Khi bác sĩ là 'nguồn máu sống'

Khi bác sĩ là 'nguồn máu sống'
21 giờ trướcBài gốc
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo - Ảnh: T.P
Tính đến thời điểm hiện tại, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, hiện đang công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có khoảng 11 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Làm việc trong ngành y, từng chứng kiến nhiều bệnh nhân rơi vào nguy kịch vì thiếu máu nên bác sĩ Yến chưa bao giờ ngần ngại cho đi giọt máu của mình.
“Với tôi, hiến máu không chỉ là hưởng ứng phong trào tình nguyện, nó còn trao cơ hội sống cho người khác. Mỗi lần tham gia hiến máu, tôi đều cảm thấy rất vui. Hiến máu, ngoài việc mình được kiểm tra sức khỏe, bản thân còn ý thức phải sống tích cực hơn để có đủ sức khỏe hiến máu khi cần, chung tay giúp đỡ được nhiều người bệnh”, bác sĩ Yến nói.
Giống như bác sĩ Yến, bác sĩ Hồ Quốc Anh, hiện đang công tác tại Khoa Vi sinh cũng là một trong số rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị luôn sẵn sàng hiến máu cứu giúp bệnh nhân trong lúc nguy kịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, người bác sĩ trẻnày đã có trên 10 lần tham gia hiến máu nhân đạo định kỳ lẫn hiến máu khẩn cấp. Cuối tháng 11/2024, sản phụ N. T. H. (29 tuổi), trú tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ mang thai ở tuần thứ 39, nhập viện trong tình trạng chuyển dạ, sốt xuất huyết ngày thứ 7 với các triệu chứng chảy máu chân răng, xuất huyết kết mạc mắt, xuất huyết rải rác cơ thể, tiểu cầu giảm, nguy cơ băng huyết cao.
Nhận được thông báo của Khoa Huyết học - Truyền máu, bác sĩ Quốc Anh đã lập tức sắp xếp công việc để kịp thời hiến 250 ml máu cho bệnh nhân. Nhờ nguồn máu quý giá này, sản phụ H. đã vượt qua cơn nguy kịch.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Quốc Anh cho hay: Bản thân rất vui mỗi khi được góp một phần nhỏ để cứu sống bệnh nhân. “Là một người đang công tác trong ngành y, hơn ai hết, tôi hiểu được giá trị của từng đơn vị máu, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như: tai nạn, phẫu thuật lớn hay bệnh lý cần truyền máu liên tục. Vì thế, cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt công tác KCB, tôi muốn được sẻchia giọt máu của mình cho người bệnh lúc nguy cấp để mang lại cho họ nhiều hơn cơ hội sống”, bác sĩ Quốc Anh bộc bạch.
Không chỉ bác sĩ Yến, bác sĩ Quốc Anh mà từ nhiều năm nay, hiến máu đã trở thành việc làm thường xuyên, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo viên chức, người lao động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Còn nhớ khoảng thời gian từ năm 2020 - 2022, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bệnh viện luôn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn máu dự trữ. Để có máu kịp thời điều trị cho bệnh nhân, bên cạnh nguồn máu vận động từ Câu lạc bộ (CLB) Hiến máu tình nguyện tỉnh, lực lượng nhân viên y tế của bệnh viện vừa hiến máu, vừa cứu chữa bệnh nhân.
Mới đây nhất, từ sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lượng máu của bệnh viện gần như chạm đáy bởi số lượng người bệnh tăng cao đột biến trong khi nguồn máu được cung cấp từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu miền Trung không đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại bệnh viện.
Do đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã gửi thư ngỏ kêu gọi sự tham gia của toàn thể viên chức, người lao động bệnh viện và người dân. Kết quả, đã tiếp nhận tổng cộng 220 đơn vị máu/2 đợt. Chia sẻvới phóng viên tại hoạt động hiến máu nhân đạo đợt 2 mang tên “Blouse trắng, trái tim hồng”, điều dưỡng Phan Thị Hiệu hiện đang công tác tại Khoa Tai - Mũi - Họng vui vẻcho hay: “Tôi hy vọng nguồn máu hiến của mình sẽ giúp ích cho những bệnh nhân đang cần máu. Qua đó, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hồi phục sức khỏe, sớm trở về cuộc sống bình thường”.
Theo bác sĩ CKII Phan Văn Tú, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cùng với nguồn máu từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu miền Trung, tình nguyện viên do CLB Hiến máu tình nguyện tỉnh vận động thì bệnh viện còn xây dựng một “ngân hàng máu sống” gồm gần 150 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, luôn sẵn sàng tinh thần cứu người bệnh, không chỉ bằng nghiệp vụ mà bằng cả dòng máu nóng trong cơ thể mình.
“Nguồn máu dự trữ tại bệnh viện có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Trong những trường hợp không có đủ máu truyền, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhận thức điều này, bệnh viện luôn đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của mỗi cán bộ, y, bác sĩ về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu. Nhờ sự tham gia hiến máu nhiệt tình của các y, bác sĩ và người dân trong tỉnh mà đến nay, nguồn máu dự trữ tại bệnh viện đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Qua đây, hình ảnh người thầy thuốc của bệnh viện càng trở nên đẹp và cao quý hơn trong lòng Nhân dân”, bác sĩ Tú khẳng định.
Những giọt máu hồng tình nguyện đến kịp thời không chỉ góp phần cứu sống người bệnh, mà còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp của những trái tim nhân ái - những “Blouse trắng, trái tim hồng” của ngành y tế Quảng Trị đã thắp sáng y đức, lan tỏa tinh thần trách nhiệm cống hiến vì cộng đồng.
Nam Phương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/khi-bac-si-la-nguon-mau-song-191837.htm