Ngày 16/4/2013, “các bà cô Trung Quốc” đổ xô đi mua vàng
Cuối tháng 4, khi kỳ nghỉ lễ mùng 1 tháng 5 của Trung Quốc đang đến gần, một lượng lớn các “bà cô” lại một lần nữa mang theo những số tiền khủng đến “oanh tạc” Hong Kong, các tiệm vàng ở Hong Kong lại một lần nữa hốt bạc mỏi tay. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Hong Kong, từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5, doanh số bán vàng của 1.200 cửa hàng trang sức ở Hồng Kông đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, tổng cộng 40 tấn vàng đã được bán hết chỉ trong 4 ngày!
Sau sự kiện này, danh tiếng của các “bà cô Trung Quốc” nổi lên như cồn, họ đã càn quét toàn bộ thị trường vàng vật chất ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong giữa cơn khủng hoảng khi giá vàng kỳ hạn quốc tế lao dốc và niềm tin trên thị trường vàng sụp đổ, gây chấn động thị trường tài chính quốc tế và làm rung chuyển cả các đại gia ở Phố Wall.
Vàng luôn đặc biệt hấp dẫn với phụ nữ. Ảnh: Live the World.
Ngày 10 tháng 4, Goldman Sachs từng công bố một báo cáo nhận định giá vàng sẽ tiếp tục giảm mạnh và đề xuất rằng các khách hàng nên bán khống vàng. Chỉ 13 ngày sau, trước làn sóng đổ xô thu mua vàng vật chất trên thế giới, Goldman Sachs đã phải thay đổi quan điểm và tuyên bố rằng mặc dù giá vàng sẽ tiếp tục lao dốc nhưng khách hàng không nên tiếp tục bán khống vàng nữa.
Cơn sốt thu mua vàng không chỉ bùng phát ở Trung Quốc. Trên thực tế, sự nhiệt tình đầu tư vào vàng bạc vật chất cũng đang lan rộng trên khắp thế giới chẳng khác gì một ngọn lửa lan trên đồng cỏ.
Ngay sau sự sụp đổ của giá vàng kỳ hạn tại New York, các nhà đầu tư vàng bạc vật chất tại Mỹ cũng đã bắt đầu đổ xô thu mua với quy mô lớn.
Vào ngày 16 tháng 4, Amark và CNT, những hãng buôn kim loại quý lớn nhất tại Mỹ, đồng thời cũng là đơn vị cung ứng nguyên vật liệu để sản xuất tiền vàng và bạc được Bộ Tài chính Mỹ chỉ định, thông báo rằng lượng bạc tồn kho của họ đã cạn kiệt. Bị ảnh hưởng bởi điều này, SD Bullion, một trang web đặt hàng kim loại quý quan trọng tại Mỹ, đã đăng thông báo “HẾT HÀNG!” trên trang chủ vào ngày hôm đó, đồng thời ghi rõ rằng: “Do quy mô bán hàng hiện đang ở mức chưa từng có, việc giao hàng sẽ bị trì hoãn 20 ngày.”
Bill Hayne, người có 41 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành kim loại quý, bất giác cảm thán: “Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng khan hiếm vàng và bạc quy mô lớn như vậy. Rất nhiều nhà bán buôn kim loại quý ở Mỹ đã hết hàng, và việc giao hàng đã bị trì hoãn từ bốn đến sáu tuần. Tỷ lệ giữa người mua và người bán vàng bạc vật chất đã đạt tới ngưỡng đáng kinh ngạc là 50:1, khiến cho chi phí mua của tất cả các loại kim loại quý đều tăng vọt.”
Vào ngày 17 tháng 4, một báo cáo được công bố bởi đơn vị cung cấp tiền vàng và bạc lớn nhất thế giới - Cục Đúc tiền Kim loại trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ - chỉ ra rằng người Mỹ đã mua với số lượng kỷ lục 63.500 ounce tiền vàng vào ngày hôm đó, tương đương với hai tấn vàng! Trong khi đó vào dịp lễ mùng 1 tháng 5, các “bà cô Trung Quốc” đã càn quét thị trường Hồng Kông với quy mô 10 tấn mỗi ngày!
Ngày 24 tháng 4, đúng thời điểm Hong Kong bán hết vàng, Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ thông báo rằng loại tiền vàng 1/10 ounce cũng đã được bán hết, nguồn cung bị gián đoạn suốt hơn một tháng. Loại tiền vàng 1/10 ounce là sản phẩm đầu tư bằng tiền vàng phổ biến nhất đối với các hộ gia đình bình thường ở Mỹ, được phát hành từ năm 2013. Doanh số bán hàng của mặt hàng này đã tăng vọt 118% so với cùng kỳ năm trước. Trong suốt tháng 4, Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ đã bán gần 210.000 ounce (6,8 tấn) vàng với giá 311 triệu đô- la, mức cao nhất từng được ghi nhận bởi Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ.
Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 142,5 tấn vàng trong tháng 4, tăng 66% so với mức trung bình của ba tháng trước; tại Úc, Cục Đúc tiền Perth đã bán 112.000 ounce vàng (3,6 tấn) trong tháng 4, tăng 534,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tại các cửa hàng vàng ở khu thương mại Ginza của Tokyo, người Nhật phải xếp thành từng hàng dài kiên nhẫn chờ đợi suốt ba tiếng đồng hồ để mua vàng.
Từ Istanbul đến Abu Dhabi, từ Mumbai đến Dubai, từ Bắc Mỹ đến châu Âu, từ Úc đến Thụy Sĩ, từ Singapore đến Hồng Kông, từ Bắc Kinh đến Tokyo, các nhà đầu tư vàng vật chất trên khắp thế giới đã ồ ạt thu mua vàng vật chất trong suốt hai tuần khi niềm tin vào vàng tương lai sụp đổ.
Vậy là thị trường vàng đã xuất hiện kỳ quan “băng hỏa lưỡng trọng thiên”! Thị trường vàng kỳ hạn rơi vào trạng thái băng giá đến mức “tuyệt chủng”, trong khi đó thị trường vàng vật chất lại rơi vào trạng thái bùng nổ đến mức “bỏng tay”.
Ai nấy bất giác tự hỏi, liệu mọi người có đang nói về cùng một điều hay không? Vì sao vàng vật chất được săn lùng trên toàn thế giới, trong khi vàng tương lai lại rớt giá thê thảm? Rốt cuộc thị trường nào có tiếng nói cuối cùng đối với giá vàng?
Để hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta cần xem lại lịch sử phát triển của thị trường vàng thế giới.
Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động