Họ là những “bản đồ sống”, những “kho dữ liệu di động”, những người trẻ mang theo khát vọng kết nối Trung Quốc với thế giới bằng chính hành động thực tiễn và tinh thần hội nhập.
Tại Hội chợ Chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc lần thứ ba vừa diễn ra ở Bắc Kinh, hàng trăm sinh viên đến từ 10 trường đại học ở Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự kiện. Với khả năng đa ngôn ngữ, tác phong chuyên nghiệp và tinh thần cống hiến, các tình nguyện viên trẻ đang kể những câu chuyện sống động về thế hệ thanh niên Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hóa.
Những “bản đồ sống” dẫn lối giao lưu
Từ ngày 8 đến 20/7, 480 sinh viên tình nguyện đã thực hiện gần 3.000 lượt công việc, đóng góp hơn 26.000 giờ phục vụ. Trong không gian triển lãm rộng hơn 120.000m² với sáu chuỗi công nghiệp và một khu trưng bày đặc biệt, các bạn trẻ trở thành những “bản đồ sống” và “cầu nối thông tin” cho hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Nguồn_ Nhân dân Nhật báo.
Kỷ Đồng Tâm – sinh viên ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh – chia sẻ: “Ngày khai mạc, tôi đã hỗ trợ đoàn đại biểu Ý đến thăm khu chuỗi nông nghiệp xanh, giúp họ đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc. Mỗi ngày tôi tiếp đón 3–4 đoàn, việc nắm chắc kiến thức chuyên ngành là tối quan trọng.”
Cố Đại Vỹ – sinh viên ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh – luôn mang theo bản đồ đánh dấu màu các khu trưng bày. Anh làm việc tại khu nông nghiệp xanh, nơi thường xuyên tiếp xúc với các thuật ngữ kỹ thuật như “cảm biến giám sát”, “phân tích phổ côn trùng”. Ban đêm, anh nghiên cứu tài liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả phiên dịch. Trong một cuộc gặp giữa doanh nghiệp Trung Quốc và đối tác Serbia, anh đã góp phần giúp đôi bên đi đến thỏa thuận sơ bộ.
Nguồn_ Nhân dân Nhật báo.
Công nghệ đồng hành cùng khát vọng tuổi trẻ
AI hiện diện ở khắp nơi tại hội chợ: từ máy hướng dẫn bằng giọng nói, máy phiên dịch hai màn hình, bút ghi âm AI đến bản đồ số hóa chuỗi giá trị. Đường Vũ Nhiên – sinh viên năm cuối chuyên ngành tiếng Ả Rập – nói: “Công nghệ cho thấy tiềm năng vô hạn trong giáo dục và giao lưu văn hóa. Tôi dự định học cao học, trở thành giảng viên tiếng Trung tại các quốc gia Ả Rập và tích hợp AI vào giảng dạy.”
Người trẻ – cầu nối của hợp tác quốc tế
Không chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ hậu cần, nhiều sinh viên cho biết CISCE đã mở ra cho họ tầm nhìn mới về nghề nghiệp.
Cố Đại Vỹ – vốn học tiếng Bồ Đào Nha, hiện đang theo đuổi ngành luật – cho biết: “Tôi nhận ra mình có thể kết hợp cả hai lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc trong các giao dịch quốc tế. Hội chợ đã giúp tôi xác định rõ hướng đi và tăng thêm tự tin khi làm việc với người nước ngoài.”
“Giao lưu là hiểu biết, là trách nhiệm”
Ông Abdul-Kawi – Tổng biên tập tạp chí Investment (Yemen) – đặc biệt ấn tượng với tinh thần chuyên nghiệp của sinh viên Trung Quốc. Trong suốt hội chợ, ông được sinh viên Đường Vũ Nhiên đồng hành, hỗ trợ phiên dịch. “Các bạn nói tiếng Ả Rập rất lưu loát, làm việc tận tâm và thân thiện. Chính điều đó khiến tôi cảm nhận được tình hữu nghị Trung Quốc một cách rõ ràng.”
Nguồn_ Nhân dân Nhật báo.
Chuẩn bị cho tương lai bằng hành động hôm nay
Thầy Vương Chấn Trạch – giảng viên Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh – nhấn mạnh: “Thế hệ trẻ muốn trở thành nhân tố quốc tế phải có nền tảng ngôn ngữ vững chắc, chuyên môn sâu và khả năng hòa nhập văn hóa. Chỉ khi đó, họ mới có thể thực sự đại diện cho tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.”
Tình nguyện viên Kỷ Đồng Tâm cũng cho rằng: “Học ngoại ngữ không phải để giao tiếp đơn thuần, mà là để trở thành người kết nối văn hóa và giải quyết vấn đề thực tế. Điều đó đòi hỏi kiến thức rộng, khả năng học tập không ngừng và tầm nhìn toàn cầu.”
Nguồn_ Nhân dân Nhật báo.
Từ một hội chợ triển lãm, những người trẻ đã không chỉ học thêm một ngôn ngữ, một khái niệm công nghệ, mà còn hiểu sâu hơn về vai trò của chính mình trong quá trình hội nhập. Những “câu chuyện kết nối” của họ hôm nay, chính là những mảnh ghép quan trọng cho tương lai đối thoại toàn cầu ngày mai.