Khi làng nghề 'hòa sóng du lịch'

Khi làng nghề 'hòa sóng du lịch'
một ngày trướcBài gốc
Đến điểm du lịch thuộc Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại, dịch vụ Lê Gia (xã Hoằng Thanh), du khách được tham quan, trải nghiệm các sản phẩm của người dân vùng biển.
Bãi biển thuộc phường Tĩnh Gia hiện vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ như món quà quý từ thiên nhiên. Hòa vào không gian ấy là những “phiên chợ hải sản” họp trên bãi biển vào mỗi buổi sáng sớm, nhộn nhịp người bán, người mua. Chị Mai Thị Hà, du khách đến từ thủ đô Hà Nội rất thích thú với không khí ở bờ biển khi thuyền về. Ở đây, chị mua được nguồn hải sản tươi ngon, giá cả phải chăng. “Hòa mình vào cuộc sống của ngư dân, mình hiểu thêm những nét văn hóa làng biển với đặc thù, sức hấp dẫn riêng. Nhưng ở đây ngoài tắm biển và mua hải sản, mình chẳng biết chơi gì, tham quan ở đâu” - chị Hà nói.
Ắt hẳn chị Hà và nhiều khách du lịch không biết, ở phường Tĩnh Gia có làng nghề Do Xuyên - Ba Làng lâu năm nổi tiếng với nghề chế biến hải sản. Nghề làm nước mắm đã có từ rất lâu đời ở đất Tĩnh Gia và các thế hệ sau cứ vậy mà tiếp nối cha ông, đem cái nghề gắn liền với cuộc sống của họ tồn tại, phát triển đến tận ngày nay. Theo ông Dương Văn Tác, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, cho biết: Hiệp hội hiện có 22 thành viên, là các doanh nghiệp, hộ sản xuất và chế biến hải sản trên địa bàn. Trong đó, hiệp hội đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao và hàng chục sản phẩm OCOP 3 sao, như mắm tôm, mắm tép, mắm chua... Nhiều sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị và chuỗi cung ứng thực phẩm trên khắp cả nước.
Ai cũng hiểu, nếu du khách tham quan, trải nghiệm ngay tại nơi sản xuất, sản phẩm làng nghề sẽ được tiêu thụ trực tiếp, không phải qua khâu trung gian và hiệp hội có cơ hội giới thiệu nghề truyền thống của địa phương đến du khách. Tuy nhiên, trên thực tế làng nghề truyền thống nước mắm Do Xuyên - Ba Làng lại rất ít khách tới tham quan. Thi thoảng, một vài đoàn khách từ các tỉnh về Thanh Hóa công tác đến tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất các sản phẩm. Vì thế, sản phẩm tiêu thụ qua kênh tham quan, trải nghiệm ngay tại nơi sản xuất tương đối ít. Do đó, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chế biến hải sản trên địa bàn vẫn phải phân phối sản phẩm qua các kênh trung gian, như nhập cho các nhà hàng, điểm bán hàng du lịch, thương nhân thu mua...
Mùa du lịch năm nay, làng nghề truyền thống nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Thanh nổi lên như là điểm sáng đầu tiên trong hành trình làm du lịch của người làng biển. Giữa năm 2024, Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại, dịch vụ Lê Gia chính thức mở cửa để du khách tham quan, trải nghiệm tại nhà thùng mắm Lê Gia. Phát triển từ cơ sở chế biến hải sản ở làng nghề truyền thống nước mắm Khúc Phụ, Lê Gia kế thừa, phát huy kinh nghiệm cổ truyền kết hợp với chế biến sâu các sản phẩm hải sản đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, thân thiện với môi trường.
Đến điểm du lịch Lê Gia, du khách được tham quan khu vực sản xuất, tận mắt chứng kiến những thùng gỗ lớn chứa mắm; lắng nghe về chuyện ngâm, ủ, quy trình làm mắm để thêm yêu đất và người làng biển. Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại, dịch vụ Lê Gia, cho biết: Thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách tại nhà thùng mắm Lê Gia, doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng trên 30%. Tính riêng từ tháng 6 đến nay, Lê Gia đã đón 15.000 lượt khách từ Khu du lịch Hải Tiến đến tham quan. Đó là niềm vui với doanh nghiệp, đồng thời là tín hiệu tích cực đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang trăn trở gắn sản xuất với phát triển du lịch làng nghề truyền thống.
Thực tế cho thấy, du lịch, trải nghiệm nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nói chung và các xã ven biển nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng. Theo phân tích của ông Lê Anh, nguyên nhân cơ bản là do các làng nghề truyền thống hoạt động ở phạm vi nhỏ như trong gia đình, thôn, làng, chứ chưa mở rộng ra bên ngoài. Trong khi đó, sự hợp tác, kết nối giữa các làng nghề, điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành chưa thực sự thường xuyên, hiệu quả. Vì vậy, khách du lịch ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm du lịch làng nghề. Thêm nữa, phần lớn các hộ gia đình sản xuất tại các làng nghề chưa thấy được hiệu quả trong đầu tư, khai thác giá trị sản xuất gắn kết với du lịch để mang lại nguồn thu. Đa phần các làng nghề chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy nên việc tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch đến với làng nghề hầu như chưa có.
Để các làng nghề ven biển thực sự phát huy được tiềm năng cần có các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc quy hoạch, phát triển, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, các làng nghề cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng... Mặt khác, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành vào đầu tư xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch từ làng nghề truyền thống. “Gắn làng nghề với phát triển du lịch không phải là câu chuyện chỉ của người dân làm nghề, mà là sự bắt tay giữa các bên, bao gồm cơ chế, chính sách của Nhà nước, cá thể làm nghề, làng nghề và các doanh nghiệp lữ hành. Nếu thiếu một trong số đó, thì du lịch làng nghề sẽ rất khó để phát triển” - ông Lê Anh khẳng định.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/khi-lang-nghe-hoa-song-du-lich-255987.htm