Nếu không có sự phối hợp khéo léo và tầm nhìn dài hạn, đây có thể trở thành ngòi nổ mới làm lung lay nền tảng quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Ukraine được đánh giá là "kho báu khoáng sản" của châu Âu. Trước chiến tranh, nước này sở hữu một danh mục tài nguyên đáng nể gồm lithium, than chì, titan và các kim loại đất hiếm - những vật liệu cốt lõi trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao, pin lưu trữ và năng lượng tái tạo.
Bản đồ phân bổ các tài nguyên khoáng sản tại Ukraine. Ảnh: IP
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021, ước tính Ukraine có thể nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về trữ lượng lithium ở châu Âu. Nắm giữ được nguồn tài nguyên này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn mang tính chiến lược trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu. Không ngẫu nhiên mà ngay từ năm 2021, EU đã ký với Ukraine một thỏa thuận đối tác về nguyên liệu thô chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh của khối. Thỏa thuận này được xem là bước đi đón đầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - quốc gia hiện kiểm soát phần lớn thị trường kim loại đất hiếm toàn cầu.
Kể từ sau khi xung đột nổ ra, Brussels liên tục khẳng định cam kết lâu dài với Kiev, không chỉ về hỗ trợ quân sự mà còn trong việc tái thiết kinh tế hậu chiến. Tuy nhiên, trong một động thái đang gây tranh cãi mạnh mẽ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã đề xuất một thỏa thuận riêng với Ukraine, trong đó các nhà đầu tư Mỹ sẽ được quyền tiếp cận trực tiếp vào hệ thống mỏ khoáng sản và năng lượng của nước này, bao gồm cả dầu mỏ, khí đốt và hydrocarbon. Theo một bản ghi nhớ bị rò rỉ, Mỹ còn đề xuất thành lập một Quỹ đầu tư tái thiết do hai bên cùng kiểm soát, qua đó phía Mỹ có quyền ưu tiên trong việc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược liên quan đến tài nguyên thiên nhiên của Ukraine. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được các gói viện trợ quân sự và tài chính lớn hơn từ Washington.
Đề xuất này ngay lập tức khiến nhiều quan chức EU lo ngại. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách quan hệ đối ngoại Stéphane Séjourné tuyên bố rằng, EU đã ký một thỏa thuận "cùng có lợi" với Ukraine từ trước chiến tranh và đang tích cực triển khai các dự án cụ thể, nhất là trong lĩnh vực khai thác than chì.
Ông cảnh báo, việc Mỹ thiết lập các cơ chế kiểm soát song phương mà không thông qua cơ chế đa phương có thể làm suy yếu vai trò của EU và gây ra sự đứt gãy trong quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine. Giới nghị sĩ châu Âu cũng lên tiếng mạnh mẽ hơn. Ông Thijs Reuten, một thành viên Nghị viện châu Âu người Hà Lan, không ngần ngại chỉ trích chiến thuật của Mỹ là "áp đặt lợi ích ngắn hạn" và đi ngược lại tinh thần hợp tác lâu dài mà EU đang theo đuổi.
Theo ông, "Ukraine hiểu rõ rằng mối quan hệ với châu Âu là một sự gắn kết chiến lược, không thể bị hoán đổi bởi chính sách nước Mỹ trên hết". Về phía Ukraine, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky hiện chưa đưa ra lập trường chính thức, song các nguồn tin ngoại giao tiết lộ rằng Kiev đang đứng trước sức ép ngày càng lớn trong việc lựa chọn đối tác ưu tiên cho giai đoạn tái thiết. Việc phải cân bằng giữa hai khối quyền lực có thể khiến Ukraine rơi vào thế lưỡng nan: nếu nghiêng về Mỹ, nước này có thể mất đi niềm tin và cam kết đầu tư lâu dài từ EU; nếu ưu tiên châu Âu, họ có nguy cơ đánh mất sự hậu thuẫn quân sự và chính trị từ Washington - yếu tố then chốt để tồn tại trong thời chiến.
Không thể phủ nhận rằng cả Mỹ và EU đều có những lý do xác đáng để quan tâm đến tài nguyên của Ukraine. Mỹ nhìn thấy cơ hội để củng cố chuỗi cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ. EU thì coi đây là yếu tố sống còn trong chiến lược tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, chính sự thiếu phối hợp và cạnh tranh nội bộ đang tạo ra những rạn nứt nguy hiểm trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương - điều mà Nga và các đối thủ địa chính trị khác có thể khai thác.
Bài học từ các cuộc tái thiết trước đây, như ở Iraq hay Afghanistan, cho thấy, việc phân chia lợi ích không minh bạch giữa các bên viện trợ có thể dẫn đến xung đột lợi ích, tham nhũng và mất ổn định lâu dài. Ukraine không thể là ngoại lệ nếu cộng đồng quốc tế không xây dựng được một khuôn khổ hợp tác minh bạch, công bằng và tôn trọng chủ quyền của nước sở tại.
Nhà nghiên cứu chính sách châu Âu Gustav Gressel, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định: "Nếu không có một cơ chế chia sẻ lợi ích rõ ràng và có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, quá trình tái thiết Ukraine sẽ trở thành một cuộc cạnh tranh chính trị nguy hiểm, làm xói mòn niềm tin giữa các đồng minh và gia tăng bất ổn khu vực". Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Brenda Shaffer (trường Đại học Georgetown) cảnh báo rằng: "Cuộc đua khoáng sản ở Ukraine có thể trở thành một mối nguy chiến lược nếu các nước phương Tây không phối hợp hành động và để lợi ích riêng lấn át mục tiêu chung".
Rốt cuộc, vấn đề không nằm ở việc ai sẽ kiểm soát tài nguyên của Ukraine, mà là liệu phương Tây có thể duy trì được sự thống nhất chiến lược trong giai đoạn quyết định của cuộc khủng hoảng này hay không. Một mô hình hợp tác ba bên - Mỹ, EU và Ukraine - có thể là lối thoát cần thiết, đảm bảo rằng tài nguyên của Ukraine được khai thác minh bạch, phục vụ cho lợi ích quốc gia và tái thiết kinh tế, đồng thời không làm tổn hại đến mối quan hệ đồng minh đã được xây dựng trong suốt nhiều thập niên.
Câu hỏi đặt ra lúc này không chỉ là "ai sẽ thắng" trong cuộc đua tài nguyên ở Ukraine, mà là liệu phương Tây có sẵn sàng hành xử như một khối thống nhất - hay sẽ để những lợi ích riêng rẽ đánh mất mục tiêu chung: bảo vệ một Ukraine độc lập, toàn vẹn và có chủ quyền.
Khổng Hà