Khi đưa ra quyết định nghỉ việc nhà nước, tôi đã khóc

Khi đưa ra quyết định nghỉ việc nhà nước, tôi đã khóc
14 giờ trướcBài gốc
Bước chân vào giảng đường đại học, tôi mơ ước trở thành một nhà nghiên cứu Toán học hoặc làm giảng viên Toán của một trường đại học. Vì một vài lý do nên tôi không được làm những công việc yêu thích đó.
Tôi chuyển hướng thi tuyển làm giáo viên Toán THPT nhưng lại được phân công về làm ở một trường THCS khi thi đỗ công chức vào ngành giáo dục của một tỉnh giáp Hà Nội.
Ban đầu tôi không muốn nhận công việc này nhưng do gia đình thuyết phục nên cuối cùng tôi vẫn đi dạy.
Trường cách nhà khá xa, phải qua sông, qua đò, tôi là giáo viên hiếm hoi của trường phải ở nội trú, cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi luôn hoàn thành tốt công việc.
Có lần tôi còn được tuyên dương là giáo viên duy nhất của nhà trường có nhà ở xa nhưng luôn hoàn thành các công việc được giao, đặc biệt là chưa nghỉ buổi nào trong mấy năm công tác.
Khi đưa ra quyết định nghỉ việc, tôi đã khóc. Ảnh minh họa: P.X
Giảng dạy được vài năm, tôi tính xin chuyển về trường gần nhà. Giáo viên được công tác gần nhà sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để được xin về trường gần nhà tôi sẽ phải nhờ vả, cầu cạnh người khác tác động giúp.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này. Tôi đã rất xấu hổ với lòng mình khi nhờ vả để thi vào công chức, giờ lẽ nào lại nhờ vả thêm lần nữa để xin chuyển trường. Cuối cùng, tôi không nhờ để chuyển trường nữa.
Nhưng vì tôi đã nói với mọi người việc chuyển trường, nên giờ đi không được mà ở lại cũng không xong. Lại thêm, khi đọc cuốn Quốc gia khởi nghiệp có ý “đất nước đang cần nhiều doanh nhân, kỹ sư, công nhân lành nghề hơn nhà thơ, triết gia", tôi bị ám ảnh đến mất ngủ.
"Hay là nghỉ việc?", trong tôi bật lên ý nghĩ này. Tôi đã đi nhiều vòng trong sân trường, tự hỏi hàng trăm lần: "Nghỉ việc với tương lai bất định hay ở lại?". Câu trả lời cuối cùng của tôi là: "Nghỉ việc".
Khi đưa ra quyết định như vậy, tôi đã khóc nhưng không thể làm khác được. Tôi hiếm khi rơi lệ, một lần khi bác ruột mất, một lần khi bố tôi mất, lần khác khi con gái tôi chào đời, và lần này.
Không khóc sao được, khi mà để vào được biên chế phải mất rất nhiều công sức. Hơn nữa, lúc đó công việc cũng không có nhiều để xin hoặc chuyển hướng vì kinh tế tư nhân chưa phát triển như ngày nay.
Hiệu trưởng lúc đó nói: “Ra ngoài vất vả lắm, cơ quan lấy lương của cậu để thuê người tạm thế chỗ, công việc vẫn dành chỗ cho cậu. Nếu trong vòng một năm mà làm ăn không tốt thì cứ về, cơ quan lại tiếp nhận cậu”.
Tôi thực sự xúc động và luôn trân trọng điều này.
Tôi đã trải qua rất nhiều nghề. Tôi từng làm công nhân ở một xưởng cơ khí, mong có được kinh nghiệm rồi tự mở xưởng. Ý định này không thực hiện được. Rồi tôi lại quay về với công việc liên quan đến giáo dục.
Để đất nước có thể phát triển, có thể bước được vào kỷ nguyên vươn mình, theo tôi, không thể không tinh gọn bộ máy hiện nay.
Hơn nữa, giờ đây việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, bởi vậy đây là thời điểm cực kỳ thuận lợi để biến bộ máy nhà nước thành “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Tôi hiện tự mở trung tâm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh phổ thông, vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến.
Trước kia, tôi là công chức, công việc sẵn có. Còn nay, dù tôi chưa tạo được việc làm cho nhiều người nhưng ít nhất tôi đã tự tạo được công việc cho mình và một vài người, đặc biệt là thu nhập cao gấp nhiều lần.
Công việc hàng ngày cũng đã và đang đóng góp cho đời như khi tôi là công chức.
Tôi không phải là người giỏi, không năng động so với nhiều người khác nhưng tôi đã dám bỏ công việc ổn định trong nhà nước để tự tạo việc làm, tạo thu nhập trước hết là cho mình. Và giờ tôi đã làm được.
Như thế, tôi cũng đã góp một phần thiết thực vào việc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Độc giả: Anh Phạm
Mời độc giả chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm của mình khi rời công việc ở cơ quan nhà nước. Nội dung bài viết vui lòng gửi vào địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn hoặc bình luận phía cuối bài.
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/khi-dua-ra-quyet-dinh-nghi-viec-nha-nuoc-toi-da-khoc-2354777.html