Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: “Vào lúc 6h ngày 22/7, vị trí tâm bão đang cách Hải Phòng khoảng 60 km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 50 km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 70 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 13. Dự báo trong 3h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h. Với tốc độ di chuyển như vậy thì chỉ khoảng 4-5h nữa tâm bão sẽ đi vào khu vực đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Ninh Bình và cường độ bão khi đi vào vẫn mạnh cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8”.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia
Theo ông Mai Văn Khiêm, từ ngày hôm qua tới giờ nhiều nơi ở Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ đã có điểm mưa lớn trên 200mm; trong ngày và đêm nay hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn ở khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 150-250mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đặc biệt lưu ý về vấn đề lũ quét sạt lở đất ở khu vực Nam Sơn La, Nam Phú Thọ, khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An không chỉ trong hôm nay mà cả trong 2-3 ngày tới.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định: “Bão số 3 có thể gây nước dâng bão tại ven biển các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh từ 0,5-1,0m. Bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều Bắc Bộ đang lên (đỉnh triều khoảng 14-15 giờ) nên dự báo mực nước ven biển (bao gồm cả nước dâng do bão) sẽ cao nhất vào khoảng thời gian từ 13-16 giờ ngày 22/7, cụ thể: Tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m; tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,8-4,2m; tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,2-4,8m; và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,4-3,8m. Các vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, đường giao thông ven biển có nguy cơ cao ngập do tác động của tổ hợp triều cường, nước dâng và sóng lớn”.
Dự báo, trong 12 đến 48h tới, ở vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu) có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13; sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.
Nước dâng do bão và cảnh báo ngập lụt khu vực ven biển: Vùng ven biển Hưng Yên-Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m. Mực nước tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m, Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,1m, tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5,0m và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4,0m. Nguy cơ cao gây ngập, úng tại khu vực ven biển, cửa sông vào trưa, chiều 22/7.
Cảnh báo, thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: Tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển. Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn và nước biển dâng.
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Gió cấp 9-10 có thể làm đổ cây cối, cột điện, tốc mái nhà, gây thiệt hại rất nặng.
"Từ sáng sớm 22/7 đến 23/7, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp", ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.
Văn Ngân/VOV.VN