Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại một số điểm cầu của thành Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, triển khai Nghị quyết là khâu đột phá để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn:
Như một lời hiệu triệu...
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: Thu Hằng
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ có ý nghĩa như một lời hiệu triệu tất cả các lực lượng, từ cán bộ quản lý nhà nước đến nhà khoa học, những người làm về công nghệ, đến doanh nghiệp… đều phải tự nhìn nhận lại mình, phải tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
Ngay khi Chính phủ ban hành chương trình hành động, thì thành phố Hà Nội đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ và xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chúng tôi đã sẵn sàng, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng, đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện thị xã đề xuất các nhiệm vụ để cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ. Trong quá trình làm, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo từ trung ương và gắn với thực tiễn Hà Nội.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao:
Tính hành động của nghị quyết rất cao
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao. Ảnh: Thu Hằng
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ là mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội đất nước. Nghị quyết đã thể hiện được những nhận thức, quan điểm mới của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chẳng hạn, quan điểm đầu tư cho khoa học, công nghệ được xác định là đầu tư lâu dài, chấp nhận rủi ro, chấp nhận độ trễ và vấn đề tạo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chấp nhận rủi ro trong khoa học, trong thử nghiệm công nghệ mới.
Nghị quyết cũng chỉ ra được những điểm nghẽn về thể chế, khi mà chưa thu hút được nhân tài, các chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước. Rồi yêu cầu tháo điểm nghẽn vấn đề pháp luật về đầu tư công, mua sắm công, sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu từ các đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi ngân sách nhà nước.
Điều khiến giới khoa học công nghệ vui mừng đón nhận Nghị quyết số 57-NQ/TƯ hơn cả chính là tính hành động của nghị quyết rất cao. Tính hành động đó thể hiện ở các yêu cầu rà soát, tái cơ cấu hệ thống, tổ chức khoa học, công nghệ công lập; sáp nhập giải thể những tổ chức yếu kém, hoạt động chưa hiệu quả, để đầu tư có trọng tâm trọng điểm...
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An:
Người đứng đầu cơ quan khoa học phải có tâm, có tầm
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An. Ảnh: Thu Hằng
Tôi vô cùng phấn khởi với việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều này cho thấy, nghị quyết đã đặt đúng vị trí của khoa học cho sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, nghị quyết có nhiều điểm mới. Đầu tiên, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chính Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Thứ hai, nghị quyết đã đặt đúng vị trí của khoa học, xác định khoa học có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Nghị quyết cũng thể hiện rất rõ sự đổi mới trong tư duy nghiên cứu khoa học. Trước đây, chúng ta thường cho rằng, đã làm nghiên cứu là phải thắng lợi, nhưng nghị quyết lần này cho phép “chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”. Việc “chấp nhận rủi ro” sẽ khuyến khích sự sáng tạo cho những cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra đều phải tập trung vào thể chế và con người. Đối với lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, thể chế đã được tháo gỡ trong Nghị quyết mà Bộ Chính trị vừa ban hành. Vấn đề còn lại là con người, trong đó làm sao chọn được những người đứng đầu cơ quan khoa học cũng như cơ quan quản lý phải có tâm, có tầm, đưa ra những định hướng chiến lược phù hợp cho lĩnh vực mình được phân công quản lý. Những cán bộ làm khoa học cũng cần phải thực chất trong nghiên cứu gắn với tính ứng dụng thực tiễn cao.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền:
“Luồng gió mới”, hướng tới chuyển đổi số
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền. Ảnh: Ánh Dương
Tại Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ các mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Còn tầm nhìn đến năm 2045, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nghị quyết cũng nêu cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… Đây là tiền đề, là “luồng gió mới”, soi rọi con đường vươn lên phía trước của đất nước. Bởi, chỉ có đi vào công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc, sánh vai với các nước trên thế giới.
Tại huyện Gia Lâm, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được huyện đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Toàn bộ các thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa ở tất cả các lĩnh vực, được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện và UBND xã, thị trấn. Trên địa bàn huyện có 508 thủ tục hành chính đang được thực hiện (329 thủ tục cấp huyện, 125 thủ tục cấp xã, 49 thủ tục cấp liên thông, 5 thủ tục thực hiện tại cơ sở giáo dục); 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn/trước hạn; 100% phản ánh được xử lý, giải quyết, công khai kết quả giải quyết theo quy định. Mô hình thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện đạt 90%, cấp xã đạt hơn 70%. Toàn huyện tiếp nhận và xử lý 316 phản ánh hiện trường trên ứng dụng iHanoi, bảo đảm tiến độ, chất lượng…
Năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên cơ sở thay đổi về tư duy, cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ số.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính:
Động lực cho phát triển bền vững
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính. Ảnh: Sơn Tùng
Chuyển đổi số, gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Tại huyện Phú Xuyên, việc ứng dụng công nghệ, khoa học và đổi mới sáng tạo được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ cấp cơ sở đến toàn bộ hệ thống chính quyền địa phương. Trong thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ. Huyện cũng khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư công nghệ vào sản xuất, kinh doanh từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến các vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đặc biệt, huyện đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn và các chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhằm nâng cao kỹ năng và nhận thức cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân. Những mô hình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từ cơ sở đã trở thành động lực để toàn huyện phát triển nhanh và bền vững hơn.
Huyện Phú Xuyên đã đẩy mạnh các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của huyện. Những ý tưởng đột phá, dù lớn hay nhỏ, đều được huyện trân trọng và hỗ trợ đưa vào thực tế. Huyện cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư, hỗ trợ và đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng công nghệ, khoa học vào thực tiễn, xây dựng huyện Phú Xuyên hiện đại, phát triển toàn diện.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền:
Tổ chức học tập nghị quyết tới từng đảng viên
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Minh Phú
Sáng nay, Huyện ủy Đan Phượng đã tổ chức 1 điểm cầu tại UBND huyện và 16 điểm cầu xã, thị trấn với 702 đại biểu học tập nghị quyết. Tại hội nghị, chúng tôi đã được nghe báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; đồng thời, quán triệt triển khai nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, lượng tử, tự động hóa... tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi toàn diện phương thức sống, làm việc của con người, thì khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Trong đó, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại huyện Đan Phượng, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố đẩy mạnh xây dựng mô hình thôn thông minh, góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhóm phóng viên