Từ ngày 1/1/2025, Nghị định số 168/2024/NĐ – CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Có thể nói với mức xử phạt tăng nặng, thậm chí gấp nhiều lần so với quy định cũ đối với nhiều hành vi vi phạm, nhất là hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, Nghị định số 168/2024/NĐ – CP đã tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông ngay từ những ngày đầu Nghị định đi vào cuộc sống.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, khu chung cư, từng gia đình, các thành viên nhắc nhở nhau ra đường chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông, như: Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không chạy quá tốc độ cho phép; không vượt đèn đỏ, không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; không lạng lách, đánh võng; chú ý quan sát… để tránh bị phạt.
Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Giữa "tâm bão" ăn mừng đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, các cổ động viên Thủ đô dù rất muốn "đỉnh, nóc kịch trần" nhưng cũng rất sợ kịch khung với "thần đèn", một thành viên trên trang Facebook Otofun dí dỏm nhắc đồng đội.
Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2025, giao thông Thủ đô trở lại nhịp điệu cũ, đông đúc trên các tuyến đường. Nghị định số 168/2024/NĐ – CP có hiệu lực đã tạo chuyển biến rõ nét. Một số tuyến đường có mật độ giao thông cao như: Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng… dù ùn ứ cục bộ nhưng cơ bản không còn tình trạng người dân chen lấn đi lên vỉa hè, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông của người dân thì đây đó vẫn còn một số người cố tình vi phạm. Theo quan sát của phóng viên, sáng ngày 3/1, từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra đường Giải Phóng, nhiều người đã không chờ hết chu kỳ đèn đỏ mà cố tình vượt đèn đỏ sang đường Giải Phóng. Thậm chí, một số người trên đường Giải Phóng tránh chờ đèn đỏ bằng cách băng qua dải phân cách giữa (không có rào chắn) để sang làn đường bên cạnh.
Người tham gia giao thôngđã ghi lại nhiều hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm như: Tại nút giao Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy), do không có lực lượng Cảnh sát Giao thông ứng trực, một số người điều khiển xe máy vẫn vô tư đi ngược chiều đường, chờ thời cơ vượt đèn đỏ. Các phương tiện di chuyển hướng Lê Duẩn - Giải Phóng đi vào đường dành riêng cho tàu hỏa trước mặt lực lượng cảnh sát giao thông. Tại các ngã tư, ngã ba dễ dàng bắt gặp những người chạy xe ôm, Grab thản nhiên phóng qua đèn đỏ… Mặc dù mức phạt đi vào cao tốc từ 4 – 6 triệu đồng, nhưng tại Đại lộ Thăng Long, lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều trường hợp điều khiển xe mô tô đi vào đây.
Ngỡ ngàng trước mức phạt mới, anh Nguyễn Toàn, một lái xe công nghệ bị xử phạt vì lỗi vượt đèn đỏ thừa nhận, do thiếu quan sát nên vượt đèn đỏ và phải chịu mức phạt tới 5 triệu đồng theo quy định mới, bằng cả tháng chạy xe công nghệ của anh. "Mức phạt nặng thế này chắc chắn lần sau tôi sẽ phải rút kinh nghiệm", anh Toàn nói.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông, khiến người dân không thể xem nhẹ hành vi vi phạm của mình khi tham gia giao thông. Lực lượng chức năng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên toàn địa bàn.
Trong 2 ngày đầu triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP (01 và 02/01/2025), Phòng Cảnh sát Giao thông đã xử phạt 1.599 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 3,9 tỷ đồng, tạm giữ 443 phương tiện, tước Giấy phép lái xe đối với 51 trường hợp, 152 trường hợp bị trừ điểm Giấy phép lái xe.
Theo đó, có 113 trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; 65 trường hợp đi vào đường cấm, đi ngược chiều; 77 trường hợp chạy quá tốc độ quy định; 305 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 252 trường hợp dừng đỗ sai quy định; 507 trường hợp vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm... Nhiều lỗi nghiêm trọng được xử lý quyết liệt. Việc này đã có tác động rõ nét, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông tại Hà Nội.
Nghị định 168 tăng mạnh mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đặc biệt, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Điển hình như: Vượt đèn đỏ: Mức phạt mới lên đến 20 triệu đồng đối với ô tô, 6 triệu đồng đối với xe máy, tăng gấp nhiều lần so với quy định cũ. Lùi xe trên cao tốc có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Dừng, đỗ xe sai quy định trên cao tốc có mức phạt mới lên đến 14 triệu đồng. Lỗi vi phạm khá phổ biến trước đây là đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) theo quy định mới sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
Nhiều người dân trên địa bàn thành phố bày tỏ sự đồng tình với các quy định mới. "Mức phạt nặng ban đầu sẽ làm người tham gia giao thông choáng váng nhưng sau đó sẽ rút kinh nghiệm. Nếu đi đúng tốc độ đường đô thị, đúng làn đường, đến nút giao giảm tốc độ, quan sát… sẽ ung dung, không lo bị phạt", anh Nguyễn Hải, quận Đống Đa chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Hoa, Khu đô thị Ecohome 3 – Bắc Từ Liêm cho rằng, để tránh người dân bị phạt oan, lực lượng chức năng cần rà soát, điều chỉnh kịp thời những nơi đèn tín hiệu bị cây che khuất, bị hỏng hay một số nút, đèn tín hiệu chuyển pha đột ngột để sữa chữa kịp thời.
Đối với phản ánh của người dân về tín hiệu đèn giao thông "đang xanh đột ngột chuyển đỏ", Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, đơn vị này đang rà soát, kiểm tra để khắc phục nhanh nhất tình trạng này. Hà Nội có hơn 800 nút đèn giao thông nhưng nơi có đèn bị trục trặc sự cố kỹ thuật rất ít. Tại các nút giao thường sẽ có camera giao thông soi thẳng vào đèn tín hiệu, điều này giúp người dân không bị xử phạt oan.
Nghị định 168 được xây dựng trong bối cảnh ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến. Việc tăng nặng mức xử phạt nhằm góp phần nâng cao tính răn đe, buộc người tham gia giao thông phải nghiêm túc tuân thủ luật lệ. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là biện pháp quan trọng để phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng người dân và xây dựng văn hóa giao thông, tạo ra một môi trường giao thông an toàn hơn, nhưng cũng đặt ra thách thức cho người dân trong việc tuân thủ quy định mới. Do đó cần có sự nâng cao ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông của mỗi người dân.
Tuyết Mai/TTXVN