Khi bảo tàng, di tích 'thổi hồn' vào lịch sử

Khi bảo tàng, di tích 'thổi hồn' vào lịch sử
3 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, việc áp dụng công nghệ hiện đại, cách bài trí nghệ thuật đã và đang được nhiều bảo tàng, di tích áp dụng thành công. (Ảnh: PV)
Đa dạng cách “kể chuyện”
Những ngày qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang trở thành một địa điểm được đông đảo du khách quan tâm. Tính đến cuối ngày 10/11, khoảng 40 nghìn lượt khách đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây là con số “khủng” từ khi Bảo tàng mở cửa đón, phục vụ người dân tham quan. Con số này chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ bảo tàng nào tại Việt Nam.
Không chỉ có Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, rất nhiều di tích, bảo tàng tại Việt Nam đang thu hút lượng lớn người trẻ đến tham quan. Như Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những địa điểm di tích thu hút đông đảo giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Đại diện Ban Quản lý di tích này cho biết, mức độ quan tâm của người Việt tăng đáng kể, từ chỗ chiếm 5 - 7% lượng khách mỗi năm, nay chiếm hơn 50%. Khách thuộc nhiều độ tuổi, nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên và gia đình. Cuối tuần và các dịp lễ, Tết đông nhất.
Trong năm 2023, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón trên 773 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 21 tỷ đồng. Theo thông tin do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, di tích đã đạt doanh thu gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ vài năm trở lại đây, sức sống các di tích, bảo tàng ở Việt Nam đang ngày càng “hồi sinh” mạnh mẽ. Hàng loạt các bảo tàng, di tích đã có những cách tiếp cận mới, mềm mại, uyển chuyển, phù hợp với mọi người. Lấy ví dụ, hàng loạt các hoạt động hấp dẫn thường xuyên được các bảo tàng, khu di tích tổ chức. Như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long đã mở tour đêm cho du khách trải nghiệm. Trong tour đêm, người tham quan được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc ta bằng những câu đố, lời bài hát, hình ảnh minh họa…
Các địa danh, di tích, bảo tàng ở Việt Nam cũng được đưa vào trong văn hóa ẩm thực. Như các cây kem có hình di sản ở Hà Nội, hay tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách trẻ đến tham quan rất háo hức khi được thưởng thức những cốc trà sữa được chế biến, lấy cảm hứng từ lá bàng trong Nhà tù Hỏa Lò - "vị thuốc" cứu các chiến sĩ cách mạng khi bị bệnh trong nhà tù.
Không chỉ hút khách nhờ hoạt động, món ăn hấp dẫn, các di tích, bảo tàng còn “kéo” giới trẻ về lại với cội nguồn bằng trang phục. Như khi đến di tích Hoàng Thành Thăng Long, Di tích Cố đô Huế, du khách có thể thuê các bộ áo tấc, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo nhật bình... để chụp ảnh “check-in”.
Tạo không gian “sống” bằng công nghệ
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, hiện nay, người trẻ bắt đầu tìm đến các địa điểm lịch sử, di tích không phải để “sống ảo” mà thực tâm tìm về cội nguồn, mong được hiểu biết, nhất là khi được tiếp cận kiến thức lịch sử một cách mềm mại, dễ hiểu.
Hiện nay, Việt Nam có hàng chục nghìn di tích lịch sử, hàng trăm bảo tàng cả tư nhân và công lập. Trong đó lưu giữ hàng ngàn hiện vật, tư liệu lịch sử quý giá, hấp dẫn của ông cha ta từ xưa đến nay. Với vốn tư liệu phong phú như vậy, không khó để các bảo tàng, di tích thu hút khách tham quan, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy, hiện nay, việc áp dụng công nghệ hiện đại, cách bài trí nghệ thuật đã và đang được nhiều bảo tàng, di tích áp dụng thành công, như: các công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour; Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (gọi tắt là VAES), 3D mapping đang được rất nhiều bảo tàng ứng dụng tạo ra các hiệu ứng đẹp mắt thu hút du khách. Ví dụ như Bảo tàng Nghệ An đã được lắp đặt 2 máy chiếu công nghệ 3D Mapping sử dụng ánh sáng, âm thanh để trình chiếu hình ảnh người Việt cổ huyền bí đang sinh hoạt trong hang, cảnh lao động, săn bắt… mang đến hiệu ứng rất ấn tượng, hút mắt người xem.
Ngoài ra, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của các khu di tích, bảo tàng lịch sử. Ngoài các hình thức truyền thống, một số khu di tích, bảo tàng lịch sử đã mở rộng truyền thông tại các kênh mạng xã hội như YouTube, Instagram, Facebook,...
Để tiếp tục giữ chân du khách, hiện nay, các bảo tàng, di tích lịch sử đã liên tục “làm mới” những câu chuyện bằng các buổi trưng bày chuyên đề. Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục tại di tích như: Hội chữ Xuân chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”; triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh của di sản Hà Nội giai đoạn 1898 - 1954”;… phát động các hoạt động của không gian sáng tạo tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hương Ngọc
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/khi-bao-tang-di-tich-thoi-hon-vao-lich-su-post533174.html