Khi Đức Giáo hoàng ốm nặng, ai sẽ điều hành Vatican?

Khi Đức Giáo hoàng ốm nặng, ai sẽ điều hành Vatican?
12 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, không giống như các quốc gia khác, Vatican không có chế độ nhiếp chính chính thức hoặc người đứng đầu nhà nước tạm quyền.
Cách thức vận hành thường thấy là ủy quyền cho Quốc vụ khanh. Hồng y Quốc vụ khanh đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các công việc hằng ngày và đảm bảo sự liên tục của hoạt động khi Giáo hoàng bị ốm.
Giáo hoàng Francis đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần tại Vatican trong tháng 2/2025. Ảnh: AP.
Không có chế độ nhiếp chính hoặc thay thế tạm thời
Không giống như các quốc gia thế tục, Vatican không có chế độ nhiếp chính. Vai trò của Giáo hoàng được coi là do Thiên Chúa trao ban và không thể chia cắt, nghĩa là không ai có thể hoàn toàn thay thế Giáo hoàng khi ngài vắng mặt.
Vatican đã xử lý các giai đoạn Đức Giáo hoàng không thể điều hành bằng cách dựa vào các quan chức cấp cao, đặc biệt là Hồng y Quốc vụ khanh, để quản lý hành chính mà không thực hiện các hành động đòi hỏi thẩm quyền đặc biệt của Giáo hoàng.
Tuy nhiên, Hồng y Quốc vụ khanh không thể đưa ra các quyết định chỉ dành riêng cho Giáo hoàng, như bổ nhiệm giám mục, ban hành các tuyên bố tín lý...
Giáo hoàng Leo (Lêô) XIII trở nên rất yếu ở cuối triều đại của mình (năm 1903), và Hồng y Quốc vụ khanh đã quản lý các công việc hằng ngày của Vatican.
Sau khi Giáo hoàng John Paul (Gioan Phaolô) II bị ám sát hụt vào năm 1981, và sau này khi sức khỏe Giáo hoàng John Paul II suy giảm vào năm 2005, Hồng y Agostino Casaroli và Hồng y Angelo Sodano đảm nhận vai trò quan trọng trong việc quản lý công việc của Tòa Thánh. Họ điều phối thông tin và quản lý các công việc hành chính nhưng tránh đưa ra các quyết định đòi hỏi thẩm quyền đặc biệt của Giáo hoàng.
Giáo hoàng Francis trò chuyện với Hồng y Angelo Sodano (trái) khi họ đến tham dự một công nghị tại Vatican ngày 13/2/2015. Angelo Sodano là Hồng y Quốc vụ khanh từ năm 1991 tới năm 2006. Ảnh: Reuters.
Nếu Giáo hoàng còn sống nhưng không thể điều hành, Hồng y Đoàn không có thẩm quyền chính thức để quản lý, nhưng có thể được tham vấn một cách không chính thức để đưa ra lời khuyên.
Năm 1954, Giáo hoàng Pius (Piô) XII bị bệnh nặng. Trong thời gian này, Hồng y Quốc vụ khanh Domenico Tardini tham khảo ý kiến của các Hồng y cao cấp khác để đảm bảo hoạt động trôi chảy của Vatican mà không vượt quá thẩm quyền của mình.
Năm 1870, Giáo hoàng Pius IX bị ốm nặng trong một thời gian ngắn, trong khi đó các quan chức cấp cao của Vatican duy trì hoạt động hành chính mà không đưa ra các quyết định lớn.
Giáo hoàng Pius XII năm 1951. Ảnh: Wikipedia.
Hiến pháp Tông Tòa (Tông Hiến) là loại văn kiện quy phạm cao cấp nhất và quan trọng nhất do Giáo hoàng ban hành. Tông Hiến cung cấp các quy tắc chung cho việc quản lý Vatican, nhưng không xác định rõ ràng quy trình khi Giáo hoàng còn sống nhưng không thể điều hành.
Trước khi trở thành Giáo hoàng Benedict (Biển Đức) XVI, Hồng y Joseph Ratzinger (sau này là Benedict XVI) năm 1991 đề xuất rằng Giáo hội nên có các hướng dẫn rõ ràng hơn cho tình huống này. Đề xuất này đã ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về việc từ nhiệm của Giáo hoàng, điều mà sau này ngài thực hiện vào năm 2013.
Bí ẩn vụ ám sát Giáo hoàng
Giáo hoàng John Paul II bị Mehmet Ali Agca, một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắn trọng thương khi ông đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981 như thường lệ. Cảnh sát bắt được tay súng, nhưng không tóm được tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa.
Viên đạn đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rơi trong xe, khiến Giáo hoàng dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ngài sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu.
Năm 1983, Giáo hoàng John Paul II đến thăm Agca và tha thứ cho việc mưu sát ngài. Ngài còn khẩn cầu nhà cầm quyền Ý ân xá cho Agca. Ngài giữ liên lạc với gia đình của Agca nhiều năm sau đó. Đến nay, người ta vẫn chưa rõ ai thực sự đứng sau vụ ám sát hụt Giáo hoàng John Paul II.
Giáo hoàng John Paul II năm 1984. Ảnh: Wikipedia.
Thái An
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/khi-duc-giao-hoang-om-nang-ai-se-dieu-hanh-vatican-post1719557.tpo