Việc đầu tư các tuyến ĐSĐT, kết hợp với các tuyến đường sắt quốc gia, ĐSTĐC sẽ tạo ra thị trường xây dựng khổng lồ và hàng triệu việc làm. Ảnh minh họa
Cần nguồn nhân lực khổng lồ từ khảo sát, thiết kế đến thi công
Theo định hướng phát triển trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt (Quy hoạch 1769), hệ thống đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với tổng chiều dài khoảng 6.354 km, trong đó có 1 tuyến ĐSTĐC (Bắc - Nam), 24 tuyến đường sắt quốc gia thông thường. Mạng lưới đường sắt quốc gia được định hướng kết nối xuyên Á, kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào, Campuchia, đồng thời kết nối hiệu quả với mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo khả năng thu gom và giải tỏa hành khách, tăng tính thuận tiện cho hành khách đi tàu.
Hiện nay, cùng với Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đang triển khai chuẩn bị đầu tư hàng loạt các dự án đường sắt quốc gia quan trọng khác như: Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường sắt vành đai phía Đông; đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ... Hầu hết các dự án này đều phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2030 - 2035.
Ngoài ra, các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút triển khai lập Đề án phát triển mạng lưới ĐSĐT theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, dự kiến đến năm 2035, hai thành phố sẽ hoàn thành các tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 594 km; năm 2045 sẽ hoàn thành khoảng 369 km (Hà Nội thêm khoảng 201 km; TP. Hồ Chí Minh thêm khoảng 168 km); năm 2060 sẽ hoàn thành thêm khoảng 159 km tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ước tính, việc đầu tư các tuyến ĐSĐT kết hợp với các tuyến đường sắt quốc gia, ĐSTĐC sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần gấp rút chủ động trong công tác chuẩn bị để đón nhận thời cơ này.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cần xem xét tạo điều kiện tối đa cho lực lượng tư vấn trong nước triển khai dự án, bởi vì: Là một dự án sử dụng công nghệ hiện đại, lần đầu triển khai tại Việt Nam, do đó cần nghiên cứu, lựa chọn loại hình công nghệ phù hợp với hình thái địa lý và nhu cầu vận tải, vừa đáp ứng được tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận, làm chủ trong vận hành khai thác. Song song với đó, việc chọn lựa ra hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cũng cần được quan tâm thực hiện. Quá trình này không thể tách rời vai trò của tư vấn trong nước để cùng nghiên cứu đề xuất, đảm bảo sự phù hợp với các điều kiện trong nước.
Một trong những chủ trương lớn của dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam là phải phát huy tính tự lực tự cường, huy động tối đa các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư xây dựng, vận hành khai thác dự án. Với truyền thống "Đi trước mở đường", tinh thần tự chủ, độc lập, lao động hăng say, chủ động sáng tạo, toàn thể Ban lãnh đạo và người lao động TEDI luôn sẵn sàng đương đầu thử thách, bứt phá để vươn lên, mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự thành công chung của dự án. Hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tầm nhìn xa và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan.
Trong nước cần phải làm chủ phần xây dựng (chiếm khoảng 75% giá trị xây dựng, thiết bị). Các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể huy động thêm các chuyên gia quốc tế để triển khai ngay công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn hướng tuyến và vị trí công trình trên tuyến, thiết kế phần hạ tầng xây dựng. Đây là những công việc trong nước có thể chủ động triển khai, từ đó sớm bàn giao phạm vi GPMB để các địa phương triển khai công việc tiếp theo, đáp ứng tiến độ dự án.
Quá trình triển khai các dự án, tư vấn trong nước luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng làm chủ công nghệ thi công. Thực tế, việc thi công các dự án lớn, công nghệ mới không thể tách rời vai trò của lực lượng tư vấn. Nếu giao trách nhiệm này cho tư vấn nước ngoài, việc phối hợp sẽ mất nhiều thời gian và thiếu linh hoạt trong việc xử lý các công việc phát sinh.
Với kinh nghiệm và đội ngũ kỹ sư trong nước qua các dự án giao thông trọng điểm trong thời gian qua, có thể tin tưởng về khả năng tiếp nhận, làm chủ trong thiết kế, thi công xây dựng dự án. Chúng ta đều biết rằng, trước đây cầu Mỹ Thuận 1 do nước ngoài thiết kế, thi công. Tuy nhiên thời gian vừa qua, cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn trong tất cả các khâu. Nhờ nội địa hóa nên tiết kiệm được rất lớn chi phí đầu tư. Suất đầu tư của cầu Mỹ Thuận 1 là khoảng 5.000 USD/m2, còn cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 2.400 USD/m2, tức là tiết kiệm khoảng 50%, tạo việc làm, sinh kế cho người dân được nhiều hơn.
Như vậy, đối với dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, việc tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công trong nước sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta giảm chi phí rất lớn cho Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cùng nhà thầu trong nước triển khai trong suốt quá trình thi công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế...
Đối với hạng mục lựa chọn, chuyển giao công nghệ, vai trò của tư vấn trong nước như một đối tác, đồng thời là cầu nối hữu hiệu để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp nhận chuyển giao. Điều này đã được chứng minh cụ thể đối với một số quốc gia đi trước như Hàn Quốc, Thái Lan...
Việc đầu tư dự án ĐSTĐC mới chỉ là sự khởi đầu, quá trình vận hành khai thác sẽ theo suốt chúng ta trong tương lai. Chiến lược của Chính phủ là phải tiến tới làm chủ hoàn toàn quá trình vận hành khai thác, do đó cần xác định rõ vai trò của tư vấn trong nước đối với giai đoạn này.
Như vậy, tư vấn trong nước có vai trò quan trọng trong việc triển khai dự án ĐSTĐC. Đây là lực lượng đi đầu trong việc tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao cho các đơn vị trong nước để thực hiện thành công dự án, đồng thời đảm bảo tính độc lập, khách quan, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam đề cao tính tự lực tự cường trong thực hiện dự án, huy động tối đa các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư xây dựng, vận hành khai thác dự án. Ảnh minh họa
Việc lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án có thể triển khai theo hai mô hình: (1) Liên danh tư vấn bao gồm quốc tế và trong nước, trong đó tư vấn quốc tế đứng đầu liên danh, tư vấn trong nước là thành viên triển khai các hạng mục công việc theo thỏa thuận; (2) Liên danh tư vấn bao gồm quốc tế và trong nước, trong đó tư vấn trong nước đứng đầu liên danh có thể huy động thêm các vị trí nhân sự chủ chốt là các chuyên gia quốc tế.
Mỗi mô hình có những thuận lợi, khó khăn nhất định. Khi triển khai theo mô hình (1) sẽ lựa chọn được tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời gian để lựa chọn tư vấn quốc tế sẽ dài hơn; tính linh hoạt trong tham mưu, xử lý các công việc yêu cầu tiến độ gấp bị hạn chế, ngoài ra cũng cần nghiên cứu đưa ra các quy định để đảm bảo tính khách quan của tư vấn quốc tế, không bị tác động bởi công nghệ quốc tịch.
Với mô hình (2), một số chuyên gia quốc tế sẽ được huy động, làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của doanh nghiệp tư vấn trong nước, đảm bảo linh hoạt trong giải quyết công việc, quản lý tốt về chi phí và công nghệ. Tuy nhiên, mô hình (2) cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách như cho phép sử dụng năng lực kinh nghiệm theo cấp hạng công trình tương tự, đánh giá năng lực tài chính của tổng thể liên danh hoặc không xét...
Ngoài ra, với tiêu chí đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu hiện nay sẽ hạn chế các doanh nghiệp tư vấn trong nước tham gia các giai đoạn tiếp theo của dự án. Do đó, cần xem xét tiêu chí này theo hướng cho phép các đơn vị tư vấn thực hiện bước trước có thể tham gia các gói thầu EPC nếu chứng minh được tính độc lập về pháp lý và tài chính với tổng thầu EPC.
Tư vấn TEDI sẵn sàng tham gia dự án ĐSTĐC Bắc - Nam. Ảnh minh họa
Tư vấn đầu ngành sẵn sàng tham gia dự án
Với vai trò "Đi trước mở đường", cầu nối tiếp nhận công nghệ, kỹ sư tư vấn trong nước có vai trò quan trọng trong việc triển khai dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam. Với năng lực hiện nay, nhân lực trong nước có thể làm chủ công nghệ khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công và từng bước làm chủ giai đoạn vận hành khai thác.
Dù dự án ĐSTĐC là công trình có công nghệ, kỹ thuật tương đối mới mẻ đối với các đơn vị tư vấn trong nước, tuy nhiên đối với các công trình hạ tầng (cầu, hầm, dân dụng...) mặc dù có yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cơ bản các đơn vị tư vấn trong nước có thể đảm nhận. Những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình triển khai dịch vụ tư vấn thiết kế, thi công các dự án hạ tầng lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cầu Nhật Tân, cầu Mỹ Thuận 2 hay Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... sẽ hỗ trợ tư vấn triển khai thành công các hạng mục hạ tầng của dự án.
Hơn thế, một trong những yêu cầu đặt ra của Trung ương là đề cao tính tự lực tự cường trong thực hiện dự án, huy động tối đa các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư xây dựng, vận hành khai thác dự án. Trên tinh thần đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đánh giá trình độ và định hướng phát triển các ngành công nghiệp, quy mô thị trường, dự kiến đề xuất ràng buộc điều kiện phải chuyển giao công nghệ và xây dựng định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 như sau: (1) Làm chủ về công nghiệp xây dựng; (2) Lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, ĐSĐT; (3) Sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; (4) Làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với ĐSTĐC.
Theo định hướng này, để chuẩn bị tham gia các dự án lớn, hơn 10 năm qua, TEDI đã chủ động xây dựng, phát triển lực lượng kỹ sư tư vấn liên quan đến lĩnh vực đường sắt. Các chương trình tham quan học tập tại các nước phát triển ĐSTĐC, các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, thu thập tài liệu quốc tế, nghiên cứu công nghệ thi công, tính toán đối chứng kết cấu... đã giúp các kỹ sư TEDI nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Cùng với việc tích lũy kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia..., lực lượng kỹ sư TEDI đã sẵn sàng để chinh phục các dự án đường sắt.
Đối với dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, TEDI với vai trò đứng đầu liên danh đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15. Đây có thể coi là một kết quả bước đầu, đáng khích lệ đối với lực lượng kỹ sư đường sắt của TEDI.
Để chuẩn bị tốt hơn, TEDI tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về đường sắt cho các kỹ sư công trình cầu - đường dày dặn kinh nghiệm. Ngoài các giảng viên có kinh nghiệm trong nước, TEDI còn mời nhiều chuyên gia quốc tế để bổ sung, cập nhật kiến thức cho lực lượng của mình. Có thể nói, TEDI đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm chuẩn bị nguồn lực tốt nhất cho dự án ĐSTĐC.
Ngoài công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng, TEDI đã định hướng xây dựng các nhóm chuyên môn phù hợp với các chuyên ngành của lĩnh vực đường sắt như hạ tầng, thiết bị, phương tiện, tổ chức khai thác, vận hành bảo dưỡng..., từ đó thu thập tài liệu, nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn về khảo sát, thiết kế, thi công nghiệm thu và vận hành khai thác. Trên cơ sở đó thiết lập các khung tiêu chuẩn, các định hướng thiết kế phù hợp đối với từng giai đoạn thực hiện dự án, từ giai đoạn lập FS, thiết kế FEED, thiết kế chi tiết và các giai đoạn thi công, vận hành thử.
Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI)