Khi nào nên đi khám sỏi thận?

Khi nào nên đi khám sỏi thận?
9 giờ trướcBài gốc
Yếu tố nguy cơ gây sỏi thận
Thận là một cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu, đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên của cơ thể, có nhiệm vụ loại bỏ urê và các khoáng chất dư thừa ra khỏi máu theo niệu quản đến bàng quang để thải ra ngoài. Khi một lượng lớn các khoáng chất này tích tụ trong thận tạo thành những khối rắn dạng tinh thể được gọi là sỏi thận.
Sỏi thận thường bắt nguồn từ thận, hình thành ở một hoặc cả hai bên thận. Tuy nhiên, sỏi có thể phát triển và di chuyển đến bất kỳ bộ phận nào khác của đường tiết niệu như niệu quản, bàng quang (bọng đái) và niệu đạo.
Sỏi thận hình thành với nhiều kích thước khác nhau. Hầu hết sỏi sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Sỏi nhỏ thường không gây ra triệu chứng nào cho đến khi chúng di chuyển vào niệu quản. Đối với trường hợp sỏi lớn hơn nằm trong thận hoặc đường tiết niệu gây đau cần được điều trị bằng cách phá vỡ hoặc loại bỏ, tránh biến chứng như nhiễm trùng hoặc tổn thương thận.
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của sỏi thận là uống ít nước. Tức là cơ thể tạo ra ít hơn 1 lít nước tiểu mỗi ngày. Sỏi thận rất dễ xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 40 – 60 và trẻ sinh non có vấn đề về thận, xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.
Một người từng bị sỏi thận có ít nhất 50% nguy cơ sẽ bị sỏi thận trong 5 – 7 năm tới. Một người có tiền sử thành viên trong gia đình bị sỏi thận cũng có thể bị sỏi thận, mặc dù trường hợp này khá hiếm gặp.
Ngoài ra, các yếu tố sau đây có thể khiến một người dễ bị sỏi thận hơn: Chế độ ăn uống nhiều protein, muối hoặc đường; Ít vận động; Thừa cân béo phì; Bệnh tiểu đường; Huyết áp cao; Phẫu thuật đường tiêu hóa (ví dụ phẫu thuật cắt dạ dày); Bệnh gout làm tăng nồng độ axit uric; Nhiễm trùng đường tiết niệu; Cường tuyến cận giáp; Bệnh thận đa nang hoặc thận có cấu trúc bất thường; Bệnh viêm ruột (ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ canxi); Tiêu chảy mạn tính do thiếu hụt citrate.
Sỏi thận thường bắt nguồn từ thận, hình thành ở một hoặc cả hai bên thận.
Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu triamterene, thuốc chống động kinh và thuốc kháng axit dựa trên canxi, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận do chúng hình thành các tinh thể trong nước tiểu hoặc thay đổi thành phần của nước tiểu.
Các dấu hiệu của sỏi thận và khi nào cần khám?
Khi sỏi còn nhỏ bạn có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào, kể cả khi nó đi qua đường tiết niệu. Nhưng khi sỏi lớn hơn có thể gây tắc bể thận hoặc di chuyển xuống niệu đạo gây ra những cơn đau dữ dội, quặn thắt.
Cơn đau thường ở một bên lưng hoặc bụng, đôi khi có thể lan đến vùng bẹn, kéo dài từ 20 – 60 phút. Bên cạnh đó, bạn có thể gặp các triệu chứng khác của sỏi thận như: Đau hoặc buốt rát khi đi tiểu; Cần đi vệ sinh gấp hoặc thường xuyên hơn bình thường; Tiểu ra máu là triệu chứng thường gặp ở những người bị sỏi đường tiết niệu. Nước tiểu có thể màu đỏ, hồng hoặc nâu. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi; Mỗi lần chỉ đi tiểu một lượng nhỏ; Buồn nôn và nôn mửa; Sốt và ớn lạnh thường là dấu hiệu thận hoặc một vị trí khác của đường tiết niệu bị nhiễm trùng.
Nếu bạn gặp các triệu chứng như đau một bên lưng và lan xuống vùng bụng, tiểu buốt, việc đi tiểu không giống bình thường, nước tiểu có màu bất thường thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán.
Các triệu chứng trên có thể cung cấp cơ sở nhưng không đủ để chẩn đoán bệnh. Vì vậy, tùy vào tình trạng mà bạn cần thực hiện một vài hoặc toàn bộ các xét nghiệm dưới đây: Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các khoáng chất, đánh giá chức năng thận và xác định các biến chứng; Phân tích nước tiểu để phát hiện máu trong nước tiểu, dấu hiệu nhiễm trùng và kiểm tra những viên sỏi thoát ra ngoài thuộc loại sỏi nào.
Siêu âm được sử dụng để phát hiện hầu hết các loại sỏi thận, bao gồm xác định vị trí, kích thước sỏi và sự tắc nghẽn đường tiết niệu; Chụp X-quang hệ tiết niệu; Chụp cắt lớp vi tính (CT) bụng; Chụp MRI bụng và thận…
Tóm lại: Sỏi thận là một tình trạng phổ biến, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng của nào của sỏi thận, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Với sỏi nhỏ, chúng ta không cần phải làm gì và chờ cho nó tự thoát ra ngoài. Nhưng nếu sỏi lớn hơn, cần được can thiệp để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
BS Nguyễn Văn Bàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-nen-di-kham-soi-than-169250518181913443.htm