Thực trạng người tham gia giao thông không thể rẽ phải dù được phép đang diễn ra phổ biến
Tôi không ít lần chứng kiến cảnh người đi xe máy rẽ phải chen lên vỉa hè, lách qua gương chiếu hậu của chiếc ô tô đang chắn đầu làn rẽ. Cảnh người đi ô tô phía sau bóp còi liên tục, bất lực trước một người đi thẳng "cố thủ" ở làn rẽ. Và trên hết là cảnh ánh mắt bất lực hoặc cam chịu của nhiều người đang bị “giữ chân” vì một người thiếu ý thức.
Đó là biểu hiện của một nếp nghĩ đã lệch, một thói quen đã trở thành tập thể. Đó là kiểu vi phạm mà người ta không coi là vi phạm. "Dừng nhầm làn thì có gì đâu, vài giây thôi mà". Nhưng chính những “vài giây thôi mà” đó, khi nhân lên hàng vạn lượt mỗi ngày, đã khiến đô thị nghẹt thở không chỉ vì khói bụi, mà vì cách ứng xử với nhau trên từng mét đường.
Thử nhìn kỹ hơn, đằng sau hành vi "dừng sai làn" là điều gì? Tôi cho rằng không phải là sự thiếu hiểu biết. Phần lớn người đi đường đều biết đó là làn rẽ phải. Biển báo có, vạch kẻ rõ, mũi tên đèn tín hiệu có. Nhưng họ vẫn cứ chen vào, vì “đường đông quá, miễn sao được đi trước là được”. Đó là biểu hiện của tâm lý vượt lên bằng mọi giá, bất chấp hệ quả, bất chấp người sau. Khi quyền lợi cá nhân lấn át nguyên tắc cộng đồng, thì dù đèn có xanh, giao thông vẫn kẹt.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ được tối ưu hóa để tiết kiệm thời gian, từ công nghệ, thanh toán, đến giao thông. Nhưng chỉ một hành vi thiếu kỷ luật, đứng sai làn lại làm mất rất nhiều thời gian của cộng đồng. Có khi nào người vi phạm nghĩ rằng, họ chỉ “nhầm làn vài chục giây”, nhưng đã khiến cả chục người sau mất thêm vài phút? Và nếu nhân lên cho cả thành phố, cho cả nước?
Đây không chỉ là chuyện về giao thông. Đây là bài học về cách mà xã hội ứng xử với luật lệ, khi sự dễ dãi lấn át, khi thói quen chen lấn được dung dưỡng, và khi sự im lặng của người thực thi luật tiếp tay cho hành vi sai.
Không thể chỉ trông chờ vào ý thức người dân, và cũng không thể trách hoàn toàn người dân. Không ít nút giao được thiết kế thiếu khoa học: Làn rẽ quá hẹp, vạch kẻ mờ, không có dải phân cách mềm tách làn. Thêm vào đó, tình trạng “đèn tín hiệu vô cảm” hoặc thiếu đồng bộ giữa các hướng khiến nhiều người sinh nghi hoặc mặc định "đèn thế chứ đi thế nào được mà rẽ". Một đô thị văn minh không thể sống bằng “tự giác” đơn độc. Cần có các giải pháp đồng bộ như, cần thiết kế lại hạ tầng giao thông; áp dụng công nghệ mạnh mẽ hơn; tăng cường giáo dục giao thông…
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII mới đây, bàn đến hạ tầng giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Phan Quý Phương chỉ rõ, hiện vẫn còn một số ngã tư chưa được đầu tư đèn tín hiệu, ảnh hưởng đến việc điều tiết giao thông. Đặc biệt, tại nhiều giao lộ có lắp đặt đèn cho phép rẽ phải, tình trạng thiếu thống nhất trong vận hành đang gây bất cập.
Cụ thể, theo ông Phương, có những nơi khi đèn tín hiệu chính chuyển sang màu vàng thì đèn xanh cho phép rẽ phải cũng tắt theo. Điều này khiến người tham gia giao thông dù được phép rẽ phải vẫn ngần ngại, không dám rẽ, dẫn đến ùn ứ cục bộ phía sau. Đến khi đèn đỏ, dù được phép rẽ phải nhưng các phương tiện vẫn không thể rẽ do bị các xe phía trước chắn lối.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Phan Quý Phương đề nghị cần có sự thống nhất trong cách vận hành: Tại tất cả các giao lộ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, thì đèn tín hiệu phụ cho phép rẽ phải phải sáng liên tục 24/24 giờ, bất kể trạng thái của đèn tín hiệu chính. Trường hợp không thể đảm bảo đèn phụ sáng thường xuyên, thì phải thay thế bằng biển báo cố định “đèn đỏ được phép rẽ phải”. Hiện nay, giữa các giao lộ vẫn tồn tại tình trạng nơi thì lắp đèn, nơi thì gắn biển báo, gây lúng túng cho người đi đường.
Bài, ảnh: Lê Thọ