Các biểu tượng được sử dụng nhiều nhất năm 2021 biểu thị cảm xúc tích cực. Ảnh tư liệu: Getty Images
Liệu một hành động tưởng chừng vô thưởng vô phạt như gửi emoji có thể vô tình dẫn tới việc hình thành một hợp đồng có giá trị pháp lý hay không và luật pháp hiện hành nhìn nhận điều này như thế nào? Hay ai đó có thể kiện chúng ta ra tòa chỉ vì đã gửi biểu tượng "like" (biểu tượng ngón tay cái giơ lên) trong lúc trao đổi về một thỏa thuận nào đó?
Vô tình xác nhận "tôi đồng ý"?
Thực tế, emoji có thể mang ý nghĩa pháp lý lớn hơn những gì nhiều người vẫn nghĩ. Một cuộc tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Pháp lý Australasian - tổ chức phi lợi nhuận hợp tác giữa Khoa Luật của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học New South Wales (UNSW) - cho thấy emoji từng được dùng làm bằng chứng trong ít nhất 240 vụ việc trong vài năm qua.
Hợp đồng không nhất thiết phải được in trên giấy và ký kết tại văn phòng luật sư. Tại Australia, một hợp đồng được xem là có giá trị pháp lý nếu đáp ứng đủ các yếu tố: có ý định tạo lập quan hệ pháp lý; có đề nghị rõ ràng, dứt khoát; các điều khoản chắc chắn, đầy đủ; có "đối ứng" - tức là một giá trị trao đổi; sự chấp nhận rõ ràng; và không tồn tại yếu tố vô hiệu như lừa đảo hoặc ép buộc.
Án lệ tại Australia ủng hộ quan điểm rằng hợp đồng có thể hình thành từ cả lời nói và văn bản, miễn là các điều khoản không mâu thuẫn với nhau. Cựu Chánh án Tòa án Tối cao Australia Robert French AC từng phát biểu vào tháng 12/2017 rằng, về nguyên tắc, không có lý do gì để phủ nhận tính hiệu lực của các hợp đồng bằng hình ảnh được giải thích bằng lời nói hoặc bổ sung bằng văn bản hay ngữ cảnh.
Trong các vụ kiện hợp đồng, tòa án thường áp dụng "thử nghiệm khách quan" để xác định liệu các bên có thực sự đồng thuận hình thành một hợp đồng có giá trị pháp lý hay không.
Theo luật Australia, các bên phải thông báo rõ ràng rằng họ chấp nhận các điều khoản của hợp đồng. Các thỏa thuận mang tính xã hội hoặc gia đình thường không được xem là có ý định pháp lý, trừ khi có bằng chứng ngược lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay - khi tin nhắn, email và emoji được sử dụng phổ biến - ranh giới giữa giao tiếp xã hội và thỏa thuận ràng buộc pháp lý ngày càng mờ nhạt.
Tại Australia, các hợp đồng thương mại và kinh doanh mặc định thừa nhận rằng các bên có ý định tạo lập quan hệ ràng buộc pháp lý, tức là họ muốn thỏa thuận của mình có giá trị như một hợp đồng và có thể được thi hành trước pháp luật. Dù vậy, ngay cả trong những trường hợp này, việc sử dụng emoji cũng có thể được xem là một hành động chấp thuận - tùy thuộc vào bối cảnh và tiền lệ giữa các bên.
Việc xác định ý chí chấp thuận qua emoji không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì nhiều biểu tượng cảm xúc có tính mơ hồ. Biểu tượng “ngón tay cái giơ lên” trong một trường hợp có thể chỉ là lời xác nhận “tôi có tài liệu đó”, nhưng trong trường hợp khác, nó có thể mang nghĩa “tôi đồng ý với điều đó”. Ngữ cảnh sử dụng trở thành yếu tố quyết định. Biểu tượng "khuôn mặt cười" cũng có thể gây hiểu nhầm, trong khi biểu tượng “cái bắt tay” (handshake) được cho là mang hàm ý ít mơ hồ nhất về sự đồng thuận.
Bài học từ các nước khác
Một số vụ việc quốc tế cho thấy emoji đã được tòa án xem như là biểu hiện của sự đồng ý trong hợp đồng, đôi khi dẫn đến hậu quả pháp lý mà người gửi không lường trước. Một emoji có thể tạo ra "niềm tin hợp lý" ở người nhận rằng thỏa thuận đã được chấp nhận - điều này vượt xa một "kỳ vọng suông" đơn thuần và có thể khiến người gửi phải chịu trách nhiệm pháp lý theo những gì đã được ngầm hiểu thông qua emoji, hoặc phải bồi thường thiệt hại cho bên kia nếu họ bị tổn thất do tin tưởng vào sự chấp nhận đó.
Một vụ việc tại Canada năm 2023 liên quan đến việc một emoji "ngón tay cái giơ lên" được gửi để phản hồi đề nghị mua hạt lanh. Tòa án phán quyết rằng emoji đó thể hiện sự đồng thuận rõ ràng, tương đương với chữ ký viết tay, đặc biệt vì cả hai bên đã nhiều lần sử dụng emoji này trong mối quan hệ kinh doanh trước đó. Do việc sử dụng lặp đi lặp lại này, một người quan sát độc lập có thể kết luận rằng đã có sự chấp thuận, và do đó, một thỏa thuận ràng buộc đã được hình thành.
Một vụ việc khác tại Vương quốc Anh liên quan đến thỏa thuận thuê tàu chở dầu thô "Aquafreedom" kéo dài 4 năm giữa công ty Southeaster (chủ tàu) và Trafigura (một công ty logistics). Trafigura tuyên bố một thỏa thuận ràng buộc thuê tàu đã được đạt được sau một thời gian đưa ra các đề nghị và phản đề nghị. Tuy nhiên, Southeaster không đồng ý, dẫn đến tranh chấp pháp lý. Công ty logistics tuyên bố đã thiệt hại khoảng 15 triệu USD do mất cơ hội kinh doanh.
Bằng chứng trong vụ việc chủ yếu là các trao đổi qua email, điện thoại và tin nhắn WhatsApp - bao gồm cả emoji. Mặc dù tòa án cuối cùng phán quyết rằng không có hợp đồng thuê tàu nào được hình thành, nhưng họ cũng lưu ý rằng các trao đổi không chính thức - bao gồm cả tin nhắn WhatsApp chứa emoji - không nên bị đánh giá thấp so với các trao đổi qua email trong việc đánh giá ý định pháp lý của các bên.
Lê Đạt (PV TTXVN tại Sydney)