Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em!

Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em!
2 giờ trướcBài gốc
Lẫn trong hàng người dài ấy, chúng tôi thấy có bóng dáng áo xanh của những anh xe ôm công nghệ, người phụ hồ, bán vé số và cả những em học sinh cùng đến với cha mẹ để hỗ trợ chuyển hàng lên các xe tải chở hàng cứu trợ. Từ ngoài đảo Phú Quý xa xôi, Hội Phụ nữ và các cô giáo Trường THPT Ngô Quyền cũng kỳ công ngồi hấp, rim từng chảo mực và cá khô, loại đặc sản của huyện đảo Phú Quý, để gửi vào đất liền nhờ các nhóm thiện nguyện chuyển ra cho bà con bị ảnh hưởng bão và sạt lở đất, như chút tấm lòng của người dân đảo xa gửi đồng bào miền Bắc.
Hội thiện nguyện Lan tỏa yêu thương Bình Thuận trao quà cho người dân tỉnh Tuyên Quang bị thiệt hại sau bão lũ.
Chưa lúc nào, tinh thần đoàn kết dân tộc, Nam - Trung - Bắc một nhà lại được chính người dân thể hiện như lúc này. Còn nhớ đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh: Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… cả nước đã hỗ trợ với hàng trăm chuyến hàng của tổ chức, cá nhân để cùng chung tay với Đảng, Chính phủ và các địa phương khắc phục hậu quả do lũ. Chính sự hỗ trợ, chia sẻ ấy đã tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần, để người dân miền Trung khi ấy sớm vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống.
Hàng dài người xếp hàng chuyển hàng cứu trợ lên xe để vận chuyển ra Bắc.
“Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của người Việt Nam ta bao đời nay là thế. Có thể thường ngày do cuộc sống còn khó khăn ai nấy đều lo cho cuộc sống riêng mình, gia đình mình nhiều hơn, nhưng khi có thiên tai, địch họa, tinh thần đoàn kết, “lá lành, đùm lá rách” lại trỗi lên trong tâm trí mỗi người dân. Để rồi từ lý trí biến thành hành động cụ thể với nhiều hoạt động ý nghĩa “nhường cơm sẻ áo”. Người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, không có của thì góp công. Đó là những gì chúng ta chứng kiến những ngày qua về những câu chuyện hoạt động cứu trợ đồng bào phía Bắc bị thiệt hại do thiên tai của người dân Bình Thuận cũng như tại các tỉnh, thành khác được chia sẻ trên mạng xã hội.
Các đoàn thiện nguyện Bình Thuận hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão lũ phía Bắc.
Khi viết bài này, bất chợt hình ảnh và câu chuyện đầy xúc động về người bán vé số mang đến nhờ nhóm thiện nguyện của chị Hà Thị Thu Thủy chuyển giùm bao gạo 5 kg mà anh vừa nhận định kỳ tại một nhà từ thiện, để chia sẻ với đồng bào phía Bắc. Câu chuyện này làm tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ trong tác phẩm Gia Huấn Ca, của Nguyễn Trãi - một nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 14: “…Tiếng rằng, ngày đói tháng đông. Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho. Miếng khi đói, gói khi no. Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng…”.
Nước ta nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, với dải đất dài ven biển, đồi núi sông ngòi ngắn dốc, hàng năm phải đối mặt với rất nhiều thiên tai. Chỉ tính riêng bão, trung bình hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 áp thấp nhiệt đới, có nguy cơ gây thiên tai ảnh hưởng đến cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Do vậy, ý chí kiên cường, nghĩa tình đồng bào đùm bọc, đoàn kết, sẻ chia, giúp nhau qua cơn hoạn nạn, khó khăn đã trở thành tinh thần dân tộc, truyền thống quý báu của người Việt Nam: “Tuy rằng xứ bắc, xứ đông. Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em”.
Vậy mà, đâu đó trên mạng xã hội những ngày này, lợi dụng tình hình thiệt hại do thiên tai bão lũ, người dân đang trong cơn hoạn nạn, cả nước cùng chung tay với Đảng, chính quyền lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội cùng nhau khắc phục hậu quả, thì không ít tổ chức phản động dù không đóng góp một đồng nào để khắc phục hậu quả, nhưng đã không chừa bất cứ thủ đoạn nào để tìm cách xuyên tạc, chống phá chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động, chống lại đất nước, nhân dân Việt Nam. Điều này thật đáng lên án và chê trách biết bao!
PHÚC SINH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/khap-trong-bo-coi-cung-dong-anh-em-124219.html