Khi CSGT không cần ra đường

Khi CSGT không cần ra đường
10 giờ trướcBài gốc
Công an TP Hà Nội đang khẩn trương lắp đặt thêm và khi triển khai đầy đủ, dự kiến đến ngày 18/12 giao thông Hà Nội không cần CSGT nữa.
Việc áp dụng camera AI là bước ngoặt lớn để nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc (ảnh minh họa).
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo thay thế CSGT trực tiếp trên đường là bước ngoặt lớn để nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc.
Nếu như CSGT không thể lúc nào và ở đâu cũng có mặt trên đường để hướng dẫn giao thông, xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn thì hệ thống công nghệ và AI có thể hoạt động 24/7, không giới hạn về thời gian hay không gian.
Việc thu thập và xử lý dữ liệu vi phạm cũng chính xác, nhanh chóng và minh bạch hơn, khi AI có thể phân tích hình ảnh, video để xác định các lỗi vi phạm với độ chính xác cao, loại bỏ yếu tố cảm tính.
Việc mọi hành vi vi phạm đều có thể bị ghi lại và xử phạt một cách tự động sẽ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn. Bởi khi người tham gia giao thông ý thức được rằng vi phạm của mình có thể bị phát hiện bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, họ chắc chắn sẽ không dám cố tình vi phạm.
Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp giảm tiếp xúc trực tiếp giữa CSGT và người tham gia giao thông, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh các hành vi tiêu cực. Lúc này, việc xử lý vi phạm rất công khai, minh bạch, không có chuyện đôi co, tranh cãi.
Về điều tiết và hướng dẫn giao thông, AI có thể phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực (mật độ xe, tốc độ di chuyển) để đưa ra các điều chỉnh tín hiệu đèn, hướng dẫn luồng xe một cách linh hoạt và tối ưu. AI có thể phát hiện nhanh chóng các sự cố (tai nạn, ùn tắc đột ngột) và tự động thông báo cho các cơ quan chức năng.
Có một điều mà dư luận quan tâm là khi không phải thường xuyên ra đường, lực lượng CSGT sẽ làm gì?
Thực ra, việc áp dụng AI không làm giảm đi tầm quan trọng của lực lượng CSGT mà ngược lại, giúp họ chuyển sang một vai trò mới, hiện đại và hiệu quả hơn, tập trung làm các nhiệm vụ khác chuyên sâu hơn.
Tôi cho rằng, CSGT sẽ tập trung quản lý, vận hành và tối ưu hóa hệ thống giám sát thông minh, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chính xác. Dữ liệu từ hệ thống sẽ giúp đưa ra các biện pháp điều chỉnh, tối ưu hóa luồng giao thông; xác định các điểm đen giao thông, các hành vi vi phạm phổ biến, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược.
Khi việc xử phạt vi phạm đã được tự động hóa phần lớn, CSGT có thể dành nhiều thời gian hơn cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân. Hình ảnh người CSGT chắc chắn sẽ cũng sẽ trở nên thân thiện hơn rất nhiều trong mắt người dân.
Đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng, các hành vi phạm tội liên quan đến giao thông (đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng), xử lý "ma men" lái xe, xe quá tải…, vai trò của CSGT vẫn rất quan trọng. AI dù thông minh đến đâu cũng không thể so sánh với kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu của CSGT.
Và chắc chắn, vẫn sẽ có những khu vực hoặc những thời điểm cần sự hiện diện của CSGT để duy trì trật tự, điều tiết giao thông trực tiếp, hoặc xử lý các tình huống khẩn cấp, chứ không phải AI thay thế hoàn toàn CSGT.
TS Phạm Quang Long
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/khi-csgt-khong-can-ra-duong-192250715211518035.htm