Khi chính quyền và người dân thấu hiểu nhau trong giải phóng mặt bằng

Khi chính quyền và người dân thấu hiểu nhau trong giải phóng mặt bằng
17 giờ trướcBài gốc
Được khởi công vào giữa tháng 6/2023, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km với tổng mức đầu tư mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng. Nhưng sau gần 2 năm, dự án này đã không thể triển khai được như kế hoạch do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn qua địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với chiều dài hơn 6,2km. Để thi công đoạn này, địa phương phải thu hồi 1.126 thửa đất của 1.514 hộ dân và tổ chức với tổng diện tích lên đến 59,5ha.
Khó khăn bắt nguồn từ việc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa phát hiện hơn 1.000 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên đoạn qua 2 phường Phước Tân và Tam Phước của TP Biên Hòa. Trong đó nhiều nhất là tại phường Phước Tân với gần 800 trường hợp. Sau gần 2 năm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đến giữa tháng 2/2025, diện tích đất cần thu hồi phục vụ dự án đã đạt 70% nhưng lại chủ yếu là diện tích đất công, đất sông suối, giao thông và đất của một số doanh nghiệp.
Phần diện tích còn lại chủ yếu tập trung vào số hộ chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng với con số lên đến 1.161 hộ, chiếm trên 76% tổng số hộ cần thu hồi đất còn lại. Đây đa số là các hộ dân mua đất bằng giấy tay và xây nhà ở trên đất nông nghiệp, hay còn gọi là tạo lập tài sản trên đất người khác. Việc này dẫn đến thực trạng rất khó khăn trong việc quy chủ cũng như thực hiện các bước về hồ sơ hỗ trợ đền bù khi Nhà nước thu hồi đất.
Thực tế cho thấy, rất nhiều chủ đất sau khi phân lô bán nền đã không còn ở trên mảnh đất đứng tên, thậm chí không còn cư ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị chịu trách nhiệm chính về công tác giải phóng mặt bằng đối với đoạn qua TP Biên Hòa, nhưng nhìn chung lãnh đạo, cán bộ đơn vị lại thiếu kinh nghiệm và chưa thực sự quyết liệt trong quá trình thực hiện. Mặt bằng gián đoạn đã dẫn đến tiến độ triển khai thi công không đạt theo kế hoạch.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang dần hình thành.
Trước tình trạng này, Thủ tướng Chỉnh phủ đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Song ít nhất 3 lần tỉnh Đồng Nai đã “lỡ hẹn” với cam kết bàn giao mặt bằng dự án này.
Với quyết tâm “đi từng ngõ gõ từng nhà” gặp trực tiếp các hộ dân để tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thu hồi đất thực hiện dự án trọng điểm quốc gia vì lợi ích chung của đất nước cũng như của địa phương, những ngày đầu số lượng người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng khá khiêm tốn khi chỉ khoảng 20 hộ/ngày. Tuy nhiên càng đi nhiều, càng hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân trong diện bị giải tỏa, cán bộ các đoàn tuyên truyền vận động đã trả lời thỏa đáng cho người dân về một số kiến nghị trước đây chưa có cơ quan nào trả lời. Đồng thời ghi nhận những kiến nghị có cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung, trình các cơ quan thẩm quyền xem xét. Vì vậy người dân đã gửi gắm niềm tin ngày càng nhiều vào các đoàn tuyên truyền vận động, qua đó đồng thuận bàn giao mặt bằng ngày một nhiều.
Công an tỉnh Đồng Nai và Công an các phường cũng hỗ trợ kịp thời chính quyền trong quá trình tuyên truyền, vận động một cách kịp thời khi quá trình tuyên truyền vận động, một số đối tượng có dấu hiệu kích động người dân không bàn giao mặt bằng. Những đối tượng đã được lực lượng Công an nắm chắc, phân loại và có hình thức răn đe kịp thời. Qua đó người dân hiểu đúng chủ trương của đảng chính sách pháp luật của Nhà nước và đồng thuận bàn giao mặt bằng, không để tạo ra những điểm nóng.
Trong thời gian ngắn, các đoàn công tác của TP Biên Hòa đã phối hợp với Ban vận động của phường Phước Tân và Tam Phước tuyên truyền, vận động được 1.070 hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, nâng tổng số hộ bàn giao mặt bằng lên 1.423 hộ đạt tỷ lệ 97% diện tích đất cần thu hồi. Trong đó phường Tam Phước hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% từ ngày 26/3 mà không phải cưỡng chế trường hợp nào. Hiện chỉ còn 91 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng ở đoạn qua phường Phước Tân, trong đó hơn 20 hộ dân thuộc diện cấp đất tái định cư đang tìm kiếm thuê trọ để về nơi ở tạm trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cấp đất tái định cư. Số còn lại dù chưa ký cam kết bàn giao mặt bằng nhưng đa số các hộ dân cũng đã di dời tài sản, tháo dỡ công trình đến nơi ở mới.
Số công trình chưa tháo dỡ di dời đa số đều đã có quyết định cưỡng chế nên sẽ được Ban cưỡng chế và chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm để hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% để thực hiện Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 15/4 theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thường trực Chính phủ trong đối với công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, chỉ khi cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng vào cuộc một cách quyết liệt và cán bộ đi thực tế đến từng hộ dân mới thực sự thấu hiểu tại sao người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng 2 năm qua. Trong đó nguyên nhân chính là giá đền bù đất nông nghiệp người dân nhận được là thấp trong khi không đủ điều kiện cấp đất tái định cư nên khó khăn trong quá trình mua đất xây cất nhà nơi ở.
“Để tuyên truyền vận động được hơn 1.100 hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng trong hơn 1,5 tháng là điều không hề dễ dàng, vượt cả sự mong đợi của địa phương khi bắt đầu đợt tuyên truyền vận động. Bởi số hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng lần này nhiều gấp gần 3 lần số hộ dân và tổ chức đồng thuận bàn giao mặt bằng trong hơn 2 năm qua”, ông Nam nhấn mạnh.
Bảo Sơn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/ban-doc-cand/khi-chinh-quyen-va-nguoi-dan-thau-hieu-nhau-trong-giai-phong-mat-bang-i764976/