Khi hiến máu trở thành 'thói quen yêu thương'

Khi hiến máu trở thành 'thói quen yêu thương'
2 giờ trướcBài gốc
Niềm vui của tình nguyện viên khi đến hiến tiểu cầu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Lan tỏa tinh thần, nhiệt huyết
Là giáo viên Toán với 11 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Ngọc Tú nổi bật không chỉ vì lòng nhiệt huyết với nghề mà còn bởi hành trình thiện nguyện, đặc biệt là hiến máu cứu người. Từ thời sinh viên tại Đại học Sư phạm Hà Nội II, anh Ngọc Tú đã tích cực tham gia hiến máu và nhận thấy việc này không chỉ giúp ích cho xã hội mà còn mang đến niềm vui lớn khi có thể cứu người. Với hơn 60 lần hiến máu trong đó có 32 lần hiến tiểu cầu, anh Tú luôn sẵn sàng cho máu mỗi khi bệnh viện cần. Không chỉ tích cực tham gia, anh Ngọc Tú còn truyền cảm hứng và vận động đồng nghiệp, hàng xóm cùng tham gia, biến phong trào hiến máu thành nét đẹp cộng đồng tại khu dân cư, trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt.
Đối với anh, hiến máu là nghĩa vụ công dân và cũng là niềm tự hào khi góp phần mang lại hy vọng cho những người bệnh. Hiến máu là cách thể hiện tình người, kết nối cộng đồng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Nhờ hành động kiên trì và ý nghĩa này, anh đã được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vinh danh là một trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2024.
Những đóng góp của anh Nguyễn Ngọc Tú không chỉ giúp đỡ những người cần máu mà còn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. Anh đã khơi dậy tinh thần nhân ái, lan tỏa thông điệp yêu thương và giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội.
Công tác tiếp nhận tiểu cầu rất ổn định, bền vững, hầu như không có thời điểm nào xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu cho điều trị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Anh Nguyễn Văn Chính (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang công tác tại Viện Phổi Trung ương, đã có đến 60 lần hiến máu. Trong đó, anh Chính đã 25 lần hiến máu toàn phần và 35 lần hiến tiểu cầu. Nhờ những đóng góp bền bỉ này, anh được vinh danh là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến tiểu cầu năm nay.
Ban đầu, anh Chính chỉ tham gia hiến máu. Cách đây ba năm, khi biết về nhu cầu tiểu cầu cấp thiết cho các bệnh nhân ung thư, tai nạn và phẫu thuật, anh nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc hiến tiểu cầu. Từ đó, anh không chỉ đều đặn đăng ký hiến tiểu cầu mà còn khuyến khích mọi người xung quanh cùng tham gia. Đặc biệt, do thời gian thực giữa 2 lần hiến tiểu cầu (từ 2-3 tuần) nhanh hơn hiến máu, anh Chính có thể hiến tiểu cầu nhiều lần trong năm, giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu của các bệnh viện.
Cuối tuần, anh Chính thường sắp xếp công việc, đăng ký trước và đến bệnh viện theo lịch. Để truyền cảm hứng cho con trai anh - bé Minh Đức (7 tuổi), anh thường dẫn con đi cùng, giúp con hiểu về ý nghĩa của hành động nhân văn này trong việc hiến máu cứu người.
Với anh Chính, hiến máu và tiểu cầu đã trở thành một phần trong cuộc sống của mình. Mỗi khi đủ thời gian phục hồi, anh Chính đều thu xếp công việc, đến bệnh viện hiến máu. Những lúc đi công tác xa, không thể hiến tiểu cầu như thường lệ, anh cảm thấy như thiếu một điều gì đó.
Sự nhiệt huyết của anh Chính đã góp phần lan tỏa thông điệp thiện nguyện đến cộng đồng, trở thành nguồn động lực cho gia đình, đồng nghiệp, mọi người xung quanh tham gia hiến máu. Năm 2023, anh Chính vinh dự là một trong 100 gương điển hình hiến máu tiêu biểu toàn quốc, biểu dương tinh thần sẻ chia, cống hiến của anh trong cộng đồng.
Phòng hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Lời cảm ơn sâu sắc dành cho những người hiến máu
Tại Lễ vinh danh những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2024 có mặt cả những bệnh nhân đã từng nhận tiểu cầu từ những người hiến tặng trong đó có chị Lưu Ngọc Lan – người từng trải qua hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm. Năm 2020, khi đang ở tuần thai thứ 37, chị Lan bất ngờ được chẩn đoán mắc ung thư máu. Các chỉ số máu của chị, bao gồm tiểu cầu và yếu tố đông máu, đều giảm mạnh, khiến tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng. Bác sĩ đánh giá chị Lưu Ngọc Lan phải đối mặt với nguy cơ chảy máu không thể cầm, tích tụ máu sau khi mổ. Do vậy, chị cần được truyền máu và chế phẩm máu liên tục để đảm bảo an toàn.
Thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, gây khó khăn lớn trong việc huy động người hiến máu. May mắn là nhờ sự kêu gọi trên mạng xã hội, hơn 200 người đã đến hiến máu, trong hoàn cảnh dịch diễn biến phức tạp. Trong một tuần, chị Lan được truyền gần 90 đơn vị chế phẩm máu bao gồm: Hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, và tủa lạnh, giúp chị vượt qua cơn nguy kịch và sinh con an toàn.
Giao lưu với người hiến tiểu cầu tiêu biểu tại chương trình. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Nhớ lại thời gian ấy, chị Lan xúc động chia sẻ: “Trước kia, tôi từng thắc mắc tại sao lại có nhiều người đi hiến máu đến thế, liệu có thật sự cần nhiều như vậy không. Nhưng khi bản thân rơi vào hoàn cảnh cần máu, tôi hiểu rằng việc hiến máu cứu người là thiết yếu. Tôi nhận ra, nếu không có những giọt máu kịp thời, tôi đã có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Đã bốn năm trôi qua, tôi vẫn mãi biết ơn những người đã dũng cảm hiến máu cho tôi và con tôi vào thời khắc đó".
Chị Lan bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những người hiến máu, nhấn mạnh sự biết ơn của mình khi những người hiến máu vừa dành thời gian, công sức âm thầm cứu giúp bệnh nhân, không màng đến sự cảm ơn hay công nhận. Tham gia buổi lễ, chị cũng gửi gắm lời tri ân thay mặt cho tất cả bệnh nhân đến những người đã sẵn lòng hiến máu, cứu người trong âm thầm.
Buổi lễ vinh danh khép lại trong không khí ấm áp, lắng đọng. Những câu chuyện của anh Tú, anh Chính và chị Lan như nhắc nhở về sức mạnh của sự cho đi, không mong sự hồi đáp. Với những tình nguyện viên này, hiến máu không chỉ là hành động nhân đạo mà còn là cách thầm lặng lan tỏa yêu thương, mang đến hy vọng cho những người cần giúp đỡ. Đằng sau những lần hiến máu là niềm tin rằng, dù nhỏ bé, mỗi người đều có thể góp phần làm nên điều kỳ diệu cho cộng đồng.
HQ (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/khi-hien-mau-tro-thanh-thoi-quen-yeu-thuong-20241026145240725.htm