Khi FTZ trở thành cứu cánh: 'Mặt trận' âm thầm giữa cơn bão thuế quan

Khi FTZ trở thành cứu cánh: 'Mặt trận' âm thầm giữa cơn bão thuế quan
6 giờ trướcBài gốc
Những địa điểm này, gọi là khu thương mại tự do (FTZ) và kho ngoại quan, là các kho lưu trữ hoặc khu sản xuất được bảo vệ đặc biệt, đã được Hải quan Mỹ chấp thuận, nơi hàng hóa không bị áp thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế chỉ được áp dụng khi hàng hóa được đưa ra khỏi FTZ hoặc kho ngoại quan để tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
"Một năm trước, FTZ không phải là lựa chọn khả thi vì chi phí đầu tư ban đầu quá lớn", ông Jackson Wood - Giám đốc chiến lược ngành tại Descartes Global Trade Intelligence, công ty cung cấp hệ thống công nghệ cho FTZ - cho biết. "Nhưng giờ đây, các công ty đang tính toán lại để xem liệu giải pháp này có tiết kiệm chi phí không và với một số công ty, kể cả doanh nghiệp nhỏ, thì có".
Hiện có khoảng thời gian tạm hoãn 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia trước khi mức thuế mới có hiệu lực, tuy nhiên thuế đối với hàng hóa Trung Quốc hiện đã tăng vọt lên tới 145%.
Doanh nghiệp Mỹ đổ xô tìm "nơi trú ẩn" thuế quan
FTZ cho phép các nhà nhập khẩu và sản xuất tại Mỹ lưu trữ hàng hóa thành phẩm trong thời gian không giới hạn mà không phải nộp thuế. Hàng hóa được nhập khẩu theo diện bảo lãnh và đưa vào kho ngoại quan có thể được lưu trữ tối đa 5 năm kể từ ngày nhập khẩu. Tùy vào thời điểm hàng hóa được đưa ra khỏi FTZ hoặc kho ngoại quan, doanh nghiệp có thể chỉ phải trả thuế thấp hơn, hoặc thậm chí không phải trả - chiến lược này được gọi là "thuế quan đảo ngược".
Việc trì hoãn nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí khi nhập khẩu có thể cải thiện đáng kể "vị thế" tài chính của doanh nghiệp thông qua tiết kiệm chi phí, linh hoạt vận hành và cải thiện dòng tiền.
Ông Jeffrey J. Tafel - Chủ tịch Hiệp hội Khu thương mại tự do quốc gia Mỹ cho biết, tổ chức này bắt đầu chứng kiến làn sóng thành viên gia tăng từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, và số lượng đăng ký tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
"Với những thay đổi thuế quan diễn ra quá nhanh, nhiều công ty tìm cách lưu hàng trong FTZ để trì hoãn việc nộp thuế, cho đến khi họ quyết định nên xử lý số hàng đã nhập", ông Tafel nói. "Bất cứ khi nào tin tức về thuế quan xuất hiện, chúng tôi lại thấy sự quan tâm tăng vọt đối với các chương trình giúp doanh nghiệp Mỹ giảm thiểu tác động".
Ông Tafel cho biết thêm, số lượng công ty quan tâm đến việc trở thành "người nhận quyền FTZ" - tức được Hội đồng Khu thương mại tự do cho phép thiết lập và vận hành khu FTZ - đã tăng gấp 2 đến 4 lần mức thông thường.
FTZ được Quốc hội Mỹ thành lập vào những năm 1930 nhằm thúc đẩy đầu tư nội địa. Hiện nay, chương trình này sử dụng hơn 550.000 lao động Mỹ trên toàn bộ 50 bang và Puerto Rico, trong hầu hết mọi lĩnh vực công nghiệp.
FTZ cho phép các nhà nhập khẩu và sản xuất tại Mỹ lưu trữ hàng hóa thành phẩm trong thời gian không giới hạn, không phải nộp thuế. (Ảnh: Cfoto/Nhà xuất bản Tương lai/Getty Images qua CNBC)
FTZ - Lợi ích dài hạn và rào cản thiết lập
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chọn không nhập hàng nữa, dữ liệu gần đây từ châu Á cho thấy số đơn đặt hàng sản xuất và số chuyến tàu chở hàng giảm mạnh. Nhập hàng và lưu trong khu miễn thuế đang là lựa chọn thay thế.
"Chúng tôi đang có một bộ phận khách hàng chờ 30 ngày tới để xem tình hình thế nào", bà Janet Labuda, Trưởng bộ phận Hải quan và Thương mại tại Maersk, cho biết. "Số khác thì chuyển hàng vào kho ngoại quan khoảng 30 ngày, hy vọng tình hình lắng xuống, rồi sẽ lấy hàng ra và chịu mức thuế tại thời điểm đó".
Tuy nhiên, thiết lập một FTZ không hề rẻ - doanh nghiệp phải chi trả cho các dịch vụ tư vấn chuyên môn, thủ tục phê duyệt, cũng như tuyển dụng nhân lực và thiết lập hệ thống CNTT riêng để quản lý khu FTZ sau khi đi vào hoạt động.
Theo bà Gardner, việc sử dụng FTZ phụ thuộc nhiều hơn vào quy mô hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp chứ không phải lĩnh vực ngành nghề. Trong quá khứ, người sử dụng FTZ chủ yếu đến từ ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, ô tô, hàng không vũ trụ và điện tử.
Bên cạnh việc lưu kho, các nhà máy sản xuất (hoặc một phần nhà máy) cũng có thể được công nhận là FTZ, đặc biệt trong trường hợp thuế suất của linh kiện cao hơn thành phẩm. Khi thành phẩm được xuất khỏi FTZ, công ty chỉ phải trả thuế thấp hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xin Hải quan phê duyệt để tiêu hủy vật liệu dư thừa không dùng đến trong quá trình sản xuất - những vật liệu này cũng được miễn thuế. Doanh nghiệp cũng có thể xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài mà không bị đánh thuế nhập khẩu.
Ông Jordan Dewart - Chủ tịch Redwood Logistics Mexico cho biết, công ty ông đang nhận được rất nhiều yêu cầu và đề nghị tư vấn về FTZ. Dù chính quyền Trump tuyên bố đang đàm phán thương mại với 75 quốc gia sau khi công bố thuế mới nhưng ông Dewart cho rằng làn sóng quan tâm tới FTZ cho thấy các nhà nhập khẩu đang lo ngại chiến tranh thương mại có thể kéo dài. "Có vẻ khách hàng đang tìm giải pháp trong trường hợp các mức thuế cao này vẫn duy trì lâu dài", ông nói.
Lê Anh (Theo CNBC, Stankevicius)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/khi-ftz-tro-thanh-cuu-canh-mat-tran-am-tham-giua-con-bao-thue-quan-20425042214502864.htm