'Khi học về STEM, AI, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách dạy học với môn Toán'

'Khi học về STEM, AI, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách dạy học với môn Toán'
8 giờ trướcBài gốc
Cô Vàng Thị Dính (37 tuổi, Hà Giang) là giáo viên người Mông, hiện đang công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Đồng Văn, một ngôi trường vùng cao với nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Dính luôn trăn trở làm cách nào để giúp các học trò của mình tiếp cận với những phương pháp học tập tốt hơn, đưa các em đến với sự bình đẳng trong giáo dục và chạm đến tương lai tươi sáng. Vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nguồn tài liệu, cô Dính vẫn không ngừng học tập, nâng cao chuyên môn để mang mô hình giáo dục STEM tới với học sinh vùng cao.
Không chỉ là một giáo viên tận tâm trên lớp, cô Dính cũng trực tiếp là người tham gia hướng dẫn các đội tuyển thi đấu Robotics trong trường và trên toàn địa bàn tỉnh Hà Giang, cô cũng là một trong 24 Đại sứ AI và robotics của STEAM for Viet Nam - tổ chức cung cấp những khóa học chất lượng quốc tế miễn phí xoay quanh 5 lĩnh vực Science - Technology - Engineering - Art - Math cho học sinh Việt Nam.
Giáo viên người Mông cùng hành trình tiếp cận với STEM, Robot và AI
Vào tháng 4/2023, cô Vàng Thị Dính được nhà trường cử tham gia cuộc thi giáo viên giỏi robotics của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang tổ chức, thời điểm đó là lần đầu tiên cô giáo người Mông được tiếp cận với STEM, Robot và AI. Nhớ về quãng thời gian này cô Dính chia sẻ:
“Thời điểm ấy tôi không biết STEM là gì, Robot hay AI cũng rất xa lạ. Khi nhà trường nhận được bộ robot giáo dục KCbot, tôi và một giáo viên khác được cử tham gia cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang tổ chức. Ban đầu vì được cử đi thi nên tôi cũng lo lắng, chỉ biết tự tìm kiếm thông tin, cố gắng theo dõi các video hướng dẫn để tập lắp ráp robot.
Nhiều thuật ngữ tiếng Anh tôi phải vừa làm vừa tra cứu. Bên cạnh đó cũng có sự hỗ trợ nhiệt tình của những chuyên gia, bạn bè của tôi ở Hà Nội. Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn rất nhiều, sai cũng nhiều nhưng mỗi lần như vậy tôi lại rút kinh nghiệm, có lúc phải thức đêm để lập trình. Nhưng cũng nhờ đó, tôi có niềm yêu thích với hoạt động này từ lúc nào không hay và mong muốn ứng dụng mô hình này vào giảng dạy cho học sinh vùng cao”.
Cô Vàng Thị Dính - giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Đồng Văn. (Ảnh: NVCC)
Chỉ với 1 tháng vỏn vẹn để tự học và nghiên cứu, cô Vàng Thị Dính cùng một đồng nghiệp trong nhóm đã giành giải ba với dự án robot quản sinh, lắp ráp thành công robot có thể di chuyển và báo hiệu tiếng ồn trong lớp học. Cũng chính nhờ giải thưởng này, cô Dính được tiếp thêm động lực nghiên cứu robot nhiều hơn. Ngay sau đó, cô được tổ chức STEAM for Vietnam cử làm trợ giảng trực tiếp hỗ trợ các học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học tại STEAMese Festival 2023 (Lễ hội khuyến khích giáo dục STEM diễn ra vào 2 ngày 26-27/8/2023).
Cô Dính cùng đồng nghiệp hướng dẫn các em học sinh ở giải đấu robot tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: NVCC)
Nhờ những kiến thức về giáo dục STEM qua các cuộc thi, nữ giáo viên đã ứng dụng phương pháp mới được học vào các tiết dạy giúp học sinh của cô học tập hào hứng hơn. Cô giáo người Mông nhận thấy rằng việc tạo ra sự gần gũi với kiến thức sẽ khơi gợi niềm yêu thích học tập của học trò, đây chính là tinh thần của mô hình giáo dục STEM.
“Tôi thường tổng hợp các kiến thức cơ bản của bài học thông qua những ví dụ thực tế bằng video hoặc hình ảnh, đây là cách để học sinh tiếp cận với kiến thức tốt hơn. Việc áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, sử dụng công nghệ tiên tiến khiến các em học sinh hứng thú học tập hơn. Các em còn có thể tự làm slide thuyết trình bằng powerpoint tại các buổi học”, cô Dính chia sẻ thêm.
Không ngừng học hỏi để mang phương pháp dạy học tiên tiến về trường, suốt ba tháng hè năm 2023, cô Dính đăng ký tham gia khóa học lập trình online của STEAM for Vietnam. Cô Dính cũng đi từ Hà Giang xuống Hà Nội trong hai ngày để tham gia một lớp học miễn phí cho các giáo viên vùng cao, những vùng khó khăn do Giáo sư Do Yong Park - học giả Fulbright về giáo dục STEM của Đại học Bang Illinois giảng dạy.
Sau khi trở về trường, cô đã khích lệ các đồng nghiệp tham gia học tập, giảng dạy theo mô hình mới. Đầu năm học 2024-2025, cô Dính thành lập câu lạc bộ STEM và Robot cho các học sinh trong trường, truyền cảm hứng để các em tham gia học tập sáng tạo:
“Trong học kì đầu tiên của năm học 2024-2025, tôi thành lập câu lạc bộ STEM và Robotics để học sinh yêu thích các bộ môn khoa học có thể tham gia. Hiện câu lạc bộ gồm 24 thành viên. Dù khả năng tiếp cận tin học của học sinh vùng cao chưa nhanh nhạy nhưng tôi tin khi các em say mê tìm hiểu chắc chắn sẽ tiến bộ rất tốt. Câu lạc bộ cũng thu hút nhiều học sinh trong trường quan tâm, đôi lúc các em gặp tôi để bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia câu lạc bộ, có cả các bạn nam và các bạn nữ.
Vào ngày 21/12/2024, nhóm 2 em học sinh của trường do tôi hướng dẫn đã giành giải ba hạng mục robot Vex VR tại Chung kết cuộc thi Việt Nam STEM, AI VÀ Robotics 2024 do báo Tiền Phong và Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là kỉ niệm đẹp với các em, khích lệ các em học tập nhiều hơn nữa”.
Cô Dính tích cực hướng dẫn học sinh về mô hình STEM trong ngày hội STEM tại trường. (Ảnh: NVCC)
Mong muốn STEM sẽ thay đổi giáo dục ở vùng cao cả về “chất” và “lượng”
Đối với cô Vàng Thị Dính, tự học là tâm thế cần có để sẵn sàng bước vào quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, cô Dính cũng kết nối thêm với các thầy cô giáo trên cả nước để cùng trao đổi tìm hiểu và chọn ra phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh ở từng giai đoạn, lứa tuổi. Nhắc về tầm quan trọng của mô hình giáo dục STEM trong công tác giảng dạy, đặc biệt là với khu vực vùng cao, cô Dính có những trăn trở:
“Khi học về STEM, AI, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách dạy học với môn Toán, một môn học có phần khô khan với nhiều học sinh. Ví dụ khi dạy về lũy thừa, thay vì viết lên bảng những con số có phần phức tạp, tôi cho các học sinh học đếm hạt đậu, là một nông sản gần gũi với các em ở ngoài đời sống.
Tôi thấy rằng khi xã hội phát triển nếu cứ đứng yên một chỗ, bản thân tôi sẽ chững lại, không còn sáng tạo nữa. Nếu không nâng cao chất lượng tốt hơn, không đi theo hướng giáo dục hiện đại, học sinh của tôi sẽ khó tiếp cận được tri thức mới. Học sinh thiếu kiến thức dẫn đến cuộc sống của các em tiếp tục gặp khó khăn. Như vậy, học sinh nghèo sẽ tiếp tục nghèo, các em sẽ lại kẹt trong một vòng tròn luẩn quẩn của nhận thức, tư duy cũ. Tôi thấy rằng điều cần phải thay đổi đó chính là tư duy của các em. Để làm được điều đó, bắt buộc cá nhân thầy cô phải thay đổi trước”.
Nữ giáo viên tham gia tập huấn về AI trong giảng dạy và robot ảo Vex VR tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. (Ảnh: NVCC)
Cô Dính cho rằng, để mô hình STEM, Robot và AI đến gần với các giáo viên và học sinh vùng cao, việc quan trọng là phải để cho thầy cô và học sinh nhìn thấy rõ ràng những hiệu quả mà phương pháp giáo dục này mang lại. Đây là lý do cô Dính tham gia tổ chức các cuộc thi, ngày hội và buổi huấn luyện kỹ năng để lan tỏa ý nghĩa STEM, Robot và AI đến các thầy cô và học sinh trong huyện Đồng Văn và trên cả tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, hành trình nào cũng có những khó khăn nhất định, cô Dính tâm sự: “Các em học sinh ở trường hầu như là người dân tộc thiểu số, tinh thần học tập còn chưa cao do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn. Các em cũng dễ nản nên việc đốc thúc tinh thần, cố gắng xây dựng những bài giảng thú vị để các em không còn e ngại trong việc tiếp nhận kiến thức cũng là điều mà tôi luôn trăn trở.
Thứ nhất, các em học sinh gặp phải rào cản ngôn ngữ khi chưa thạo tiếng phổ thông, nên việc hướng dẫn để các em hiểu các khái niệm khoa học cần nhiều sự kiên nhẫn. Thứ hai, môn Toán không phải là bộ môn yêu thích của hầu hết học sinh vì tâm lý còn ngại tính toán và sợ khó. Thứ ba, điều kiện về dụng cụ học tập còn chưa đầy đủ nên chúng tôi cũng phải chế tạo thủ công các mô hình giúp học sinh có các đồ vật thực tế để quan sát”.
Mô hình giáo dục STEM còn khá mới với nhiều giáo viên vùng cao, cô Dính băn khoăn làm thế nào để giúp các đồng nghiệp, học sinh có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả. Việc ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn giúp giải quyết nhiều vấn đề không chỉ trong giáo dục mà còn trong thực tiễn đời sống. Nữ giáo viên người Mông mong muốn STEM sẽ mang đến cho các học sinh vùng cao cơ hội nhìn thấy tương lai nghề nghiệp của mình.
“Theo văn bản số 3089/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học, việc để học sinh làm ra sản phẩm hay giải quyết vấn đề nào đó không thể chỉ dùng kiến thức tách riêng từng môn được. Điều này cần phải kết hợp sự hiểu biết của nhiều môn học lại với nhau, ít nhất là hai môn trở lên. Thực tế nếu học sinh không nắm vững kiến thức thì sẽ rất khó để thực hành. Giáo viên như tôi cũng cần tích cực học hỏi để giúp đỡ học sinh thực hành tốt hơn”, cô Dính bày tỏ.
Cô Dính hướng dẫn về robot KCbot cho các học sinh tại câu lạc bộ STEM và Robotics của trường. (Ảnh: NVCC) (Ảnh: NVCC)
Đối với vùng cao, vấn đề định hướng thay đổi những tư duy đã cũ ở các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh nữ là điều mà cô Dính chú ý tới trong quá trình đào tạo: “Tôi nhận thấy việc giáo dục nghề nghiệp cho học sinh từ sớm rất quan trọng, việc phát hiện ra năng lực của học sinh giúp giáo viên có công cụ để định hướng tốt hơn. Kết hợp thêm với mô hình STEM, thầy cô có thể hỗ trợ các em hình dung cụ thể về ngành nghề sẽ theo đuổi trong tương lai. Các bạn học sinh nam hay học sinh nữ cũng cần phải được thầy cô giáo định hướng càng sớm càng tốt.
Còn riêng với các bạn học sinh nữ ở vùng cao, nếu có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hoặc học bổng thì chắc chắn sẽ khuyến khích được học sinh tích cực học tập hơn. So với năm 2023, thời điểm năm 2024 có khá nhiều em học sinh nữ quan tâm đến robot, lập trình. Cá nhân tôi vẫn sẽ tiếp tục học hỏi để góp phần thay đổi nhận thức của học sinh vùng cao nói chung về vấn đề này”.
Năm 2023, học trò của cô Vàng Thị Dính đã cho thấy nữ sinh vùng cao cũng bước đầu làm chủ được cả robot VEX IQ của Mỹ với 1.600 chi tiết máy khi cùng đồng đội đoạt giải Nhì ở Trại hè GART robotics tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội (trực thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ).
Ngày 26/10/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng STEAM for Vietnam, UNICEF Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Scratch Foundation đã tổ chức tọa đàm quốc tế: “Triết lý học tập Scratch - Thúc đẩy và Trải nghiệm mô hình học tập sáng tạo”. Tại đây, cô Vàng Thị Dính đã trình bày kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy môn Toán. Vào ngày 16/11/2024, cô Dính cũng được mời đến chia sẻ về công tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học với khoảng 900 giáo viên ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Hiện cô Dính và các học sinh của mình đang trong quá trình tập luyện cho giải Vex IQ khu vực phía Bắc diễn ra ở Thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) vào ngày 18-19/1/2025. Cô Dính cũng mong muốn trau dồi thêm tiếng Anh để đọc các tài liệu và tự tin tham gia hội thảo quốc tế vào thời gian tới.
Hành trình thắp sáng ngọn lửa giáo dục STEM và robotics ở huyện Đồng Văn của cô Vàng Thị Dính là một minh chứng cho thấy, với nỗ lực và quyết tâm, không gì là không thể.
Cô Dính (bên phải) cùng các đại biểu trong tọa đàm “Triết lý học tập Scratch - Thúc đẩy và Trải nghiệm mô hình học tập sáng tạo” tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: website Đại học Bách khoa Hà Nội)
Thảo Lê
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/khi-hoc-ve-stem-ai-toi-da-thay-doi-hoan-toan-cach-day-hoc-voi-mon-toan-post248631.gd