Khi doanh nghiệp Việt lọt 'mắt xanh' vốn ngoại

Khi doanh nghiệp Việt lọt 'mắt xanh' vốn ngoại
5 giờ trướcBài gốc
Điều này cho thấy sự tin cậy của các “ông lớn” nước ngoài với các đối tác trong nước và môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Mới đây, bên cạnh các nhà đầu tư lâu năm như KKR, TPG, SK Group…, Tập đoàn Masan có sự xuất hiện của một ông lớn nước ngoài uy tín là quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust. Quỹ này hiện nắm hơn 1 triệu cổ phiếu MCH (Masan Consumer), có giá trị thị trường đạt 212 tỷ đồng, theo công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến về việc chia cổ tức bổ sung năm 2023 của MCH.
Cũng lọt “mắt xanh” vốn ngoại, VPBank đã ký kết gói vay 150 triệu USD tài trợ dự án năng lượng sạch với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Việc các tổ chức nước ngoài như quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust hay IBIC chọn gửi vốn cùng các Masan hay VPBank tiếp tục khẳng định sự tin tưởng của các định chế tài quốc tế đối với hoạt động của các DN Việt.
Cái bắt tay giữa các tổ chức Việt và quốc tế cũng góp phần củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong nhiều lĩnh vực trải dài từ kinh tế, tài chính, đầu tư, công nghiệp…
Trước hạn mức tín dụng được cấp bởi JBIC, VPBank đã liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, bao gồm cam kết hỗ trợ tài chính 300 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) trong năm 2023, các khoản vay hợp vốn từ các định chế tài chính lớn do đối tác chiến lược SMBC (Nhật Bản) hậu thuẫn với tổng giá trị lên tới gần 1.7 tỷ USD, và trước đó trong năm 2022 là khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính danh tiếng là
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
Trên sàn chứng khoán cũng như các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, sự xuất hiện của vốn ngoại đang ngày càng góp phần giúp DN Việt củng cố năng lực tài chính, quản trị…, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giới đầu tư ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn địa chỉ đầu tư dự án mới. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã áp dụng chính sách hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, một động thái khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.
Vì thế, dù Việt Nam và nhiều DN đang khá hấp dẫn và là điểm đến của dòng vốn ngoại thì để đạt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Các chuyên gia đã khuyến nghị, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm duy trì sức cạnh tranh, đặc biệt giữ chân nhà đầu tư và thu hút các “đại bàng". Chính sách này hướng tới mục tiêu khuyến khích tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên và thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ Việt Nam.
Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, Bộ KH&ĐT đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư; bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Hà Lâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khi-doanh-nghiep-viet-lot-mat-xanh-von-ngoai.html