Những cung đường vốn gồ ghề, nắng bụi, mưa lầy, nay được trải nhựa thẳng tắp, sạch đẹp, thể hiện sự khởi sắc của vùng quê trên hành trình phát triển bền vững. Không còn là giấc mơ xa vời, đường nhựa giờ đây đã hiện diện cả ở những vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Phong trào nhựa hóa các tuyến đường đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tại xã Đan Hải (trước thuộc huyện Nghi Xuân), sau khi hoàn thành việc thảm nhựa các tuyến đường trục chính, người dân địa phương chủ động xây dựng hàng rào xanh, trồng cây bóng mát, hoa cảnh, tạo nên cảnh quan nông thôn tươi mới, gọn gàng và văn minh. Nhiều tuyến đường trở thành không gian sinh hoạt chung, nơi trẻ em vui chơi buổi chiều, người già dạo bộ, phụ nữ tham gia thể dục thể thao.
Ông Trần Anh Tuấn – Trưởng thôn Thống Nhất, xã Đan Hải chia sẻ: “Trước kia đường làng nhỏ hẹp, mặt đường lổn nhổn, mỗi lần mưa xuống là đường lầy lội. Giờ có đường nhựa, xe chạy êm, đi chợ, đưa đón cháu đi học rất thuận lợi. Mỗi chiều, người dân trong xóm còn ra tập dưỡng sinh, vừa khỏe, vừa vui”.
Tuyến đường được thảm nhựa dài nhất trên địa bàn xã Đan Hải là đường Song Biển, nối 2 thôn Thống Nhất - Kiều Văn dần được hoàn thiện.
Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Đan Hải (sáp nhập từ 4 xã Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Hải, Xuân Hội) đã thảm nhựa hơn 14km đường giao thông nông thôn. Tuyến dài nhất là đường Song Biển, nối 2 thôn Thống Nhất - Kiều Văn dần được hoàn thiện, góp phần xây dựng diện mạo mới cho thôn.
Tuyến đường mới không chỉ phục vụ đi lại mà còn kéo theo hàng loạt thay đổi tích cực trong đời sống và sinh hoạt cộng đồng. Ở một số thôn, chính quyền và người dân đã cùng tổ chức cải tạo vỉa hè, lắp đèn chiếu sáng, đặt ghế đá dọc các tuyến đường, biến đường làng thành không gian văn hóa, là nơi kết nối giữa các thế hệ. Những việc làm tưởng chừng nhỏ ấy đã làm cho làng quê Hà Tĩnh thêm phần rạng rỡ, trật tự.
Sau sáp nhập, hoạt động thảm nhựa đường giao thông vẫn diễn ra sôi nổi.
Ông Trần Bá Châu – Trưởng phòng Kinh tế (xã Đan Hải) cho biết: “Sau sáp nhập, hoạt động thảm nhựa đường giao thông trên địa bàn xã diễn ra sôi nổi, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Đến nay, hầu hết các tuyến đường trục thôn, trục xã cũ đã cơ bản được thảm nhựa, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Nguồn vốn chủ yếu đến từ các dự án đầu tư công của Nhà nước, kết hợp với sự đóng góp tích cực của người dân, trong đó nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông. Phong trào nhựa hóa các tuyến đường được người dân đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ”.
Thời gian tới, xã Đan Hải định hướng phát triển theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, từng bước tiếp cận theo hướng đô thị hóa nên việc thảm nhựa các tuyến đường là xu thế tất yếu. Xã sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thiện thảm nhựa toàn bộ các tuyến đường liên thôn, tiến tới nâng cấp các tuyến đường chính phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, sau đó sẽ triển khai đến các tuyến đường phục vụ sản xuất, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản.
Những tuyến đường thảm nhựa trên địa bàn xã Mai Phụ không chỉ tạo cảnh quan mà còn mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh tại nông thôn.
Cùng với cảnh quan, đường nhựa cũng đang mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh tại nông thôn. Việc vận chuyển nông sản, hàng hóa thuận lợi hơn giúp nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng mô hình kinh tế hộ gia đình. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng dễ dàng tiếp cận vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua tận nơi, giảm chi phí trung gian, tăng hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đối với xã Mai Phụ, xác định giao thông là tiêu chí quan trọng, có tính lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã đã tập trung nguồn lực để thảm nhựa hơn 11km đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường được cải tạo không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương thuận tiện cho người dân, mà còn tạo điểm nhấn cho các khu dân cư kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Xuân Bắc (áo xanh) trao đổi cùng cán bộ thôn về quá trình xây dựng không gian vỉa hè sau khi thảm nhựa các trục đường.
“Thời gian tới, xã tiếp tục huy động hiệu quả nguồn lực từ ngân sách các cấp và đẩy mạnh xã hội hóa, phấn đấu nhựa hóa toàn bộ các tuyến đường trục thôn, liên thôn. Đồng thời, từng bước nâng cấp các tuyến đường phục vụ sản xuất và giao thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Mục tiêu là xây dựng một không gian nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân”, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho hay.
Từ đầu năm đến nay, xã Đức Minh đã triển khai thảm nhựa được 14,5km đường giao thông nông thôn, tập trung chủ yếu tại các thôn Bến Hầu, Kim Mã và một số tuyến trục chính liên thôn, liên xóm. Việc đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn trong mùa mưa lũ mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Người dân phấn khởi khi những tuyến đường đất lầy lội trước đây giờ đã được thay bằng mặt đường sạch sẽ, khang trang.
Thảm nhựa các tuyến đường trục thôn ở xã Đức Minh giúp cải thiện đời sống người dân.
“Trước đây, đường trong thôn chủ yếu là đường bê tông đã xuống cấp, hẹp; mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa rất vất vả. Nay, được Nhà nước hỗ trợ, người dân cũng tự nguyện đóng góp ngày công, vật liệu nên mới làm được đường thảm nhựa như thế này. Bà con phấn khởi lắm, ai cũng có ý thức giữ gìn", ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Chi bộ thôn Bến Hầu cho hay.
Có thể nói, những con đường thảm nhựa không chỉ là hạ tầng giao thông đơn thuần, mà còn là tiền đề cho sự phát triển. Từ chất lượng sống, cảnh quan môi trường đến sinh hoạt cộng đồng, đời sống tinh thần, tất cả đang từng bước đi lên cùng những tuyến đường sạch đẹp, bền vững. Đó cũng là minh chứng sống động cho hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Hà Tĩnh, nơi chính sách được hiện thực hóa bằng những công trình cụ thể, gần dân, vì dân.
Đường quê khoác áo mới góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có gần 13.000km đường giao thông nông thôn, gồm: 2.300km đường xã sau sáp nhập, 1.200km đường đô thị và khoảng 9.500km đường giao thông nông thôn các loại.
Từ 2021 - 2025, tỉnh đã tập trung đầu tư bê tông xi măng, trong các năm tới sẽ chuyển sang thảm bê tông nhựa hoặc áp dụng các vật liệu chất lượng cao hơn để tăng cường kết cấu, nâng cao tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn này sẽ ưu tiên đồng bộ hóa, bền vững theo tiêu chí quốc gia về giao thông nông thôn mới.
Giai đoạn 2026–2030, Sở sẽ phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh và các ngành, địa phương tham mưu, xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cấp, phục hồi mặt đường.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Huỳnh - Phòng Quản lý Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng Hà Tĩnh
Video: Tất bật thảm nhựa ở tuyến đường trục thôn xã Đan Hải.
Sĩ Hoàng
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/khi-duong-lang-khang-trang-nhu-duong-pho-post292311.html