Dẫn chúng tôi tham quan gần chục nhà táo với tổng diện tích khoảng 5.000 m2 ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, anh Lê Minh Sang tự hào cho biết nhiều khách hàng sau khi ăn táo của HTX đã "nghiện", không còn thích ăn các loại táo gió đang bán trên thị trường.
Quả thật, những trái táo ở đây chắc, giòn, vị ngọt đậm đà pha lẫn chút hậu chua đặc trưng của táo gió, càng ăn càng ghiền. "Hôm rồi, HTX đem táo đến giới thiệu tại một sự kiện của tỉnh Bình Dương. Đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận sau khi ăn thử sản phẩm trưng bày đã đặt vấn đề mời tôi ra Ninh Thuận chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trồng táo ngoài đó" - anh Sang khoe.
Anh Lê Minh Sang là một trong 200 nông dân sản xuất giỏi của cả nước năm 2022; HTX Tân Mỹ cũng là một trong 64 HTX tiêu biểu của cả nước năm 2024. Không giấu giếm, anh Sang cho biết cây táo trồng ở đất Bình Dương ngoài chế độ chăm sóc bình thường còn được cho "ăn" dịch đạm cá, dịch chuối và trứng. Quan trọng hơn, HTX không diệt cỏ trong vườn mà giữ lại để tăng độ ẩm cho đất, định kỳ phát cỏ làm phân bón tự nhiên cho cây.
"Nhiều người sợ cỏ mọc dày sẽ ăn hết phân của cây trồng và thu hút sâu bệnh. Tuy nhiên, tôi làm nông nghiệp hơn 20 năm, tuyệt đối không diệt cỏ mà chỉ phát cỏ theo định kỳ. Phần rác cỏ được xả lại vườn, sau khi phân hủy sẽ trở thành phân bón tự nhiên cho cây. Đất màu mỡ, không bị nhiễm thuốc diệt cỏ nên đủ sức nuôi cây khỏe, trái ngon" - anh Sang nêu bí quyết.
Thành công bước đầu với cây táo ở Bình Dương đã tiếp thêm động lực để anh nông dân vùng Đông Nam Bộ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nông trại táo quy mô gần 20 ha ở Bình Thuận. Tại đây, anh Sang ứng dụng công nghệ để dẫn nước hơn 3 km từ hệ thống kênh mương thủy lợi về nông trại. Giải được bài toán khó về nguồn nước tưới tiêu, vùng sản xuất táo tập trung quy mô lớn nhanh chóng được phủ xanh.
Anh Lê Minh Sang với sản phẩm táo gió trồng ở trang trại tại huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương)
Một HTX sẽ được thành lập trên vùng đất mới, một quy trình sản xuất hoàn toàn khác với cách làm phổ biến của các nhà vườn trồng táo khu vực miền Trung và một khát khao tạo nên giá trị mới cho trái táo. Cây táo sẽ được canh tác theo chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), ứng dụng công nghệ từ việc dùng năng lượng mặt trời tưới tiêu tập trung, áp dụng cơ giới hóa trong tưới tiêu, vận chuyển...
"Tôi đang chuẩn hóa quy trình để áp dụng cho cả 2 vùng trồng, sao cho trái táo thu hoạch được luôn ổn định về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các hóa chất ngoài danh mục cho phép. Dự kiến, đến giữa năm 2025, những sản phẩm đầu tiên của dự án ở Bình Thuận sẽ có mặt trên thị trường nội địa và sẵn sàng cho đơn hàng xuất khẩu" - anh Sang tự tin.
Bài và ảnh: Thanh Nhân