Khi kho vàng Manhattan trở thành dấu hỏi địa kinh tế

Khi kho vàng Manhattan trở thành dấu hỏi địa kinh tế
12 giờ trướcBài gốc
Vàng được trữ tại một ngân hàng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, gần đây, những lời kêu gọi các chính phủ châu Âu nên “hồi hương” số vàng mà họ cất trữ tại Mỹ là dấu hiệu cho thấy một xu hướng mới đang diễn ra.
Trong bài viết, tác giả Gillian Tett tiết lộ, một thập kỷ trước, ông đã hỏi các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang New York (Fed) rằng liệu ông có thể xem qua kho dự trữ vàng của họ không, nhưng không được chấp thuận. Lý do là gì? Các viên chức của Fed từ lâu đã tự hào vì có kho vàng lớn nhất thế giới, được đào sâu 24m xuống nền đá của trung tâm Manhattan. Nhưng kho vàng này không được công bố rộng rãi, bởi phần lớn trong số 507.000 thỏi vàng trong kho này thuộc về các quốc gia như Đức và Italy.
Nhưng đang có sự dịch chuyển xu hướng: “một nốt nhạc bất hòa đã vang lên”. Trong những tuần gần đây, các chính trị gia ở Đức và Italy đã yêu cầu “hồi hương” số vàng của họ, ước tính trị giá 245 tỷ USD. Nhiều nơi khác cũng vậy. Hiệp hội Người nộp thuế châu Âu bày tỏ lo ngại về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ảnh hưởng đến sự độc lập của Fed.
Cả Fed và các chính phủ châu Âu dường như không có ý định hành động như vậy và không có dấu hiệu nào cho thấy vàng sẽ di chuyển về phía Đông. Vàng đã tràn vào chứ không phải ra khỏi nước Mỹ kể từ sau chiến thắng bầu cử của Tổng thống Trump, làm dấy lên suy đoán rằng các cơ quan trong Chính phủ Mỹ, giống như các nhà đầu tư tư nhân, có thể đang tích trữ vàng (mặc dù không có bằng chứng công khai nào về điều đó).
Dù sao, một điều gần như khó có thể chối bỏ là những lời kêu gọi “hồi hương” này là dấu hiệu của sự ngờ vực đang lan rộng. Lý do những thỏi vàng đó được đặt trong các hầm chứa ở New York ngay từ đầu là vì các đồng minh của Mỹ cho đến nay vẫn cho rằng Washington là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của phương Tây và hệ thống tài chính dựa trên đồng USD. Tuy nhiên, hiện tại, những nhân vật trong ê-kíp của ông Trump- bao gồm Tiến sĩ Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế, và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent- đang phản đối "chi phí" của hệ thống này. Do đó, câu hỏi mà các nhà đầu tư cần đặt ra là các quốc gia khác có thể làm gì nếu chiến tranh thương mại cũng gây ra các cuộc chiến về vốn.
Ở châu Á, cuộc tranh luận này đã diễn ra khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự đa dạng hóa. Một dấu hiệu là việc mua vàng tăng vọt. Một dấu hiệu nữa là những biến động giá bất thường gần đây trên thị trường tài chính của Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy sự miễn cưỡng trong việc mua tài sản bằng đồng USD. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng phạm vi sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch thương mại và phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) để thách thức hệ thống thanh toán liên ngân hàng Swift do Mỹ kiểm soát.
Các nhà đầu tư cũng cần theo dõi sáng kiến mBridge, một dự án tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương xuyên biên giới do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khởi xướng vào năm 2023. Năm 2024, Washington đã buộc BIS phải rút khỏi dự án này, để lại quyền kiểm soát cho Trung Quốc.
Ngược lại, châu Âu cho đến nay khá thụ động. Tuy nhiên, những nhân vật như Giáo sư Francois Heisbourg, một cố vấn quan trọng của châu Âu, đang thúc đẩy chuẩn bị cho một kế hoạch "châu Âu hậu Mỹ". Và trong khi điều này dẫn đến những cam kết về chi tiêu quân sự lớn hơn, thì trọng tâm hiện cũng đang chuyển sang "địa kinh tế", hay ý tưởng rằng chính trị phải thúc đẩy chính sách công nghiệp.
Các nhà phân tích như Tiến sĩ Elmar Hellendoorn, tại Hội đồng Đại Tây Dương, cũng muốn tiến xa hơn với chính sách "địa tài chính". Ông lập luận rằng châu Âu dễ bị tổn thương vì không chỉ dựa vào tài chính USD mà còn bị ảnh hưởng bởi dòng vốn đầu cơ. Do đó, "phần lớn nền kinh tế châu Âu hiện đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, nếu không muốn nói là sự kiểm soát trực tiếp, của các công ty Phố Wall, vốn phải tuân theo luật pháp Mỹ và nghệ thuật chính trị tài chính của Washington".
Liệu điều này có thể thay đổi không? Ủy ban châu Âu (EC) đang thực hiện những bước đi nhỏ theo hướng đó, bằng cách đẩy nhanh nỗ lực tạo ra một thị trường vốn châu Âu duy nhất. Các ngân hàng trung ương trên khắp châu Âu cũng đang phát triển các loại tiền kỹ thuật số xuyên biên giới và bản thân Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xây dựng một đồng euro kỹ thuật số. Điều đó tạo nên một cuộc cạnh tranh chính sách hấp dẫn với Washington, nơi đang chấp nhận các loại tiền ổn định dựa trên đồng USD- một phần vì ông Bessent cho rằng điều này sẽ tạo ra hàng nghìn tỷ USD nhu cầu mới đối với trái phiếu kho bạc.
Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như vẫn còn quá yếu để thực sự tạo ra một "khoảnh khắc đồng euro toàn cầu", như lời Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nói. Và điều đó dường như khó có thể thay đổi trừ khi xảy ra khủng hoảng, có thể là mất niềm tin của thị trường vào đồng USD (do lo lắng về tài chính) hoặc cách tiếp cận cực đoan của Mỹ đối với châu Âu.
Đây là lý do tại sao những kho vàng Manhattan đó lại quan trọng: nếu những cuộc khủng hoảng như vậy thực sự xảy ra, thật dễ để tưởng tượng ra một kịch bản mà các nhà lãnh đạo Mỹ (tốt nhất) sẽ khăng khăng sử dụng vàng thỏi làm tài sản thế chấp cho các giao dịch hoán đổi USD hoặc (tệ nhất) là trở thành công cụ để cưỡng ép chính trị.
Bundesbank -Ngân hàng liên bang Đức- đã xoa dịu nguy cơ đó, ít nhất là cũng công khai khi nói với tờ Financial Times: “Chúng tôi không nghi ngờ gì rằng Fed chi nhánh New York là đối tác đáng tin cậy để bảo vệ an toàn cho dự trữ vàng của chúng tôi”. Có vẻ chắc chắn là như vậy.
Nhưng cuộc tranh luận hiện nay cho thấy rằng ít nhất thì những kịch bản không thể tưởng tượng được trước đây cũng đang được nghĩ tới. Việc đòi lại vàng là một động thái hoàn toàn có thể xảy ra.
Đỗ Vân/BNEWS/Vnanet.Vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/khi-kho-vang-manhattan-tro-thanh-dau-hoi-dia-kinh-te/379307.html