sản lượng đạt hơn 55%. Tuyến đường kết nối T1 dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2025, trong khi các nút giao quan trọng sẽ hoàn tất trước tháng 8 và tháng 10 cùng năm, đảm bảo kết nối thuận lợi vào sân bay.
Đối với hạng mục sân đỗ tàu bay (gói thầu 4.7) đã khởi công từ tháng 9/2024, dự kiến hoàn thành vào ngày 11/8/2026. Hiện tại, các đơn vị thi công đang chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ.
Các hạng mục khác như gói thầu 4.8 về giao thông nội cảng, hạ tầng kỹ thuật đã chọn được nhà thầu, sắp khởi công. Còn gói thầu 4.9 về hệ thống nhiên liệu tàu bay, cũng đã sẵn sàng thi công với cam kết hoàn thành đúng kế hoạch trong vòng gần hai năm tới.
Video: Vị trí xây dựng nhà ga đường sắt ở sân bay Long Thành
Cũng theo ông Việt, hiện ACV đã báo cáo, xin xây dựng luôn đường cất hạ cánh thứ hai với kinh phí dự kiến 3.455 tỷ đồng ở giai đoạn 1, không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án thành phần 3. Việc bổ sung đường băng này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 5/11/2024. Nếu được thông qua, dự kiến sẽ đi vào thi công từ cuối năm 2025, hoàn thiện vào quý III/2026.
Theo lãnh đạo ACV, việc đầu tư thêm đường cất hạ cánh số 2 thời điểm này sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1, không ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa cảng giai đoạn 1 vào khai thác.
Hơn nữa do đặc thù tính chất đất đỏ, bụi sét mịn của khu vực Long Thành nên quá trình thi công xây dựng đường cất hạ cánh số 2 sẽ phát tán bụi mịn, ảnh hưởng công tác vận hành của sân bay, gây ô nhiễm môi trường và có thể gây nguy hiểm đến hoạt động của tàu bay. Có thêm đường cất hạ cánh thứ hai có thể đảm bảo an toàn bay, dự phòng khi đường cất hạ cánh số 1 gặp sự cố.
Ngoài ra, ACV cũng mong sớm mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách từ TP.HCM đến và đi sân bay Long Thành.
Cơ bản nhất trí xây đường cất hạ cánh thứ 2
Trước báo cáo xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, xây trước đường cất hạ cánh số 2 ở giai đoạn 1, các thành viên trong đoàn công tác đều cơ bản nhất trí với nội dung này.
Ông Nguyễn Minh Sơn , Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cùng nhiều thành viên trong đoàn cơ bản thống nhất nội dung xây dựng luôn đường cất hạ cánh thứ 2 ở giai đoạn 1.
Tuy nhiên các thành viên yêu cầu ACV làm rõ các nội dung điều chỉnh phân kỳ, các vấn đề tài chính phù hợp. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư giải thích thêm về hạ tầng giao thông kết nối nội khu giữa các nhà ga. Là thành viên trong đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, thống nhất chủ trương xây sớm đường băng thứ hai cho sân bay Long Thành, nhưng ACV phải làm rõ việc này có ảnh hưởng đến tổng thể chung của dự án hay không. Có thêm đường cất hạ cánh thứ hai, hành khách, hàng hóa ở giai đoạn 1 tăng ra sao? Hạ tầng giao thông kết nối có đáp ứng vận chuyển hành khách hay không?
Toàn cảnh các hạng mục chính của sân bay Long Thành.
Còn ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, đồng tình với nội dung xây luôn đường cất hạ cánh thứ 2. Bởi theo ông Thống, làm được giai đoạn này sẽ thuận lợi về giá, có sẵn vật tư thiết bị nhân sự. Sẽ đỡ bụi khi sân bay đã đi vào khai thác.
"Cần nâng cấp các tuyến đường nối sân bay Long Thành như: cao tốc TP.HCM - Long Thành và QL51. Đặc biệt, QL51 cũng sẽ là tuyến chính đến sân bay nhưng đã xuống cấp, do đó cần mở rộng, nâng cấp. Đồng thời, sớm triển khai hai nút giao ngã tư Vũng Tàu và cổng 11 để đồng bộ hạ tầng giao thông", ông Thống đề xuất.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, quy hoạch đã có sẵn các đường cất hạ cánh, thay vì giai đoạn sau thực hiện, nếu giai đoạn này có những yếu tố thuận lợi thì cần triển khai luôn. Đất đai có sẵn, nguồn vốn cũng có thể cân đối. Việc điều chỉnh như vậy là hợp lý vì sẽ phục vụ tốt nhất khai thác sân bay, đồng bộ, không ảnh hưởng đến môi trường. Đồng Nai cũng nghiên cứu quy hoạch nhiều tuyến đường nội tỉnh đấu nối về sân bay Long Thành.
Báo cáo thêm với đoàn công tác, ông Lê Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay các đơn vị liên quan đang nghiên cứu triển khai mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 8 - 10 làn xe, chiều dài 21km. Tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ.
Các hướng tuyến, vị trí nhà ga đường sắt ở sân bay Long Thành.
Liên quan đến việc kết nối đường sắt đến sân bay Long Thành, tại buổi làm việc đơn vị tư vấn cũng đưa ra hướng tuyến, vị trí nhà ga tại sân bay Long Thành. Trong đó, trước mắt có hai tuyến đường sắt sẽ nối đến sân bay Long Thành là đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm.
Các nhà ga qua sân bay sẽ là ga ngầm để hài hòa với cảnh quan, không ảnh hưởng đến các hạng mục khác, tạo điểm nhấn thêm cho sân bay. Cũng theo đơn vị tư vấn, việc kết nối giữa các địa phương khác ở Đồng Nai như Biên Hòa, Long Khánh đến sân bay Long Thành sau 2030 sẽ đầu tư đường sắt đô thị.
Bản đồ hướng tuyến vị trí nhà ga đường sắt.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, các đơn vị liên quan phải có giải pháp triển khai đồng bộ các dự án thành phần để về đích đúng hẹn. Hiện một số dự án thành phần chậm, nhất là dự án thành phần 4.
ACV cần xem xét lại việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai nhưng phải cố gắng đưa toàn bộ dự án hoàn thành vào 2/9/2026 theo kế hoạch. Quan tâm đến quy hoạch phân kỳ đầu tư, công nghệ áp dụng và nguồn lực cho sân bay Long Thành. Tỉnh Đồng Nai và ACV đã phối hợp quan tâm đào tạo nhân lực để phục vụ việc khai thác sân bay về sau.
Minh Tuệ
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/khao-sat-vi-tri-duong-sat-toc-do-cao-o-san-bay-long-thanh-192241101202540918.htm