Các chương trình giáo dục cộng đồng rất tốt cho bố mẹ và các con
Từ tổn thương đến thức tỉnh bản thân
Sự phản bội trong hôn nhân là cú sốc lớn. Nhiều người vợ, trong cơn tức giận, có thể hành động theo bản năng: đánh ghen, chửi bới, bêu riếu chồng lên mạng xã hội, kéo họ hàng vào cuộc. Nhưng những hành động ấy, dù dễ hiểu, lại có thể đẩy sự việc đi xa hơn và vô tình gây tổn thương sâu sắc cho chính con mình.
Chị H. (quận Ba Đình, Hà Nội) kể lại: “Tôi từng theo chồng đến tận nhà nghỉ. Không vào được, tôi gào khóc như người mất trí ngay trước cửa. Sau đó mới sực nhớ: con trai 10 tuổi đang đứng cạnh tôi. Tối về, con nói: “Mẹ ghét bố lắm à? Con không muốn gặp bố nữa”. Tôi sững người.”
Chị H. nhận ra, điều khiến mình đau hơn cả sự phản bội, chính là ánh mắt ái ngại của con. Một đứa trẻ đang tuổi lớn bỗng ghét bỏ cha, hoảng sợ mẹ – đó là hệ quả mà không ai mong muốn.
Khi chồng ngoại tình, điều đầu tiên người vợ cần giữ là sự bình tĩnh. Không phải để bao che cho lỗi lầm, mà để giữ quyền chủ động trong cách ứng xử, đặc biệt là giữ lấy sự ổn định tinh thần cho con. Bình tĩnh để nhìn rõ mọi chuyện, để đối thoại đúng lúc, để đưa ra quyết định bằng lý trí, không phải bằng nước mắt hay sự giận dữ.
Yêu lại mình để giữ lại tổ ấm
Ngoại tình là lỗi của chồng, nhưng đó cũng là thời điểm để người vợ tự vấn bản thân: Mình có còn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt chồng? Mình đang sống vì hạnh phúc, hay chỉ đang tồn tại trong vai trò người mẹ, người nội trợ?
Nhiều phụ nữ, sau kết hôn, đã vô tình bỏ rơi chính mình. Quanh năm chỉ biết lo cho con, việc nhà, cơm nước… không còn thời gian để làm đẹp, ăn mặc xuề xòa, giọng nói nặng nề, ánh mắt thiếu vui. Lâu dần, những nụ cười thuở mới yêu nhường chỗ cho tiếng càm ràm, nhắc nhở, than vãn. Những câu chuyện dí dỏm ngày xưa cũng biến mất, thay vào đó là những lời nhắc việc khô khốc: “Tiền học tăng”, “Con ốm”, “Tối nay em mệt”.
Trong khi đó, người thứ ba lại thường xuất hiện với váy áo thướt tha, nụ cười ngọt ngào và sự dịu dàng có tính toán. Không khó hiểu vì sao người đàn ông, khi về nhà không còn cảm xúc, lại dễ nghiêng lòng.
Người vợ thông minh sẽ không đổ lỗi hoàn toàn cho chồng, mà biết cách “sửa mình” trước khi sửa người. Không phải để giữ chồng bằng mọi giá, mà là để giữ lại bản thân mình – người phụ nữ biết tự làm mới chính mình trong hôn nhân.
Một người vợ chia sẻ: “Tôi không đánh ghen. Tôi thay đổi. Tôi mặc váy đẹp ở nhà, học nấu món mới, nói năng nhẹ nhàng hơn. Chồng tôi không nói gì, nhưng tôi biết anh nhận ra. Con tôi cũng vui hơn khi thấy bố mẹ không còn căng thẳng.”
"Giữ lửa" gia đình bằng các hoạt động giữa bố mẹ và các con
Khi không thể tự vượt qua, hãy tìm đến sự hỗ trợ đúng lúc
Nỗi đau bị phản bội, nếu không được xử lý đúng cách, có thể đẩy người phụ nữ đến ranh giới suy sụp. Có người nhẫn nhịn, có người nổi loạn, có người im lặng chịu đựng. Nhưng điều quan trọng là biết mình cần được giúp đỡ, và chọn đúng nơi để chia sẻ.
Bà Lê Thị Phương Thúy - chuyên gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình – cho rằng:“Khi bị phản bội, người vợ nên tìm đến những người thân thực sự tin cậy như chị em gái, bạn thân. Không cần đưa ra lời khuyên ngay, họ chỉ cần lắng nghe, để bạn nhẹ lòng và nhìn nhận mọi việc rõ ràng hơn.”
Ngoài ra, bà Thúy khuyến nghị phụ nữ nên tìm đến: Các trung tâm tư vấn tâm lý hôn nhân – gia đình, tổ tư vấn cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương...Tại đó, người vợ sẽ được lắng nghe, được hỗ trợ tinh thần, kỹ năng xử lý xung đột và hướng dẫn các bước ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh.
Trong một số trường hợp phức tạp hơn khi chồng ngoại tình kéo theo nguy cơ mất tài sản, quyền nuôi con hay ảnh hưởng danh dự, người vợ nên tiếp cận luật sư gia đình hoặc cố vấn pháp lý, để bảo vệ quyền lợi một cách đúng luật, tránh tổn thất về sau.Tìm đến sự hỗ trợ không phải là yếu đuối. Đó là hành động của người biết giữ gìn chính mình và cả mái ấm của con.
Những mất mát, nếu biết đối diện và học cách vượt qua, có thể trở thành bài học giúp người phụ nữ trưởng thành hơn trong tình yêu, trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Không ai mong phản bội xảy ra. Nhưng nếu nó đã đến, hãy để nó là cú thức tỉnh cả người chồng và người vợ phải thay đổi. Hạnh phúc gia đình không luôn đến từ sự trọn vẹn. Đôi khi, nó được tìm lại từ chính những đổ vỡ bằng bản lĩnh, lòng bao dung và tình yêu đủ lớn để gìn giữ.
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)
ĐÀO ANH