Trong các loại cá thì cá biển có nhiều chất dinh dưỡng, giàu omega-3, vitamin và khoáng chất… Chính vì thế, nhiều người thích ăn cá biển không chỉ vì nó có vị ngon, ngọt, dễ chế biến mà còn do những lợi ích đối với sức khỏe mà cá biển mang lại. Tuy nhiên, việc lựa chọn mua được cá biển ngon, bảo đảm ATVSTP đôi khi lại không dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Cả hai vợ chồng đều có bệnh mạn tính nên từ nhiều năm nay, cá không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày của gia đình. Bình thường, bà Hoa vẫn mua cá biển ngoài chợ theo kinh nghiệm như chọn cá có mắt trong, mang đỏ… thế nhưng bà vẫn hoài nghi về tính an toàn của những con cá này.
“Băn khoăn vì không có điều kiện mua cá biển tươi còn sống như cá có vảy, ra chợ mua thì toàn cá ướp lạnh, người bán nói cá được bảo quản lạnh, đảm bảo tươi từ lúc đánh bắt đến khi mang ra chợ bán, nghe thì biết thế thôi. Cũng có thông tin người kinh doanh có thể tẩm hóa chất để giữ cá tươi lâu, nói chung cũng khó nhận diện” – bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Không ăn cá ươn do hàm lượng histamin vượt ngưỡng cho phép.
Tại một chợ truyền thống ở Hà Nội, mỗi ngày, người bán có thể bán được cả trăm kilogram cá biển, chủ yếu là cá nục, cá thu, cá bạc má… Chỉ với một lớp đá phía dưới, họ có thể bày bán từ sáng đến chiều.
“Cũng có nhiều người hỏi cá có tẩm hóa chất gì không mà bảo đảm tươi, tôi bảo có giấy an toàn rồi nên họ thôi” – Một tiểu thương ở chợ Nam Trung Yên cho biết.
Trước đây, tại cụm Công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ xảy ra vụ ngộ độc khiến 150 công nhân bị đau đầu, chóng mặt, nổi mề đay, buồn nôn và đi ngoài. Kết quả kiểm nghiệm đã phát hiện chất histamin với hàm lượng 3806 mg/kg trong mẫu cá thu kho.
TS Trần Thị Dung – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Người bị ngộ độc histamin là do ăn phải các loại các biển ươn như cá thu, cá ngừ, cá trích, cá nục… Cá ươn do phân hủy các chất đạm tạo thành các hợp chất gây độc cho người, histidin thành histamin.
“Histamin được hình thành khi mà các axit amin histedin có trong thịt cá, loài vi khuẩn sống trong môi trường đấy sinh sôi nảy nở, trong môi trường nhiệt độ cao, sau khi cá chết phân hủy axit amin thành histamin, hisamin với liều lượng nào đó sẽ gây ngộ độc cho người. Các triệu chứng bao gồm gây mẩn ngứa, rát, đau bụng, nôn mửa…” – TS Trần Thị Dung cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Trần Thị Dung, người bị ngộ độc histamin chỉ khi ăn quá giới hạn cho phép vì theo quy định, cá đã qua chế biến đóng hộp, hàm lượng histamin cho phép là 100ppm, cá tươi thì không mẫu nào được phép vượt quá 200ppm.
Có 2 khả năng nữa có thể gây ngộ độc cho người khi ăn biển. Thứ nhất là ngay bản thân trong con cá có độc tố. Ví dụ như cá nóc, chính vì vậy chuyên gia thủy hải sản khuyến cáo người dân không nên ăn loại cá này.
Thứ hai là cá sinh sống trong môi trường có nhiều tảo độc. “Đặc thù ở vùng biển rạn đá, rạn san hô, cá sống ở vùng đấy dễ có độc vì cá ăn nguồn thức ăn là tảo độc. Những mùa sinh sôi nảy nở có hiện tượng thủy triều đỏ, tảo sinh sôi nhiều nên người ta gọi là vùng tảo nở hoa, người ta cấm luôn không được thu hoạch cá vùng đấy. Ăn cá này sẽ bị ngộ độc ciguatera” - TS Trần Thị Dung thông tin.
Các loại cá có thể gây ngộ độc ciguatera là: Cá mú, cá nhồng, cá chình biển, các vược biển, cá hồng đỏ, cá thu, cá bò.
Để phòng ngộ độc do ăn cá biển, người dân nên chọn cá tươi, mắt cá còn trong, thịt không bị nhũn, da không bị chày xước và tránh ăn cá sinh sống ở những vùng có thủy triều đỏ.
Mai Hương/VOV2