Khi nào 'lấy lòng người khác' là chứng bệnh tâm lý?

Khi nào 'lấy lòng người khác' là chứng bệnh tâm lý?
3 giờ trướcBài gốc
Biểu hiện của lấy lòng: Vô tư cực đoan
Tôi thừa nhận quả thực có người vui vẻ làm việc thiện, cách họ kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống chính là giúp đỡ người khác, và được trải nghiệm cảm giác thành tựu cũng như giá trị ngập tràn trong quá trình đó, chúng ta không bàn tới những tầng ý nghĩa sâu xa trong đó, chí ít là họ thấy vui.
Nhưng lại có một nhóm người khác, nhìn bề ngoài cũng trượng nghĩa anh hùng, đích thực cũng không ngừng phấn đấu vì hạnh phúc của người khác, nhưng bản thân họ lại bỏ qua cảm nhận của chính mình, họ không hề vui. Để vun vén cho người khác họ thường xuyên chịu tủi thân về phần mình, nhiều lần muốn từ chối lời cầu cứu của người khác nhưng ngoài miệng lại không thể thốt ra chữ “không”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Craig Adderley/Pexels.
Những người như vậy, các chuyên gia tâm lý đã đặt cho họ một cái tên đặc biệt “Rối loạn nhân cách người chăm sóc” hoặc “Chứng lấy lòng người khác”. Biểu hiện tính cách vô tư đối xử quá thân thiện với người khác đôi khi chính là một biểu hiện của bệnh, vô tư cực đoan là đặc trưng tính cách dùng để che giấu đi hàng loạt vấn đề về tâm lý và tình cảm. Đằng sau sự thân thiện của họ thường là đớn đau, cô lập, trống rỗng, cảm giác tội ác, xấu hổ, giận dữ và lo lắng.
Những người có khuynh hướng lấy lòng người khác như vậy không hẳn vì muốn đạt được lợi ích nào đó nên cố ý làm như vậy, chẳng qua họ chỉ cảm thấy sợ hãi và lo lắng bẩm sinh khi từ chối hay tỏ ra có ý thù địch. Có thể từ nhỏ họ đã học cách làm thế nào để hết sức né tránh việc từ chối người khác, tránh gây ra ý thù địch, do vậy đeo chiếc mặt nạ thân thiện lên, họ chỉ suy nghĩ tới người khác mà bỏ qua bản thân mình, thực ra họ khao khát được người khác cần đến bản thân mình.
Được người khác cần tới mình là một việc vừa hãnh diện vừa tỏa sáng biết bao - chứng tỏ bản thân bạn không phải là người vô dụng, chứng tỏ trong mắt người khác giá trị của bạn đang tỏa sáng lấp lánh. Giống như một chú ngựa tốt cuối cùng cũng được Bá Lạc phát hiện ra, thứ cảm giác hưng phấn và kích động ấy khó mà che giấu được.
Đúng vậy, ai cũng biết cách thông qua phản hồi của người khác để xác nhận giá trị của bản thân, nhưng đừng quên rằng, cảm giác giá trị ấy chỉ là một phần ngọn nguồn để chúng ta xây dựng ý thức nhận dạng bản thân (self-identity). Muốn nhận dạng bản thân chính xác trước tiên cần xây dựng trên nền tảng tự mình đánh giá tốt, nhưng nếu như sự tự tin hoàn toàn xây dựng dựa trên đánh giá của người khác thì khác nào xây nhà cao tầng trên cát bụi, gió thổi cát bay, không chắc chắn một chút nào.
Một khi bạn không thể thỏa mãn nhu cầu của đối phương dù chỉ một lần, thì cảm giác thất bại và mất đi giá trị này sẽ đeo bám như hình với bóng, khiến bạn đau đớn, lo lắng, sinh ra cảm giác tự nghi ngờ chính mình “Mình không giúp được gì, mình thật vô dụng”.
Đại Tướng Quân Quách/Bách Việt Books – NXB Phụ Nữ Việt Nam
Nguồn Znews : https://znews.vn/khi-nao-lay-long-nguoi-khac-la-chung-benh-tam-ly-post1517306.html