Nơi nhận gần chục học sinh cũ về trường công tác
Trường PTDTNT Hà Nội là nơi đã tiếp nhận nhiều học sinh trở về trường công tác. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thành Long: Chúng tôi đang tiếp nhận 9 học sinh các khóa công tác tại trường. Trong đó có giáo viên giảng dạy các môn Toán, Giáo dục Công dân, Sinh học, Ngữ văn… Những cựu học sinh này đều từng là học sinh khá, giỏi của trường, đã có kỹ năng sư phạm và bằng cấp chất lượng. Các em cũng là những giáo viên người dân tộc thiểu số nên sẽ hiểu và dễ đồng cảm, gần gũi với học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Thành Long cùng các học sinh dân tộc.
Từng là cựu học sinh nhà trường rồi có cơ duyên quay trở lại nơi mình theo học để công tác, cô giáo Nguyễn Thanh Loan - giáo viên Toán cấp THCS (Trường PTDTNT Hà Nội) để lại nhiều dấu ấn với học sinh không chỉ trong vai trò giảng dạy chuyên môn mà còn ở vị trí giáo viên chủ nhiệm.
Cô Nguyễn Thanh Loan chia sẻ: Tôi từng nhận được sự chăm sóc ân cần, tỉ mỉ từ các thầy cô giáo. Trong số đó có những thầy cô đã nghỉ hưu, cũng có những thầy cô hiện nay vẫn đang công tác tại trường. Trải qua quãng thời gian dài gắn bó với ngôi trường, tôi nhận thấy rằng sự chăm sóc, yêu thương từ các thầy cô, cô chú nhân viên đến nay vẫn vẹn nguyên dành cho các học sinh. Đó là trách nhiệm và tình cảm. Từ sự yêu thương, chăm sóc từng được nhận mà tôi luôn mong muốn được trở về trường, “truyền lửa” đam mê cho các em, mong các em cũng được lớn lên, trưởng thành từ sự yêu thương, chăm sóc ấy.
Cô giáo Nguyễn Thanh Loan.
Cô Nguyễn Thị Hào, giáo viên môn Sinh của nhà trường cũng cho hay, cô về công tác tại trường đến năm nay là năm thứ 14. Cô là cựu học sinh khóa 7. Cô Đinh Thị Thu Huyền, giáo viên môn Toán là cựu học sinh khóa 8…
Nói về lý do chọn quay trở lại trường công tác, cô Đinh Thị Thu Huyền cho hay, quay lại trường để dạy học là cái duyên của cô với nơi đây: “Khi ra trường, Trường PTDTNT Hà Nội không phải là ngôi trường đầu tiên tôi công tác. Tôi công tác ở trường bên cạnh. Nhưng sau đó vì rất nhiều “duyên” nên đã có được cơ hội trở lại ngôi trường này”.
Cô Nguyễn Thị Bích, giáo viên Ngữ văn, cựu học sinh khóa 1 của trường chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi đã quay trở lại trường, tiếp bước các thầy cô giáo với sự nghiệp trồng người. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước cũng như các thầy cô Trường PTDTNT đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội học tập, tiến bước, có sự trưởng thành như ngày hôm nay. Tôi rất tự hào khi tiếp tục được cống hiến sức mình cho công cuộc đào tạo, giáo dục con em dân tộc thiểu số”.
Nỗ lực để tiếp tục cống hiến
Trở về công tác dưới mái trường xưa, các thầy cô đều cho biết đã nỗ lực gấp nhiều lần, bởi niềm tự hào luôn gắn liền với trách nhiệm. Cô Nguyễn Thị Bích chia sẻ: Gần 20 năm giảng dạy ở trường, tôi luôn nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn; chủ động sử dụng và tổ chức hiệu quả dạy học bằng các phương pháp, kỹ thuật tích cực giúp học sinh hứng thú với bộ môn.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích cùng học sinh nhà trường.
Điểm nổi bật nhất trong công tác chuyên môn của các giáo viên trẻ là ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng và kiểm tra đánh giá. Là giáo viên trong thời đại 4.0, các thầy cô bắt nhịp để có thể truyền đạt kiến thức và hướng dẫn học sinh thật tốt trong học tập, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Thường xuyên thực hiện các chuyên đề hướng tới mục tiêu thay đổi phương pháp dạy học truyền thống bằng phương pháp dạy học hiện đại, tăng cường khả năng thực hành của học sinh, phát triển một cách toàn diện năng lực của người học, biến những tiết học nặng về lý thuyết khô khan trở thành một quá trình học tập sinh động.
Ngoài những cựu học sinh về trường làm công tác giáo viên, nhà trường cũng đón nhận nhiều cựu học sinh về trường làm công tác chăm lo đời sống cho học sinh nội trú. Chị Bạch Thị Thanh Quý, học sinh khóa 13 hiện đang làm nhân viên nuôi dưỡng tại trường. Anh Hoàng Văn Thảo, cựu học sinh khóa 2, hiện là nhân viên Ban quản lý nội trú nhà trường…
Học sinh Trường PTDTNT Hà Nội thi trình diễn trang phục dân tộc.
“Trước kia, trường rất khó khăn. Tôi còn nhớ có một đêm, khi chúng tôi đang ngủ thì có một cơn lốc xảy đến, đã làm bay cả mái nhà. Ngay trong đêm, tôi và các thầy cô đã phải cùng lợp lại. Đến nay, nhà trường khang trang hơn nhưng những kỷ niệm về thời còn khó khăn vẫn hiện hữu, nhắc nhớ chúng tôi biết trân trọng hơn, cố gắng nhiều hơn vì mái trường này. Được học ở trường nội trú là điều mà tôi rất tự hào, luôn muốn được trở lại để tiếp tục rèn luyện, trưởng thành. Đó cũng là lý do tôi muốn được gắn bó công tác ở nơi này” - anh Hoàng Văn Thảo cho hay.
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thành Long: Là một trường chuyên biệt đặc thù duy nhất của Thành phố Hà Nội, trường thực hiện nhiệm vụ quản lý và nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số trong địa bàn 13 xã miền núi của thành phố (các em được học từ lớp 6 đến lớp 12), nhằm mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Thành phố. Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, Sở GDĐT, các cấp các ngành, đến nay nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, phát triển về cơ cấu tổ chức và thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Đến nay, đã có hàng nghìn em từng là học sinh nhà trường trở thành cán bộ, công chức, viên chức (sĩ quan, chiến sĩ Quân đội; sĩ quan, chiến sĩ Công an; bác sĩ; kỹ sư,...) công tác trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác. Nhiều em về địa phương trở thành cán bộ công tác ở các xã miền núi của Thành phố. Vui mừng hơn, những học sinh cũ đã quay trở lại tiếp tục đồng hành cùng nhà trường trong công tác đào tạo, giáo dục con em dân tộc thiểu số”.
T.Linh