Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia lớn leo thang, Big Tech rơi vào thế khó chưa từng có. Các CEO từng kỳ vọng ông Trump sẽ “giúp” họ kiềm chế sự kiểm soát của châu Âu và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong nước. Tuy nhiên, ngành công nghệ giờ đây đang trở thành "con cờ mặc cả" trong những đòn đáp trả chính trị, thuế quan và cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.
Cú sốc từ Brussels đến Washington
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây cảnh báo sẽ đánh thuế doanh thu quảng cáo từ các nền tảng số nếu đàm phán thương mại với Mỹ thất bại. Mức thuế này nhắm trực tiếp vào các đại gia công nghệ Mỹ như Meta, vốn đã bị EU “sờ gáy” vì vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số.
Sự kiện này giáng một đòn mạnh vào kỳ vọng của Mark Zuckerberg, người từng trông đợi rằng chính quyền Trump sẽ cứng rắn với EU nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Mỹ. Thay vì giúp đỡ, chính quyền cũ lại khiến căng thẳng leo thang, đẩy các nền tảng công nghệ vào cuộc chiến pháp lý và tài chính kéo dài.
Khi các công ty công nghệ không còn “được ưu ái” dưới thời Trump. Ảnh: gript
Tesla mất phong độ, Elon Musk “mất điểm”
Elon Musk, người từng có sức ảnh hưởng cực lớn trong giới công nghệ Mỹ, cũng đang đối mặt với thực tế phũ phàng. Việc công khai ủng hộ Trump khiến danh tiếng của Musk trong mắt công chúng sụt giảm đáng kể, theo nhà phân tích Nate Silver.
Cùng lúc, cổ phiếu Tesla đã mất hơn 1/3 giá trị kể từ đầu năm. Công ty cũng buộc phải hủy tùy chọn bán xe sản xuất tại Mỹ cho thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của các chính sách thuế quan.
TikTok: “Tâm bão” giữa Mỹ và Trung Quốc
Không công ty nào hứng chịu hậu quả từ các chính sách thương mại của Mỹ nhiều như TikTok. Ứng dụng video nổi tiếng này đang đứng trước nguy cơ bị cấm tại Mỹ, bất chấp mọi nỗ lực của công ty mẹ ByteDance nhằm duy trì hoạt động.
Phía Trung Quốc đã chính thức phản đối gay gắt, cáo buộc Mỹ phớt lờ luật pháp thị trường và gây tổn hại đến doanh nghiệp hợp pháp. Trong khi đó, một trong những bên muốn mua lại TikTok tại Mỹ, CEO AppLovin Adam Foroughi thừa nhận không thể tiến hành đàm phán gì thêm cho đến khi vấn đề thuế quan được giải quyết.
Khủng hoảng này thậm chí khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo.
Công nghệ giờ là “quân bài mặc cả”
Từ TikTok đến Tesla, từ Meta đến Apple, rõ ràng các tập đoàn công nghệ giờ không còn là những ông lớn đứng ngoài cuộc chơi chính trị. Họ đã trở thành công cụ chiến lược trong các cuộc mặc cả về kinh tế và quyền lực giữa các quốc gia.
Khi môi trường toàn cầu còn yên ổn, Big Tech có thể tận dụng vị thế để mở rộng ảnh hưởng. Nhưng khi quan hệ quốc tế trở nên căng thẳng, họ dễ dàng trở thành mục tiêu bị giám sát, và sử dụng để gây sức ép.
Tiểu Minh