Nội dung trên nằm trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, học sinh học hết chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận qua học bạ, thay vì Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của quận, huyện cấp bằng tốt nghiệp như hiện nay.
Việc xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học. Hiện nay, tốt nghiệp trung học cơ sở là tiêu chí bắt buộc để học sinh dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông. Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình trên bằng tốt nghiệp của cấp học này.
Theo lãnh đạo nhiều trường, đây là đề xuất phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đồng thời phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và xu thế quốc tế.
Phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và chuyển đổi số trong giáo dục
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nông Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Giáo (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bày tỏ: “Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, thay vào đó học sinh chỉ cần có học bạ được hiệu trưởng xác nhận đã hoàn thành chương trình học. Theo tôi, đây là một đề xuất phù hợp với bối cảnh hiện nay khi hệ thống hành chính đang được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, đề xuất này cần đi kèm với những hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một cách, gây lúng túng hoặc thiếu minh bạch trong quá trình triển khai”.
Thầy Hiếu cho biết, hiện nay, việc cấp bằng này vẫn chủ yếu dựa trên việc học sinh hoàn thành chương trình học, không phải thông qua một kỳ thi tốt nghiệp độc lập như ở bậc trung học phổ thông. Thực tế cho thấy, để cấp được một tấm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, các trường phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đến kết quả học tập, hạnh kiểm, học lực… và sau đó chuyển đến Phòng Giáo dục và Đào tạo để phê duyệt. Quá trình này tốn nhiều thời gian, nhân lực, chi phí hành chính nhưng bản chất cũng là xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình.
Do đó, việc cắt bỏ khâu cấp bằng và thay bằng xác nhận trong học bạ từ hiệu trưởng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều công đoạn, giảm đáng kể áp lực cho nhà trường, đồng thời cũng phù hợp với định hướng tinh giản bộ máy quản lý giáo dục trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, trên thực tế, học bạ là tài liệu chỉ được cấp một lần. Nếu không may học sinh bị mất học bạ hoặc bị một đơn vị nào đó giữ lại trong quá trình tuyển sinh, học nghề, xin việc... thì việc xin cấp lại học bạ rất phức tạp, thậm chí có trường hợp không thể làm lại được. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp, đơn vị tuyển dụng hiện nay vẫn yêu cầu người lao động có trình độ tối thiểu là tốt nghiệp trung học cơ sở và cần giấy tờ để minh chứng. Nếu không có bằng hay giấy xác nhận tương đương, học sinh khi đã ra trường nhiều năm sẽ gặp khó khăn trong quá trình chứng minh trình độ học vấn của mình.
Do đó, tôi đề xuất rằng ngoài học bạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành một mẫu giấy xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở riêng, có giá trị tương đương với bằng do hiệu trưởng các trường trung học cơ sở cấp. Đây có thể là một mẫu đơn giản, dễ lưu trữ, cấp phát linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý và dễ kiểm tra xác thực nếu cần. Mẫu giấy này sẽ giúp học sinh có thêm một minh chứng độc lập, thuận tiện cho các trường hợp cần sử dụng nhiều lần, đồng thời tránh rủi ro nếu mất học bạ”, thầy Hiếu nêu quan điểm.
Xét về mặt ảnh hưởng, thầy Hiếu cho biết, dù không cấp bằng tốt nghiệp nhưng các em vẫn sẽ học tập, rèn luyện, được đánh giá thông qua học bạ và kết quả này đã phản ánh quá trình phấn đấu suốt nhiều năm học. Bởi, việc bỏ cấp bằng không có nghĩa là bỏ ghi nhận kết quả học tập của học sinh mà chỉ thay đổi hình thức chứng nhận, giảm bớt thủ tục hành chính.
Với đội ngũ quản lý và nhà trường, việc không phải lập hồ sơ trình Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, không phải in ấn và lưu trữ bằng sẽ giúp giảm tải rất nhiều công việc và chi phí. Trong dài hạn, nếu được triển khai đồng bộ, đề xuất này có thể góp phần cải thiện hiệu quả quản lý, phân bổ nguồn lực, giảm áp lực hành chính và thúc đẩy tự chủ ở cấp trường.
Cùng bàn vấn đề này, cô Chu Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, từ nhiều năm nay, học sinh bậc trung học cơ sở không phải tham gia một kỳ thi tốt nghiệp độc lập như ở bậc trung học phổ thông, mà chỉ được xét công nhận tốt nghiệp dựa trên quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học bạ. Trong khi đó, việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở lại kéo theo nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây tốn kém nguồn lực cho các trường học và cơ quan quản lý.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn). (Ảnh: website nhà trường)
Theo cô Huyền, trong bối cảnh dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được thảo luận, đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở càng trở nên hợp lý khi hệ thống chính quyền địa phương cũng đang được sắp xếp tinh gọn. Do đó, việc chuyển sang mô hình xác nhận hoàn thành chương trình học của học sinh trung học cơ sở thông qua học bạ do hiệu trưởng ký xác nhận không chỉ giúp đơn giản hóa quy trình hành chính mà còn phù hợp với chủ trương phân cấp, trao quyền cho nhà trường và tăng tính tự chủ trong quản lý giáo dục.
Ngoài ra, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở còn giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và chi phí in ấn, lưu trữ, phát hành văn bằng cho hàng triệu học sinh mỗi năm. Ở góc độ quản lý nhà trường, đây là một bước tiến góp phần tinh giản công việc cho bộ phận văn thư, quản lý hồ sơ học sinh. Đối với học sinh và phụ huynh, việc bỏ bằng tốt nghiệp không làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, xét tuyển hay tham gia các hoạt động xã hội, vì các tiêu chí về hoàn thành chương trình học vẫn được ghi nhận thông qua học bạ và giấy xác nhận.
“Hơn nữa, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cũng là lúc để ngành giáo dục nhìn nhận lại ý nghĩa thực sự của các loại văn bằng, chứng chỉ. Thay vì chạy theo hình thức, điều quan trọng hơn là làm sao để việc đánh giá học sinh thực chất, công bằng, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong việc tiếp cận giáo dục và cơ hội nghề nghiệp sau này. Đây cũng là bước tiến phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay, khi nhiều hồ sơ, dữ liệu đã và đang được số hóa, kết nối trên hệ thống quản lý chung.
Do vậy, đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là cần thiết và phù hợp với định hướng đổi mới quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Điều quan trọng là quá trình triển khai cần có sự hướng dẫn rõ ràng, đồng bộ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu gây rối cho học sinh và phụ huynh. Nếu được thực hiện một cách bài bản, đây sẽ là một bước cải cách tích cực, góp phần làm cho hệ thống giáo dục trở nên gọn nhẹ, linh hoạt và hiệu quả hơn”, cô Huyền nêu quan điểm.
Cơ hội để ngành giáo dục thoát khỏi sự lệ thuộc vào “tư duy bằng cấp”
Theo thầy Nguyễn Công Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Việt Đoàn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia đã không còn duy trì loại bằng cấp này ở bậc học cơ bản. Trong điều kiện giáo dục phổ cập trung học cơ sở đã được triển khai rộng khắp ở nước ta, việc tiếp tục cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 dường như không còn mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, mà chủ yếu là một thủ tục hành chính.
Thầy Nguyễn Công Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Việt Đoàn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). (Ảnh: website nhà trường)
Khi học sinh được phổ cập đến hết lớp 9 thì việc tổ chức kỳ xét tốt nghiệp và cấp bằng chỉ khiến các nhà trường thêm áp lực, kéo theo nhiều thủ tục liên quan đến hồ sơ, báo cáo, trình phê duyệt, in ấn và lưu trữ văn bằng. Việc này không chỉ gây tốn kém nguồn lực mà còn làm mất thời gian của cả giáo viên, học sinh và các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, việc thay thế bằng tốt nghiệp trung học cơ sở bằng hình thức xác nhận kết quả học tập qua học bạ và đánh giá toàn diện thể hiện một cách tiếp cận giáo dục hiện đại. Điều này buộc các nhà trường phải chú trọng thực chất trong giảng dạy, học tập và đánh giá, thay vì chạy theo kỳ thi hay những chứng nhận hình thức. Về lâu dài, đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục dần thoát khỏi lối tư duy nặng về bằng cấp, tiến tới xây dựng hệ thống đánh giá linh hoạt, cá nhân hóa, phù hợp với năng lực và định hướng tương lai của từng học sinh.
“Do đó, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh sắp tới, khi cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương sẽ chuyển sang mô hình hai cấp. Việc phân quyền về cho các cơ sở giáo dục, cụ thể là hiệu trưởng nhà trường có thẩm quyền xác nhận học sinh hoàn thành chương trình học là cách làm gọn nhẹ, giảm tải áp lực hành chính mà vẫn đảm bảo đúng bản chất của việc đánh giá quá trình học tập. Học bạ học sinh vốn đã ghi nhận đầy đủ quá trình học tập, rèn luyện, kết quả học lực và hạnh kiểm. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học qua học bạ có thể được xem là một hình thức công nhận mang tính thực chất, phản ánh đúng năng lực và quá trình học tập của học sinh, thay vì chỉ dựa vào một quyết định hành chính để cấp bằng.
Hơn nữa, khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, mục tiêu không phải là sở hữu một tấm bằng, mà là có đủ điều kiện để bước tiếp trên con đường học tập hoặc vào trung học phổ thông, hoặc chuyển hướng sang học nghề, giáo dục thường xuyên. Do vậy, một văn bản xác nhận từ hiệu trưởng là đủ để minh chứng học sinh đã hoàn thành chương trình và đủ điều kiện xét tuyển hoặc nhập học ở cấp tiếp theo. Như vậy, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở không làm mất đi quyền lợi của học sinh, mà ngược lại còn giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm áp lực cho cả học sinh và nhà trường”, thầy Phong nêu quan điểm.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Việt Đoàn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), thực tế hiện nay, công tác xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Các trường phải lập rất nhiều loại hồ sơ, gửi báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra và ra quyết định. Sau đó, tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan đến tài chính, in ấn, bảo quản và phát bằng. Quá trình này vừa tốn thời gian, vừa tiêu tốn nhân lực và tiền bạc. Nếu bỏ được thủ tục này, các trường có thể tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, thay vì phải dồn quá nhiều công sức cho một kỳ xét tốt nghiệp mang nặng tính hình thức.
“Tuy nhiên, để việc thay đổi này thực sự hiệu quả, tôi cho rằng cần có hướng dẫn rõ ràng và cụ thể từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo thống nhất trong toàn ngành. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về biểu mẫu, cách thức xác nhận của hiệu trưởng, cũng như các biện pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và quyền lợi của học sinh. Mọi thay đổi liên quan đến thủ tục, quy trình giáo dục đều cần được thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình phù hợp và có sự đồng thuận từ phía các nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội”, thầy Phong bày tỏ.
Yên Đan