Tính đến ngày 3/5, "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" đã đạt trên 3 tỷ lượt xem từ các kênh YouTube, TikTok, Facebook… Không chỉ các bạn trẻ mà ngay cả người lớn, các em thiếu nhi, người già… cũng sử dụng bài hát làm nhạc nền để tạo nên các clip ngắn hướng tới ngày thống nhất đất nước, thể hiện tinh thần dân tộc.
Dịp lễ kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 vừa qua, lượt view của ca khúc tăng chóng mặt nhờ màn trình diễn xuất sắc của ca sĩ Đông Hùng và Võ Hạ Trâm trong chương trình nghệ thuật mở màn lễ kỷ niệm tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài gây sốt trên nền tảng số, lời ca sâu lắng, dung dị mà hào sảng của ca khúc còn vang lên ở loạt sân khấu lớn nhỏ, hội thi ở các trường học, công sở, đơn vị quân đội, Công an… khắp cả nước.
Ca sĩ Đông Hùng và Võ Hạ Trâm biểu diễn "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" ở Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết mình sáng tác "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" không nhằm để tạo hit (tức ca khúc ăn khách) hay hướng đến dịp kỷ niệm ngày thống nhất bởi ca khúc ra đời cuối năm 2023 vì lời ngỏ của ca sĩ Duyên Quỳnh. Có cha là cựu chiến binh, Duyên Quỳnh muốn thực hiện một album tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu và tuổi xuân để đổi lấy độc lập tự do cho dân tộc nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2023). Nhưng điểm lại album, thấy thiếu vắng bài hát mang tính tổng kết, xuyên suốt chủ đề nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung quyết định sáng tác thêm "Viết tiếp câu chuyện hòa bình".
Ngoài câu chuyện về người cha của Duyên Quỳnh thì kỷ niệm những chuyến dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ, những lần đứng trước nấm mồ vô danh trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ viết nên nốt nhạc đầy rung động: "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình/ Giữa khói binh ai cũng nguyện lòng hy sinh/ Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng quên đi cả bản thân mình/ Cuộn chảy trong lòng một dòng máu nóng, dòng máu Lạc Hồng…".
Anh sao quên được những buổi chào cờ thuở cắp sách đến trường. Trong tiếng "Quốc ca" hào hùng, cậu trò nhỏ thấy niềm tự hào trào dâng trên màu cờ phấp phới nắng sớm. Niềm tự hào và tin yêu vào ngày mai tươi sáng ấy được anh gửi gắm vào câu hát cuối cùng: "Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới".
Duyên Quỳnh là ca sĩ đầu tiên thể hiện "Viết tiếp câu chuyện hòa bình". Đáng tiếc khi ra mắt, album nói chung và ca khúc này nói riêng khá trầm lắng vì bản phối gốc có phần trang nghiêm. Điều an ủi nhất với anh là bài hát đoạt Giải A - Giải thưởng Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh 2023 và Giải C - Âm nhạc - Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2023 do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lúc ấy tâm niệm rằng mình đã cố hết sức, còn sự lan tỏa tùy thuộc vào duyên.
Và cái duyên đó đã đến khi đầu năm nay, một đoạn nhạc trong "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" được nhà sản xuất Đức Tư phối lại theo phong cách trẻ trung, sôi động. Bản remix ngắn 45 giây nhanh chóng được giới trẻ chú ý và sử dụng trong các clip ngắn đăng trên mạng xã hội. Nhận thấy remix là hướng đưa ca khúc lan tỏa rộng rãi, nhạc sĩ và Duyên Quỳnh liền liên hệ Đức Tư để làm nên bản remix hoàn chỉnh cho toàn bộ ca khúc. Nhờ thức thời, tác phẩm đã có một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Sự lan tỏa đáng kinh ngạc của "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" khiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vô cùng xúc động và vinh dự: "Bài hát của tôi lần đầu tiên được cả hàng triệu khán giả cùng nghe và hòa giọng ở các tuyến phố sáng 30/4, còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn nữa".
Ca khúc trở thành bước ngoặt đáng nhớ thứ hai trong sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa, đa năng này. Thuở mới vào nghề, cái tên Nguyễn Văn Chung ghi dấu ấn với loạt tình khúc da diết, lãng mạn như "Vầng trăng khóc", "Con đường mưa", "Chiếc khăn gió ấm", "Đêm trăng tình yêu", "Tình yêu mang theo", "Mùa đông không lạnh", "Ngôi nhà hoa hồng"… Anh được mệnh danh là "cỗ máy tạo hit" bởi cứ bài nào ra mắt là bài đó khiến khán giả trẻ nghe đi nghe lại không chán.
Bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp của anh là lúc "Nhật ký của mẹ" ra đời năm 2012. Hành trình từ khi con còn trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành trở nên xúc động, đong đầy yêu thương nhờ giọng ca ngọt ngào, âu yếm của ca sĩ Hiền Thục. Thành công vang dội của "Nhật ký của mẹ" tiếp thêm động lực cho nhạc sĩ mạnh dạn bước sang chủ đề gia đình và thiếu nhi. Hơn 300 bài hát thiếu nhi ra đời vẽ nên thế giới đầy đáng yêu, hồn nhiên của các em nhỏ. Và rất nhiều trong số đó trở thành hit như "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to", "Mẹ ơi có biết", "12 con giáp", "Ngôi nhà bánh kẹo"…
Bắt đầu từ năm 2022, Nguyễn Văn Chung chuyển sang sáng tác đề tài xã hội, quê hương đất nước. Và "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" trở thành mốc son thứ hai trong hành trình sáng tác bền bỉ và nhân văn của anh. Với anh, mốc son này là bước chuyển mình quan trọng nhất vì nó thể hiện sứ mệnh cao cả của người nhạc sĩ: truyền cảm hứng sống đẹp và khát khao cống hiến cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Anh chia sẻ: "Niềm hạnh phúc mà ca khúc này mang lại lớn hơn những bài hát bình thường rất nhiều. Các bài hit khác của tôi chủ yếu lan tỏa trong cộng đồng giới trẻ, hoặc những người làm mẹ, làm con. Còn ca khúc này được khán giả ở rất nhiều độ tuổi, từ cô chú, các bác tới anh chị hoặc những em học sinh đều yêu thích. Bài hát cũng không bị giới hạn ở bất cứ ngành nghề, vị trí xã hội nào".
Thành công của "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" không chỉ nằm ở giai điệu dễ nhớ hay lời ca giàu hình ảnh, mà còn ở thông điệp truyền tải: hòa bình không phải là một chương khép lại trong sách sử, mà là một dòng chảy tiếp nối bằng sự tri ân, bằng hành động, bằng sự tử tế mỗi ngày.
Những ngày qua, Nguyễn Văn Chung liên tục nhận được lời cảm ơn, lời động viên của khán giả: "Phải yêu nước lắm nhạc sĩ mới suy nghĩ ra những ca từ như một huyết mạch kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi người dân Việt Nam dù ở nơi đâu trên thế giới này càng thêm yêu Tổ quốc mình, thầm cảm ơn Bác, thế hệ cha anh đã hy sinh đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Chúng ta phải phấn đấu hơn nữa vì một Việt Nam ngày càng thịnh vượng và phát triển" - một khán giả nhắn gửi.
Ca sĩ Duyên Quỳnh mang "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" giao lưu với cán bộ, chiến sĩ CAND.
Nhiều khán giả đánh giá cao tài năng của Nguyễn Văn Chung bởi ở địa hạt nào anh cũng tạo được bài hát ăn khách. Tuy nhiên, điều khiến anh được khán giả nể trọng không phải chỉ là độ "hit" của bài hát, mà là lựa chọn sống và viết âm nhạc tử tế, bền bỉ. Với anh, viết nhạc là một cách sống, là một hành động nhân văn, là trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.
Thuở mới theo đuổi đề tài xã hội, nhạc sĩ thú thật anh gặp rất nhiều khó khăn. So với đề tài tình yêu, đề tài xã hội hay quê hương, đất nước là đề tài khó khai thác trong âm nhạc, đặc biệt là chủ đề hòa bình. Chủ đề này đòi hỏi người sáng tác phải đủ tâm và tầm, có óc quan sát, đủ trải nghiệm sống để viết nên những bài hát giàu tính nghệ thuật, sâu sắc mà dễ nghe, gần gũi với đại chúng. Nếu không nội dung sẽ bị nặng nề, giáo điều.
Bên cạnh đó, sau một thời gian "ở ẩn" với mảng ca khúc thiếu nhi, trở lại với thị trường âm nhạc đại chúng, nhạc sĩ thấy mình bơ vơ khi mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Bảng xếp hạng âm nhạc hay những cuộc đua top trending (top thịnh hành) trên mạng xã hội giờ chủ yếu dành cho tình khúc sôi động, bắt tai. Chủ động kết hợp với Đức Tư cho thấy Nguyễn Văn Chung không bảo thủ mà sẵn sàng thay đổi, hòa mình theo dòng chảy âm nhạc đương đại để phát hành ca khúc.
"Nếu không có bản remix đó, có lẽ "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" chỉ lặng lẽ nằm trong album, chứ không thể bùng nổ đến mức này. Điều đó chứng tỏ rằng nếu có cách tiếp cận đúng hướng thì những bài hát về đề tài quê hương đất nước sẽ dễ dàng tiếp cận với các bạn trẻ hơn" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định.
Mai Quỳnh Nga