Không hiểu cá nhân, tổ chức nào đã dùng chiêu trò đặt hàng thanh toán tại nơi nhận (COD) giao đến hẻm số 20, đường Bến Nôm, phường Rạch Dừa, TP Hồ Chí Minh và làm cho nhiều người giao hàng khóc dở mếu dở khi không thể liên lạc hoặc tìm ra người nhận hàng. Dân cư ở hẻm này thậm chí còn phải treo biển cảnh báo đại ý ở hẻm không có ai đặt hàng cả. Công an phường Rạch Dừa đã bắt đầu tiến hành thu thập thông tin phục vụ điều tra hành vi phá hoại kể trên.
Các “đơn hàng ma” khiến cho nguyên một con hẻm bị đặt biệt danh là “hẻm bom hàng”.
Từ câu chuyện kỳ dị này, chúng ta có thể mở rộng ra để nhận thấy một xu hướng tấn công mạng phổ biến hiện nay với vũ khí là “bom hàng”. Đây là một cách tấn công thường xuyên diễn ra, đặc biệt là trong cách tranh cãi liên quan đến thần tượng. Cách đây chưa lâu, khi một nhà báo lên tiếng phê phán hành vi lệch chuẩn của một người nổi tiếng trên truyền thông, lập tức nhà báo ấy đã phải nhận hàng ngàn tin nhắn khiêu khích, bình luận mạt sát từ cộng đồng fans cuồng.
Nhưng, nguy hiểm hơn là các đơn hàng. Chỉ trong một ngày, nhà báo đó nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của những người giao hàng thông báo hàng đặt đã được vận chuyển tới tận nhà. Các món hàng ấy biến thiên từ đồ dùng gia đình cho tới thực phẩm, đồ ăn. Tất nhiên, nhà báo vẫn có quyền từ chối nhận những món hàng mà mình không hề đặt nhưng hậu quả của nó để lại quá lớn. Nhà cung cấp sẽ phải chịu thiệt; người giao hàng cũng phải chịu thiệt. Đặc biệt, những món hàng như thức ăn nhanh xem như đã không còn giá trị sử dụng được nữa.
Vũ khí “bom hàng” này để lại hậu quả lớn đối với lực lượng giao hàng nếu như mặt hàng là thức ăn nhanh. Thường thì khi nhận được đơn hàng thức ăn nhanh qua ứng dụng, người giao hàng sẽ phải ứng tiền trả trước. Hàng bị “bom”, họ không thể hồi lại cho cửa hàng giống như các mặt hàng khác. Truy tìm người đặt hàng thực tế thì quá khó khi tài khoản dùng để đặt hàng lại được thiết lập từ sim rác với mục đích sử dụng chỉ để quấy rối người khác.
Nhưng, chủ yếu các “đơn hàng ma” để quấy rối này thường được đặt trực tiếp qua đường dây nóng hoặc qua Facebook của các cửa hàng. Chính những “đơn hàng ma” đặt qua hình thức này mới đáng ngại nhất bởi danh tính thủ phạm rất khó kiếm. Cũng theo cách thức này, đã có một số trường hợp cạnh tranh không lành mạnh sử dụng vũ khí “bom hàng” để khiến đối thủ cạnh tranh của mình thiệt hại.
Có một điểm đáng lưu ý là khá nhiều nền tảng thương mại điện tử hiện nay vẫn chưa yêu cầu xác minh danh tính người đặt hàng nên đã tạo ra kẽ hở để “bom hàng” trở thành vũ khí tấn công mạng. Thắt chặt hơn việc xác minh danh tính chắc chắn sẽ khiến tình trạng này bị hạn chế rất nhiều, song đó chỉ là giải pháp phòng ngừa ban đầu mà thôi.
Điều đáng nói nhất chính là thái độ của những người có ảnh hưởng tới cộng đồng fans cuồng. Họ thực sự biết fans của mình sẽ tấn công những người đang tranh cãi với mình nhưng không bao giờ họ lên tiếng yêu cầu fans cư xử đúng mực. Họ quên mất rằng, cộng đồng fans cũng chính là một đại diện hình ảnh của chính mình. Chính cách họ tảng lờ như thế lại càng khiến fans nghĩ rằng mình đang “lập công” cho thần tượng mà không hề có ý thức về hậu quả để lại cũng như trách nhiệm nặng nề mà họ sẽ phải đối diện trước pháp luật khi mọi việc bị phanh phui.
Văn Đoàn