Khát vọng chinh phục biển sâu bằng những giàn khoan 'Made in Viet Nam'

Khát vọng chinh phục biển sâu bằng những giàn khoan 'Made in Viet Nam'
13 giờ trướcBài gốc
Giàn khoan Made in Viet Nam
Quay trở lại khoảng thời gian hơn 10 năm trước, câu chuyện Việt Nam “không sản xuất được cái ốc vít” đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Ngay sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã lấy dẫn chứng về việc Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể tự chế tạo giàn khoan tự nâng để đáp trả lại luận điệu sai lệch và thiếu hiểu biết kia. Và giàn khoan tự nâng do Việt Nam tự chế tạo mà Tiến sĩ Nguyễn Quân lấy làm dẫn chứng chính là Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm cấp quốc gia đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, do Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC. Đây là giàn khoan tự nâng có khả năng hoạt động ở độ sâu 90m nước, với trọng lượng gần 12.000 tấn, chiều dài chân giàn đạt 145m và khả năng khoan tới độ sâu 6,1km. Công trình được thiết kế để chịu được sức gió tương đương bão cấp 12, thậm chí vượt trên cấp 12 và vận hành ổn định trong các điều kiện thời tiết biển khắc nghiệt.
Kỹ sư Phan Tử Giang đại diện nhóm tác giả công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2017.
Tam Đảo 03 được triển khai từ năm 2008, hạ thủy ngày 31/8/2011. Dự án có tổng mức đầu tư thời điểm đó là 180 triệu USD. Việc chế tạo thành công Tam Đảo 03 đã đưa Việt Nam chính thức gia nhập nhóm rất ít quốc gia trên thế giới có thể tự thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng đạt chuẩn quốc tế. Đáng chú ý, gần như toàn bộ phần thiết kế chi tiết, thiết kế công nghệ và thi công đều được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam. Sau đó, công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” về chế tạo giàn Tam Đảo 03 đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2017. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước cho những nỗ lực nghiên cứu, hiện thực hóa khát vọng chinh phục biển sâu, làm giàu cho Tổ quốc của ngành Công nghiệp - Năng lượng.
Ngay sau khi bàn giao Tam Đảo 03, PV Shipyard đã bắt tay vào thực hiện một giàn khoan tự nâng lớn hơn - Tam Đảo 05. Kỹ sư Phan Tử Giang - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết: “Từ Tam Đảo 03 đến Tam Đảo 05, từ giàn tự nâng 90m đến giàn tự nâng 120m là một bước tiến dài về trình độ chế tạo giàn khoan của Việt Nam. Nói một cách trực quan, giàn khoan càng lớn thì việc đi ra vùng nước càng sâu càng dễ dàng hơn. Trong khi hiện giờ nhu cầu đi ra và khai thác tại vùng nước sâu ngày càng nhiều. Muốn đi ra vùng nước sâu cần phải có những giàn khoan đáp ứng được nhu cầu về mặt kỹ thuật. Lý thuyết là vậy, nhưng để chế tạo được một giàn khoan nước sâu không phải chuyện đơn giản”.
Thi công, chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05.
Giàn Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ), với tổng trọng lượng khoảng 18.000 tấn, có khả năng hoạt động ở vùng biển sâu 120m và khoan tới độ sâu 9.144m. Giàn có sức chứa 140 người, chịu được sóng cao 20,7m (chu kỳ 14,7 giây), sức gió 36m/s, tối đa đến 51,4m/s - những thông số cho thấy năng lực vượt trội để khai thác ở những điều kiện khắc nghiệt nhất trên Biển Đông.
Trên thế giới chỉ có khoảng 10 nước có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng hoạt động tại các vùng biển sâu và hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt. Việc chế tạo thành công giàn Tam Đảo 03 và sau này là giàn Tam Đảo 05 đã giúp Việt Nam lọt top những quốc gia đó. “Giàn khoan còn rất nhiều mẫu hiện đại hơn, khổng lồ hơn. Bên cạnh giàn khoan thì vẫn có những sản phẩm, những mẫu công trình biển khó hơn, mang hàm lượng khoa học lớn hơn. Và với việc đặt nền móng từ Tam Đảo 03, Tam Đảo 05, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan phát triển, mang đậm dấu ấn của người Việt”, kỹ sư Phan Tử Giang chia sẻ.
Đào tạo đội ngũ cho tương lai
Khi được hỏi về những ngày đầu chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05, kỹ sư Phan Tử Giang - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đã trả lời thẳng thắn rằng: “Thực tế là chủ đầu tư Vietsovpetro đặt hàng chúng tôi một giàn khoan to hơn, hoạt động được ở vùng biển sâu hơn và chúng tôi phải làm cho được một giàn khoan đạt những tiêu chuẩn đấy. Nhưng trong quá trình thực hiện, chúng tôi bằng mọi cách nâng tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng chất xám của người Việt trên cơ sở thiết kế cơ bản để đào tạo, xây dựng được một đội ngũ trong tương lai có thể thực hiện những giàn khoan của người Việt, giúp đất nước có thể khai thác tài nguyên ở những vùng biển xa hơn, sâu hơn”.
Chuyện nội địa hóa trong công nghiệp cơ khí không chỉ là thay thế nguyên vật liệu, thiết bị mà còn là quá trình “nội địa hóa con người” - từ kỹ sư, quản lý dự án đến chuyên gia thiết kế. Với Tam Đảo 03, Việt Nam phải thuê tới 13 chuyên gia nước ngoài làm việc tổng cộng 43.000 giờ công. Sang Tam Đảo 05, con số này giảm còn 3 chuyên gia với 11.000 giờ công. Những chuyên gia này chỉ đóng vai trò kiểm tra, giám sát chứ không còn chỉ đạo như trước đây.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang chia sẻ: “Với Tam Đảo 03, bên mình gần như chưa biết gì, chuyên gia nước ngoài là người chỉ huy. Còn với Tam Đảo 05, người chỉ huy, người ra quyết định là người Việt. Đó là thành quả lớn nhất, cho thấy sự tự chủ đã nâng cao rất nhiều. Đây không chỉ là sự trưởng thành về kỹ thuật mà còn là bước ngoặt về nhân lực, trình độ. Quá trình “nội địa hóa chuyên gia” đã giúp đào tạo hàng loạt kỹ sư Việt có khả năng thiết kế chi tiết, triển khai những kỹ thuật phức tạp mà trước đây chỉ có các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm được”.
Giàn Tam Đảo 05 và giàn Tam Đảo 03 ở mỏ Bạch Hổ.
Câu chuyện vượt khó không chỉ ở công nghệ mà còn ở thực tiễn thi công. Trong khi các nước khác có cần cẩu nâng 20.000 tấn, PV Shipyard thời điểm đó chỉ có cần cẩu lớn nhất là 3.500 tấn. Vậy mà với “công nghệ người Việt”, những bộ phận phức tạp vẫn được chia nhỏ, lắp ráp theo cách riêng. “Đó là lý do tại sao hàm lượng công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa lại lớn là vì nó phù hợp với điều kiện máy móc, vật chất trong nước”, kỹ sư Phan Tử Giang chia sẻ.
Đã rất nhiều năm trôi qua kể từ thời điểm Tam Đảo 05 được khởi công, ký ức về một đại công trường hối hả vẫn in sâu trong tâm trí kỹ sư Lê Quang Hùng - người phụ trách thiết kế dự án. Với anh, thành tựu lớn nhất không chỉ là giàn khoan hiện đại, mà là sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nhân lực Việt Nam - những con người đã tôi luyện bản thân giữa tiếng máy hàn, khoan, cắt và gió biển mặn mòi. Đội ngũ nhân lực Việt Nam đã giúp nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 31% ở Tam Đảo 03 lên 40% ở Tam Đảo 05. Nhiều bộ phận quan trọng như cụm tháp khoan, phần vỏ chứa hệ thống nâng hạ, toàn bộ phần tủ, bảng điện... trước đây phải mua từ nước ngoài thì nay đều do kỹ sư Việt chế tạo và đạt chứng nhận từ tổ chức đăng kiểm quốc tế.
“Nội địa hóa chuyên gia” ngoài việc trực quan nhất là tiết kiệm tiền cho đất nước thì điều quan trọng hơn là qua thực tế công trường, ngành Công nghiệp - Năng lượng đã đào tạo, tôi luyện được một đội ngũ chuyên gia có thể làm từ quản lý dự án đến công tác thiết kế chi tiết những giàn khoan mang trí tuệ của người Việt, phục vụ cho khát vọng tiến ra khai thác tài nguyên ở những vùng biển sâu hơn, xa hơn để làm giàu cho Tổ quốc.
Thanh Hiếu
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/khat-vong-chinh-phuc-bien-sau-bang-nhung-gian-khoan-made-in-viet-nam-727494.html