Khi các Big Oil lao vào lĩnh vực sản xuất điện

Khi các Big Oil lao vào lĩnh vực sản xuất điện
3 giờ trướcBài gốc
Exxon Mobil vận hành các nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở Texas, Louisiana và Illinois để cung cấp điện cho hoạt động của chính công ty. Ảnh New York Times
Cả Chevron và Exxon gần đây đều cho biết họ dự định bước vào lĩnh vực sản xuất điện – một lĩnh vực đầy hứa hẹn và khá lợi nhuận. Tại một sự kiện của Reuters ở New York, Giám đốc bộ phận Năng lượng Mới của Chevron cho biết, công ty đã tiến hành đàm phán về việc cung cấp khí đốt cho các nhà máy phát điện trong suốt một năm qua. Nhưng đây không phải các nhà máy phát điện thông thường, mà là các nhà máy cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu.
“Điều này phù hợp với nhiều năng lực cốt lõi của chúng tôi – xây dựng, vận hành cơ sở khí đốt, và khả năng cung cấp cho khách hàng con đường giảm phát thải carbon thông qua công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), địa nhiệt và một số công nghệ khác”, ông Jeff Gustavson cho biết.
Trong khi đó, Exxon trong tuần này tuyên bố kế hoạch đầu tư từ 28 đến 33 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2030 nhằm tăng sản lượng dầu khí thêm 18%, bất chấp việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu về dầu khí sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Exxon cũng sẽ tìm kiếm các thỏa thuận với các nhà vận hành trung tâm dữ liệu để cung cấp cho họ nguồn năng lượng "carbon thấp" như cách họ mô tả.
Công nghệ thu giữ carbon là một phần nổi bật trong kế hoạch của hai tập đoàn này. Các công ty công nghệ lớn đang ưa chuộng năng lượng carbon thấp, nhưng gần đây họ thừa nhận rằng năng lượng từ các tấm pin mặt trời và tuabin gió không thể đảm bảo nguồn cung điện ổn định cần thiết cho các trung tâm dữ liệu của họ. Do đó, ngành công nghiệp dầu khí đã tiến lên để cung cấp loại năng lượng mà các công ty công nghệ lớn cần: Nguồn điện ổn định, liên tục, kèm theo các công nghệ giảm thiểu phát thải.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chú trọng đến yếu tố ổn định của nguồn cung. Google đã ký hợp đồng với một công ty có tên Intersect Power để xây dựng các trung tâm dữ liệu tại những địa điểm có các cơ sở lắp đặt pin mặt trời kết hợp với lưu trữ bằng pin. Giá trị hợp đồng lên tới 20 tỷ USD. Theo Intersect, dự án đầu tiên trong hợp đồng này sẽ đi vào hoạt động trong hai năm tới.
Trong khi Google chi 20 tỷ USD để lắp đặt hàng triệu tấm pin mặt trời và pin lưu trữ nhằm cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, ở bên kia Đại Tây Dương, các tập đoàn dầu khí lớn đang rút dần khỏi năng lượng gió và mặt trời, cũng như lĩnh vực điện nói chung.
Tham vọng trở thành công ty điện lớn nhất thế giới của Shell, từng được tuyên bố vài năm trước, giờ chỉ còn là ký ức cay đắng. Kế hoạch tái định vị thương hiệu của BP, chuyển từ "Beyond Petroleum" (Vượt ra khỏi dầu mỏ) sang các lĩnh vực năng lượng khác, nay cũng quay lại với dầu khí, thậm chí không giấu diếm điều đó. Các tập đoàn dầu khí lớn của châu Âu đang từ bỏ những gì mà họ coi là ngày càng giống như một thử nghiệm thất bại.
Tờ Financial Times mới đây cho biết BP và Shell đã chi tổng cộng 18 tỷ USD trong 5 năm qua để theo đuổi mục tiêu năng lượng điện carbon thấp. Tuy nhiên, mục tiêu này không mang lại lợi ích đáng kể nào, khiến cả hai công ty phải dần từ bỏ mảng năng lượng điện carbon thấp.
Gần đây, BP và Shell đều tuyên bố sẽ giảm bớt sự hiện diện trong lĩnh vực điện gió. Năm ngoái, Shell đã bán mảng phân phối điện bán lẻ tại châu Âu, còn BP bán hoạt động điện gió trên bờ tại Mỹ. Dù hai công ty vẫn hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời và sạc xe điện, nhưng điện gió đã cho thấy quá rủi ro và không đủ lợi nhuận, như chính các nhà vận hành điện gió lớn nhất cũng nhận ra trong vài năm qua. Trong lịch sử ngành công nghiệp, giai đoạn này có thể được ghi lại dưới tiêu đề "Những sai lầm đã xảy ra".
“Họ đã sai lầm khi nghĩ rằng sẽ không gặp phải lạm phát chi phí trong chuỗi cung ứng, không có tính chu kỳ, và Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ hoặc bảo lãnh họ. Cả ba điều đó đều đã quay lại phản tác dụng”, một nhà đầu tư ngân hàng giấu tên nói với Financial Times.
Thật đáng ngạc nhiên khi những công ty như BP và Shell lại đồng loạt đưa ra các giả định sai lầm như vậy, nhưng có lẽ điều này phản ánh sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh được Chính phủ trợ cấp. Sự hấp dẫn này dường như mạnh đến mức các tập đoàn lớn quên mất các rủi ro – và tất nhiên, còn có áp lực từ các nhà hoạt động môi trường.
Hiện tượng đầu tư theo hoạt động (activist investing) đã tồn tại hàng thế kỷ, nhưng đầu tư theo hoạt động môi trường là một hình thức mới. Được biết đến với tên gọi đầu tư ESG, phong trào này đóng vai trò trung tâm trong các kế hoạch chuyển đổi của ngành dầu khí, và sự đặt cược vào năng lượng điện carbon thấp như một lựa chọn thay thế cho hoạt động cốt lõi là khai thác dầu khí.
Tất cả đều nghĩ rằng việc chuyển đổi này sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng thực tế không phải vậy. Vì thế, BP và Shell đang làm điều hợp lý: Quay lại với lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao – điều mà các tập đoàn dầu khí Mỹ đã biết và tiếp tục khai thác triệt để.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/khi-cac-big-oil-lao-vao-linh-vuc-san-xuat-dien-722019.html