Xoa dịu nỗi đau
Chị Nguyễn Thị Kim Trang (SN 2002) ở phường An Lộc, thị xã Bình Long bị khiếm thị từ lúc mới sinh. Tuy thiếu đi ánh sáng của đôi mắt nhưng chị không để cuộc đời của mình chìm trong bóng tối. Yêu thích ca hát, từ nhỏ chị xin gia đình đi học nhạc lý ở Hội Người mù thị xã Bình Long. Sau 5 năm kiên trì và say mê tập luyện đã giúp chị quên đi những khiếm khuyết bản thân, tập trung nội lực vào từng lời ca để luyện thanh, luyện giọng ngày một tốt hơn. “Bước đầu tiếp cận học nhạc, học đàn, mình gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Không nản lòng, mình cố gắng làm quen dần, rồi kiên trì luyện tập để có thể theo đuổi ước mơ của bản thân. Mỗi ngày một tiến bộ và có thể đi hát ở nhiều nơi giúp mình cảm thấy rất hạnh phúc” - chị Trang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Trang tự tin thể hiện tài năng trên sân khấu lớn
Âm nhạc đã mang lại rất nhiều niềm vui, giúp chị Trang có thêm những mối quan hệ ngoài xã hội, được giao lưu học hỏi, gắn kết yêu thương. Chị đã tự tin biểu diễn trên sân khấu lớn tại Hội thi tiếng hát người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần thứ 4, năm 2025. Vừa hát đơn ca vừa biểu diễn đàn organ và tham gia hát tốp ca, chị đã thể hiện bản lĩnh sân khấu dù còn rất trẻ. Chính sự nỗ lực hết mình đã giúp chị trở thành chỗ dựa vững chắc để cùng các thành viên Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Long hoàn thành nhiệm vụ tại hội thi.
Nhìn ông Cao Triều Tuấn (SN 1964) ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng say sưa thả hồn theo từng lời ca, tiếng đàn, ít ai có thể ngờ rằng khi ông bước đi lại phải nhờ vào đôi nạng. Bị bại liệt khi mới 6 tuổi, nhưng ông vẫn cố gắng học tập, thậm chí nỗ lực nhiều hơn những bạn cùng trang lứa. Những năm tiểu học, khi được làm quen với âm nhạc, ông đã bén duyên và tìm hiểu sâu hơn về nhạc lý, âm luật. Không chỉ yêu thích ca hát, ông còn đam mê luyện đàn. Hiện ông có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như organ, piano, saxophone, violon, harmonica, sáo… Niềm đam mê âm nhạc đã giúp ông vượt qua những thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống và vươn lên khẳng định bản thân.
Âm nhạc đưa đến thành công
Với những nỗ lực và đam mê dành cho âm nhạc, chị Trang, ông Tuấn đã đoạt nhiều giải thưởng và có cả giải cao nhất tại Hội thi tiếng hát người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần thứ 4, năm 2025. Song với họ, giải thưởng lớn nhất đó là vượt qua giới hạn bản thân. Sau hội thi, họ tự tin trở về tiếp tục cuộc mưu sinh với hành trang ấm áp hơn.
Không chỉ đam mê nghệ thuật, ông Tuấn còn là chủ cơ sở in quảng cáo gần 25 năm nay tại thị trấn Đức Phong. Cơ sở nhỏ giúp vợ chồng ông nuôi 2 con học hành đến nơi đến chốn. Con gái lớn của ông đã tốt nghiệp đại học, hiện làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Tuấn tâm sự, mỗi người có một số phận. Ông không may bị khiếm khuyết cơ thể thì càng phải nỗ lực gấp nhiều lần những người bình thường mới có thể thay đổi số phận. Ai cũng vậy, phải biết cố gắng vươn lên bằng nhiều cách khác nhau để tự tin hơn trong cuộc đời này.
Dù lần đầu tham gia Hội thi tiếng hát người khuyết tật tỉnh Bình Phước nhưng ông Cao Triều Tuấn đã rất thành công khi giành giải nhất biểu diễn kèn saxophone và giải ba đơn ca - Ảnh: Từ Huy
Ông Tuấn còn luôn sẵn sàng hỗ trợ và “truyền lửa” cho những người có cùng đam mê, sở thích, đặc biệt là người khuyết tật. Với ông, yêu đàn hát là liều thuốc tinh thần giúp ông vượt qua giới hạn của bản thân, giúp cuộc sống thêm nhiều niềm vui.
Ông Lương Văn Ba, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Bù Đăng cho biết, ông Tuấn đã truyền cảm hứng cho mọi người nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Bằng nghị lực của mình, ông đã tự mày mò phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và còn tạo việc làm cho người khác.
Trên sân khấu hay đời thường, âm nhạc là liều thuốc quý giúp ông Tuấn tự tin trong cuộc sống
Bà Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban tổ chức Hội thi tiếng hát người khuyết tật tỉnh lần thứ 4, năm 2025 khẳng định: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật phát triển toàn diện và bình đẳng. Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang thực hiện nhiều chương trình thiết thực, trong đó có việc tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện đi lại giúp người khuyết tật có điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn; mở rộng các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao dành cho người khuyết tật, tạo môi trường để họ thể hiện tài năng, giao lưu và hòa nhập cộng đồng.
Bình Phước hiện có 10.460 người khuyết tật, trong đó có 2.994 người khuyết tật đặc biệt nặng cần sự hỗ trợ chăm sóc thường xuyên, 7.466 người khuyết tật nặng. Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nhiều người đã chọn âm nhạc làm điểm tựa tinh thần, từ đó không ngừng nỗ lực vươn lên, tham gia lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng và truyền cảm hứng mạnh mẽ về ý chí vươn lên.
Ly Na