Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ.
Kho tàng chất liệu cho điện ảnh
Nếu nói về khai thác chất liệu dân gian trong điện ảnh, phải kể đến tác phẩm “Ma da” (2024), và “Cám” ra rạp vào cuối tháng 9/2024. Hay trước đó là “Kẻ ăn hồn” của đạo diễn Trần Hữu Tấn và “Quỷ cẩu” của đạo diễn Lưu Thanh Luân. Trong đó, “Kẻ ăn hồn” thu về khoảng 65,5 tỷ đồng và “Quỷ cẩu” là hơn 51 tỷ đồng. Đây cũng là 2 phim Việt dẫn đầu về doanh thu phòng vé thời điểm ra rạp và cũng là 2 tác phẩm sử dụng đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian.
Nếu ở “Kẻ ăn hồn” là những câu đồng dao, những hình ảnh quen thuộc trong bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” được đưa vào phim khá thú vị, thì “Quỷ cẩu” lại mượn câu chuyện truyền miệng “Chú chó đội nón mê” để phản ánh thực trạng trộm chó, giết chó và nghiệp báo mà con người phải gánh chịu sau những hành động vô pháp của mình.
Trước đó, phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" lấy cảm hứng từ truyện cổ tích "Tấm Cám" kết hợp yếu tố huyền ảo và hành động để làm mới câu chuyện, cũng thu hút rất nhiều khán giả. Tương tự, “Thạch Sanh” mang đến một phiên bản hiện đại của người anh hùng truyền thuyết với đồ họa và kịch bản cách tân. Rồi "Lời nguyền huyết ngải" hay "Truyền thuyết về Quán Tiên" khai thác các giai thoại huyền bí, mang lại màu sắc kỳ bí và kích thích trí tò mò; "Song Lang" lại tập trung vào văn hóa nghệ thuật dân gian, đưa cải lương trở thành linh hồn của phim…
Việc khai thác chất liệu dân gian trong điện ảnh Việt Nam đã và đang trở thành xu hướng sáng tạo độc đáo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc cho rằng, những câu chuyện dân gian, truyền thuyết và lịch sử Việt Nam là nguồn cảm hứng phong phú cho các nhà làm phim, giúp tạo nên những kịch bản sâu sắc và gần gũi với khán giả.
Còn theo NSƯT Bùi Trung Hải, đây là một hướng đi khá thành công trên thế giới và nó cũng đang phát triển ở Việt Nam trong những năm gần đây. Việc sử dụng những câu chuyện dân gian trong điện ảnh dễ dàng tạo sự cuốn hút với khán giả khi bản thân khán giả đã có sự gần gũi, thân thuộc với những câu chuyện này. “Mặt khác, sử dụng chất liệu dân gian tạo sự khác biệt, nét độc đáo riêng tạo nên những câu chuyện của người Việt Nam với chất liệu văn hóa Việt Nam. Trong nghệ thuật điện ảnh, điều đó có vai trò hết sức quan trọng” - NSƯT Bùi Trung Hải nói.
Cùng quan điểm, TS Mai Anh Tuấn - nhà phê bình điện ảnh - văn học cho rằng, đây là một xu hướng hữu ích và thú vị, không chỉ đối với giới làm phim, mà còn đối với công chúng điện ảnh. Theo đó, nhà làm phim có thể khai thác được các chất liệu văn hóa, lịch sử dân tộc, vốn rất phong phú và đầy khả năng tái sáng tạo, còn công chúng thì có thể trải nghiệm những câu chuyện dân gian, lịch sử được làm mới dưới góc nhìn hôm nay.
“Một số bộ phim gần đây như “Quỷ cẩu”, “Ma da”, “Cám” cho thấy sức hút của văn hóa dân gian tái sinh trong thể loại phim kinh dị. Các phim “Hồng Hà nữ sĩ”, “Đất rừng phương Nam”, “Công tử Bạc Liêu” lại thiên về khai thác không khí lịch sử, văn hóa xã hội. Chính sự đa dạng của các yếu tố văn hóa mà dòng phim này vừa có cốt truyện hay, ly kỳ, vừa kích thích sự tò mò, chú ý của khán giả” - TS Mai Anh Tuấn nói.
Gìn giữ bản sắc khi sáng tạo
Các nhà làm phim và chuyên gia văn hóa cho rằng, để chất liệu dân gian thực sự đóng góp vào phát triển điện ảnh, cần có những bước đi chiến lược. Tuy nhiên, để các bộ phim thành công, thu hút được khán giả thì các đạo diễn cần đào sâu nghiên cứu văn hóa dân gian, tránh việc biến chúng thành những hình ảnh màu mè, hời hợt. Việc khai thác chất liệu cần xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng tính nguyên bản, truyền thống.
NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, điện ảnh và văn học là 2 lĩnh vực nghệ thuật có ngôn ngữ biểu đạt hoàn toàn khác nhau, nên nhà làm phim cũng có thể khai thác chất liệu dân gian theo một hướng khác, không đi theo, thay đổi, thậm chí làm ngược lại tuyến nhân vật, cấu trúc, chủ đề… của chất liệu dân gian.
“Tuy nhiên, trong trường hợp đó nhà làm phim lại phải thuyết phục được khán giả bằng tài năng, thủ pháp điện ảnh của mình, từ kịch bản, bối cảnh, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, kỹ xảo… Nếu chất liệu dân gian không được làm mới, không hấp dẫn, khán giả sẽ lập tức tẩy chay” - NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ.
Còn theo TS Mai Anh Tuấn, các nhà làm phim có thể khai thác văn hóa ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng cũng cần tiết chế, và nhất là cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng các tri thức về văn hóa, lịch sử để làm chất nền, cơ sở cho sự sáng tạo. “Nhà làm phim được phép hư cấu, đẩy xa những ý tưởng nghệ thuật của mình, song cuối cùng bộ phim vẫn phải khơi gợi được những nét tương đồng, gần gũi và phần nào chân thực với đời sống xã hội, để khán giả thấy được sự gần gũi, thấy cuộc sống của mình trong đó. Đây là điểm rất khó, ngay cả một số phim nghệ thuật được đánh giá cao cũng không tránh khỏi những nhầm lẫn, mơ hồ về mặt tri thức lịch sử, văn hóa. Dĩ nhiên, khán giả cũng cần rộng lòng và thông hiểu những nỗ lực của nhà làm phim” - TS Mai Anh Tuấn nói.
Hy vọng năm nay sẽ có thêm nhiều phim điện ảnh khai thác thành công và tôn vinh được giá trị văn hóa cổ truyền, góp phần nâng cao vị thế phim Việt trên trường quốc tế.
Phạm Sỹ