Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, anh Phạm Hùng Cường – chủ trang trại dưa hấu hữu cơ tại xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) nói rằng, có lẽ mình là người kỳ lạ nhất, làm nông nghiệp mà không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Thay vì sử dụng phân hóa học, anh tận dụng phân bò, phân thỏ, đậu nành, bánh dầu, rác hữu cơ, cỏ... có sẵn tại địa phương để bón cho ruộng dưa.
Làm nông nghiệp hữu cơ phải có "độ lì và sự kiên trì"
Theo anh Cường, làm nông nghiệp sạch không đơn thuần chỉ là sự đam mê, mà nó là cả một quá trình quan sát, nghiên cứu và thực nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
Tại Quảng Ngãi, thời điểm này bước vào mùa nắng nóng, cũng là lúc bọ trĩ phát triển mạnh. Nếu như lúc trước anh Cường dùng vi sinh để ngâm ủ cây xoan (sầu đâu) và sả... để xua đuổi, thì nay anh tiếp tục tìm hiểu và cải tiến bằng cách nấu lấy nước phun.
“Cơ chế này nó chỉ mang tính chất xua đuổi hoặc ức chế chứ ko tiêu diệt hoàn toàn. Bởi vậy, nếu vườn bị nặng quá thì ta phá bỏ trồng lại lứa mới. Đây cũng là câu trả lời làm nông nghiệp sạch chỉ hơn thua nhau ở độ lì và sự kiên trì”, anh Cường nói.
Để có trái dưa đạt tiêu chuẩn, từng luống dưa hấu tại trang trại của anh Cường đều được trồng theo tiêu chuẩn "5 không".
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, nông dân Quảng Ngãi trồng khoảng 800 ha dưa hấu. Nhưng vốn dĩ thị trường của loại nông sản này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, lúc được giá lúc lại “chạm đáy”. Có những thời điểm, vì dưa quá rẻ nhiều nhà vườn để cho bò và cá ăn, nên nông dân Quảng Ngãi thường ví von nghề trồng dưa như “đánh bạc”.
Trăn trở trước thực trạng dưa hấu "được mùa mất giá, được giá mất mùa" của bà con, anh Phạm Hùng Cường – người con của “đất dưa” đã tiên phong nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ.
Sau hơn 4 năm kiên trì nghiên cứu "lối đi riêng", trên diện tích 5 ha mỗi vụ dưa hấu tại trang trại của anh Cường kéo dài khoảng 70 ngày, cho năng suất khoảng 20 tấn. Nhờ áp dụng cách trồng hữu cơ, dưa có trái to, màu sắc đều và độ ngọt cao. Với giá bán dao động từ 17.000 - 25.000 đồng/kg, sản phẩm dưa của trang trại anh luôn cao gấp 3 - 4 lần so với dưa trồng theo phương pháp truyền thống.
“Tôi bắt đầu trồng dưa hữu cơ từ 4 năm trước. Dưa hấu hữu cơ được trồng theo tiêu chuẩn "5 không": không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không dư lượng thuốc hóa học độc hại. Toàn bộ quá trình chăm sóc đều sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt, ruộng dưa đều được trải bạt trên luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại mọc”, anh Cường nói.
Anh Phạm Hùng Cường luôn ghi chép cẩn thận chế độ chăm sóc từng lứa dưa tại trang trại dưa hấu hữu cơ của mình.
Cũng theo anh Cường, do tập quán canh tác bà con nông dân quá lạm dụng, phụ thuộc vào phân – thuốc hóa học, lâu dần làm cho đất sản xuất bị nhiễm hóa chất và thoái hóa, nên mỗi ngày dịch bệnh sẽ càng nhiều hơn. Chưa kể độc hại, chất lượng nông sản cũng ngày càng giảm đi.
“Mỗi người có một phương pháp khác nhau, mình không lên án hay đả kích bất kì một phương án sản xuất nào, nhưng cách làm nông nghiệp mà phụ thuộc hóa chất như họ đang làm là không ổn”, anh Cường nói thêm.
Câu chuyện về sản xuất dưa hấu hữu cơ của anh Nguyễn Hùng Cường là một ví dụ cho thấy, con đường đi đến thành công của nông nghiệp hữu cơ quả thực quá gian nan. Trên thực tế, theo giới chuyên môn, nông sản hữu cơ có giá thành cao song lại bị hàng giả, hàng nhái trà trộn là nguyên nhân chính khiến sản phẩm này khó tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Giống như anh Cường, chị Trần Thị Lan Anh, (32 tuổi, Hà Nội) lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp hữu cơ ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) với các nông sản ngắn ngày như cà chua, rau, dưa leo,... hữu cơ để cung cấp thị trường Hà Nội.
Theo chị Lan Anh, chi phí cao, làm ra được sản phẩm hữu cơ rất kỳ công, nhưng đến lúc bán lại rất khó khăn bởi giá bán gấp 2-3 lần rau thường, nên tiêu thụ chậm. Nếu bán rẻ hơn thì không có lãi, vì vậy khiến chị ngày càng nản.
“Cũng là một loại dưa leo, ngoài chợ chỉ có giá 10 nghìn/kg, nhưng với dưa leo hữu cơ, nếu tôi bán 20 nghìn thì không có lãi, chưa kể giá 10 nghìn như hàng ở chợ thì hoàn toàn không thể cạnh tranh nổi” – chị Lan Anh bày tỏ.
Tiềm năng, nhưng cần... đầu ra
Thông tin tại Hội thảo về phát triển nông nghiệp hữu cơ do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp, HTX.
Trong những năm gần đây, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Diện tích canh tác hữu cơ tăng lên, ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX quan tâm đầu tư và người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng vào các sản phẩm sạch bền vững.
Nông nghiệp hữu cơ còn nhiều tiềm năng phát triển, song giá trị liên kết còn thiếu, khâu kiểm soát chứng nhận chất lượng chưa thực sự đồng bộ.
Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, chuỗi giá trị liên kết còn thiếu, khâu kiểm soát chứng nhận chất lượng chưa thực sự đồng bộ.
Còn theo ông Trương Xuân Sinh - Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và dịch vụ chất lượng (RETAQ) thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - cho biết, hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng 174.579,6 ha, chiếm 1,41% so với diện tích sản xuất nông nghiệp; giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Ông Sinh khẳng định, Việt Nam có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ do có điều kiện tự nhiên thuận lợi; nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, trái cây nhiệt đới, thủy sản…; nguồn lao động dồi dào. Đặc biệt, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng thị trường nông sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn từ thị trường, chính sách, chi phí sản xuất cao, dẫn đến giá sản phẩm cao, sản xuất manh mún, kỹ thuật công nghệ và trình độ lao động còn thấp.
“Chính phủ đã ban hành các nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành đề án hoặc kế hoạch và chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của địa phương. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn khiêm tốn”, ông Trương Xuân Sinh nói.
Do đó, để nông sản hữu cơ phát triển bền vững, đặc biệt để đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp lớn và thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này, ông Trương Xuân Sinh cho rằng, cần có quy hoạch vùng sản xuất.
Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu; gắn với chuyển đổi xanh và sản xuất thực phẩm bền vững; gắn với phát thải ròng bằng 0; gắn với du lịch sinh thái… sẽ giúp nông nghiệp hữu cơ ổn định lâu dài và giảm thiểu chi phí.
Bên cạnh đó, cần số hóa hồ sơ sản xuất, kinh doanh và truy xuất nguồn gốc. Nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Tối ưu hóa, giảm chi phí chứng nhận hữu cơ bằng cách đánh giá duy trì chứng nhận thay cho chứng nhận lại cùng với việc tăng cường giám sát từ cộng đồng. Xây dựng cộng đồng sản xuất, tiêu thụ, kênh phân phối.
Các chuyên gia cũng nhận định, hiện nay, quan điểm của người tiêu dùng đã khác. "Họ ăn ngon thôi chưa đủ, cần ăn sạch, lành mạnh. Điều này tác động lớn tới các phương thức canh tác hiện nay, đòi hỏi người nông dân, nhà sản xuất phải cùng nhau gắn kết để tạo nên sự thay đổi cho nền nông nghiệp Việt Nam", một chuyên gia nói.
Hồng Hương