Hai người trẻ than phiền vì đại lễ 30/4 khiến mất ngủ, tắc đường. Một người lính già khoác quân phục, cắm cờ đỏ sau xe, vượt hàng trăm cây số vào Nam để dự đại lễ. Hai hình ảnh. Hai thế hệ. Một lời cảnh báo.
Khi “tiếng máy bay” trở thành sự khó chịu
Sau vụ một MC nữ cảm thấy “không tự hào” và “rất phiền”, người mẫu kiêm ca sĩ Lê Trung Cương cũng khiến nhiều đồng nghiệp, khán giả bức xúc khi có bài đăng nói về sự kiện mừng đại lễ 30/4. Trên trang cá nhân, Lê Trung Cương viết: "Mong đại lễ này qua mau giúp. Bắt đầu thấy mệt mỏi với kẹt xe, chặn đường, máy bay quân sự ầm ầm trên đầu mỗi sáng".
Những phát ngôn tưởng như vô thưởng vô phạt ấy lại thổi bùng giận dữ cộng đồng. Không phải vì kẹt xe hay tiếng ồn, mà vì sự thiếu vắng lòng biết ơn, sự thiếu hiểu biết về giá trị lịch sử của ngày mà cả dân tộc lấy làm thiêng liêng, ngày thống nhất đất nước sau bao nhiêu máu xương tổn thất. Sau sự việc trong bài viết mang danh nghĩa bảo vệ pháp lý, trang Facebook mang tên luật sư Luân Lê đã đưa ra quan điểm: “Luật pháp không cho phép trừng phạt cảm xúc”, và rằng những phát ngôn như của các bạn trẻ “chỉ là bộc lộ nội tâm, không đáng bị chỉ trích.”
Người dân TP. Hồ Chí Minh và muôn triệu người con đất Việt tràn ngập niềm vui, lòng tự hào và biết ơn hướng về đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Ngọc Dương
Cùng thời điểm ấy, mạng xã hội lan truyền một hình ảnh khác. Cụ Trần Văn Thanh (77 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) rời khỏi nhà từ 17/4, bắt đầu hành trình tự lái xe máy vào TPHCM để được hòa mình vào sự kiện trọng đại của đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) với lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ treo sau xe máy.
Cụ không than kẹt xe. Không sợ đường xa. Không cần ống kính. Cụ chỉ lặng lẽ đi như một lời hẹn với đồng đội đã nằm lại đâu đó giữa rừng già năm 1975. Như một lời chào muộn với TP. Hồ Chí Minh ngày thống nhất. Như một khúc tưởng niệm không lời, mà cả dân tộc xúc động.
Không cần phân tích quá dài. Một bên là sự vô cảm thời hiện đại, bên kia là ký ức sống động của lịch sử. Một bên coi ngày đại lễ là “phiền phức”. Bên kia xem đó là thiêng liêng cần tri ân. Đây không còn là chuyện phát ngôn. Mà là biểu hiện của sự mất gốc, rạn vỡ truyền thống khi một bộ phận giới trẻ bắt đầu quên mất rằng mình đang sống trên nền hòa bình, mà cha ông đã trả bằng máu.
Biết ơn - văn hóa toàn cầu
Sự tôn kính với thế hệ đi trước là một giá trị văn hóa phổ quát toàn cầu – chứ không phải chuyện “cổ hủ” như một số người trẻ ngộ nhận
Ở Nga, Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 là quốc lễ. Mọi kênh truyền hình, đường phố, quảng trường đều ngập cờ đỏ để tưởng nhớ 27 triệu người Nga đã ngã xuống trong Thế chiến II. Các cụ cựu binh được vinh danh như anh hùng sống – trẻ em tặng hoa, xếp hàng xin chụp ảnh.
Còn ở Mỹ, Memorial Day (Ngày tưởng niệm binh sĩ) là dịp để người Mỹ nghỉ lễ, treo cờ rủ, đặt hoa ở nghĩa trang liệt sĩ. Hàng ngàn bài diễn văn, show truyền hình, sự kiện cộng đồng tất cả để nhắc nhở: “Freedom isn’t free – Tự do không phải thứ có sẵn”. Vào ngày này, chính quyền và người dân cũng sẽ tổ chức tuần hành khắp đường phố với mục đích vinh danh những anh hùng dân tộc đã hy sinh khi phục vụ đất nước Hoa Kỳ. Chính các hoạt động tìm hiểu lịch sử hoặc tuần hành đã đem lại không khí sôi nổi và tạo nên một nét văn hóa độc đáo trong ngày lễ Memorial Day.
Ở Hàn Quốc, trong Ngày Hyun Choong Il tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, học sinh phải đứng mặc niệm, cả quốc gia ngừng 1 phút, chuông nhà thờ, nhà ga đều vang lên cùng lúc. Truyền hình quốc gia phát phim tài liệu tri ân.
Cần phản biện kịp thời
Những phát ngôn thiếu suy nghĩ từ người nổi tiếng như trên là không thể chấp nhận khi họ có lượng người theo dõi lớn, ảnh hưởng đến tư duy và hệ giá trị của giới trẻ. Khi họ tỏ thái độ dửng dưng với lịch sử, họ vô tình cổ súy một lối sống thờ ơ, phi truyền thống, coi nhẹ cội nguồn. Nếu không được phản biện kịp thời, điều này sẽ trở thành lệch chuẩn văn hóa ngầm, khó sửa chữa. Trở lại với lập luận trong bài viết trên trang mang tên một luật sư, không ai trừng phạt cảm xúc – chỉ có cộng đồng phản ứng với biểu hiện thiếu trách nhiệm công dân. Đó không phải là luật hình sự, mà là chuẩn mực văn hóa, là phản xạ đạo đức xã hội mà bất cứ quốc gia nào cũng có, từ Việt Nam đến Mỹ, Nga, Nhật. Thưa luật sư, không ai bắt người trẻ phải “yêu nước kiểu giáo điều”. Nhưng khi họ xúc phạm lịch sử, phủ nhận ký ức, thờ ơ với những hy sinh thì họ không chỉ bày tỏ cảm xúc, mà đã đạp lên nền đạo lý cộng đồng.
Luật pháp không điều chỉnh cảm xúc. Nhưng luân lý, văn hóa, lương tri dân tộc thì có. Và điều đó không phải “trừng phạt”, mà là cơ chế tự vệ xã hội trước những biểu hiện lệch chuẩn đang ngày càng lan nhanh trong thời đại mạng xã hội. Phát ngôn lệch chuẩn không thể trốn sau tấm khiên “cảm xúc riêng tư”.
Người trẻ hôm nay không cần phải mặc áo lính, không cần phải “diễn tập yêu nước”. Nhưng cần một thái độ đúng mực với lịch sử, với ký ức của dân tộc. Yêu nước không phải là khẩu hiệu. Đó là biết trân trọng quá khứ, cư xử văn minh với hiện tại và có trách nhiệm với tương lai.
Đừng để sự vô cảm trở thành căn bệnh quốc dân. Hãy biến lòng biết ơn thành sức mạnh văn hóa.
Đại Bàng